Đề xuất hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà dưới 1,8 tỷ đồng/căn có khả thi?

HoREA đề xuất bố trí nguồn vốn cấp bù lãi suất để các ngân hàng thương mại cho vay lãi suất hợp lý đối với người mua nhà ở thương mại, nhà ở xã hội không quá 1,8 tỷ đồng/căn.

Theo nhận định của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), một trong những vấn đề của thị trường bất động sản hiện nay là thiếu nguồn cung nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, thừa nhà ở cao cấp. Giá nhà tăng liên tục vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân nên khó tạo lập được nhà ở. 

Trong bối cảnh thị trường khó khăn, Hiệp hội đề nghị thống nhất quan điểm không giải cứu thị trường, doanh nghiệp bất động sản mà chỉ hỗ trợ thông qua cơ chế chính sách, pháp luật tạo điều kiện để thị trường tự điều chỉnh, tự điều tiết… Xem xét hỗ trợ lãi suất hợp lý cho người mua nhà để ở, người mua nhà lần đầu để tăng tổng cầu và sức mua.

Một trong những giải pháp trung hạn, dài hạn được HoREA đưa ra là đề xuất Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách “cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi” (theo quy định tại điểm o khoản 10 Điều 3 Nghị quyết số 973 ngày 08/07/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14) để các ngân hàng thương mại cho người mua nhà để ở, người mua căn nhà đầu tiên được vay với lãi suất hợp lý để mua nhà ở thương mại, nhà ở xã hội có mức giá đề xuất không quá 1,8 tỷ đồng/căn.

HoREA lý giải, thực tế trong các năm qua hầu hết người mua nhà ở xã hội đã phải vay ngân hàng với lãi suất thương mại 9 - 10%/năm. Đề xuất này tương tự như cơ chế của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 02 ngày 07/01/2013 của Chính phủ. 

Nhận định về đề xuất này của HoREA tại chương trình Landshow của VTV24 số mới đây, PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh, Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng cho biết, đề xuất này giống gói hỗ trợ 30.000 tỷ của Chính phủ trước đây, đều cho vay ưu đãi với các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại với diện tích nhỏ và số tiền vừa phải. 

“Các dự án nhà ở xã hội luôn nhận được các chỉ đạo, quan tâm của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất, thể hiện qua Nghị định 100 năm 2015 và gần đây Nghị định 49 năm 2021. Theo nghị định này thì việc cho vay với nhà ở xã hội được giao cho ngân hàng chính sách xã hội và một số tổ chức tín dụng được chỉ định. 

Nhưng thực tế, doanh số cho vay do ngân hàng xã hội cung cấp mới đạt được khoảng hơn 10.000 tỷ và dư nợ khoảng hơn 9.000 tỷ. Các tổ chức tín dụng được chỉ định thì chưa giải ngân được vì chưa được cấp bù lãi suất”, bà Hoàng Anh cho rằng với tình hình hiện nay, cái tính khả thi của việc hỗ trợ lãi suất là chưa cao. 

Bên cạnh đó, Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học Ngân hàng cũng bày tỏ băn khoăn về cơ sở xác định mức giá 1,8 tỷ đồng. 

Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Phạm Quang Tuyến, Phó chủ tịch hội đồng trường kiêm Trưởng khoa Pháp luật kinh tế, Đại học Luật Hà Nội cho rằng với mức giá 1,8 tỷ đồng/căn hộ do HoREA đưa ra có lẽ chủ đầu tư chưa có lãi, tính khả thi rất thấp. Mốc giá này chỉ có thể chấp nhận được nếu Nhà nước đứng ra tự đầu tư.

Ở góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội thầu các nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch GP Invest đánh giá, nhu cầu nhà ở xã hội là rất lớn, được cả xã hội trông mong. Trong bối cảnh thị trường lệch pha về phân khúc cao cấp, Chính phủ và Nhà nước cần có giải pháp khuyến khích cho đầu tư nhà ở xã hội. 

“Thành thực mà nói, đầu tư nhà ở xã hội hiệu quả rất thấp. Các chủ đầu tư tập trung nhiều vào phân khúc cao cấp vì phải như vậy mới có lãi… Hiện nay tìm nhà 30 triệu đồng/m2 ở khu vực Hà Nội đã là rất khó, những dự án không quá đẹp cũng có giá 40 - 50 triệu đồng/m2. 

Giá vật liệu xây dựng đang tăng lên rất cao. Suất đầu tư một căn hộ thông thường chủ đầu tư đi thuê nhà thầu đã khoảng 15 triệu đồng/m2, chưa tính tiền đất, chi phí quản lý dự án, thiết kế,... Nên nói làm dự án 20 triệu đồng/m2 là không khả thi”.

Từ thực tế trên, ông Hiệp cho rằng để có thể thực hiện thành công đề án một triệu m2 nhà ở xã hội cần có chính sách cụ thể, tính toán cả vấn đề quy hoạch, đầu ra cho sản phẩm. 

chọn
Chi tiết tồn kho hơn 11 tỷ USD tại 10 doanh nghiệp bất động sản
Các chủ đầu tư kỳ vọng việc mở bán và ghi nhận doanh thu dự án sẽ được đẩy nhanh hơn trong thời gian tới, qua đó giảm áp lực hàng tồn kho và có thanh khoản dòng tiền.