Đề xuất phân nhóm các địa phương để cách li xã hội phù hợp sau 15/4

Đây là giải pháp được đề xuất bởi nhóm chuyên gia của Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng chống dịch quốc gia.

Sáng nay 14/4, nhóm chuyên gia do BCĐ quốc gia tổ chức gồm khoảng 300 tình nguyện viên bao gồm các cán bộ của Bộ Y tế, Bộ KH&CN, Bộ TT&TT, một số viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, các sinh viên trong nước và ngoài nước đã có buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Được biết, từ đầu tháng 3, nhóm đã bắt đầu xây dựng dữ liệu, phân tích dữ liệu và mô hình dự báo nguy cơ theo từng tỉnh, thành phố. Mức độ nguy cơ được xác định bởi nhiều chỉ số, trong đó có các chỉ số về năng lực phản ứng của từng địa phương. 

Theo đó, các địa phương được phân theo 3 nhóm: Nguy cơ cao, có nguy cơ và nguy cơ thấp, từ đó tìm ra giải pháp khác nhau nhằm mục tiêu kép vừa kiểm soát được dịch bệnh, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội. 

Với nhóm nguy cơ cao, giải pháp được đưa ra là cần tiếp tục áp dụng “cách li xã hội" thêm một thời gian. Hai nhóm còn lại sẽ thực hiện “nới lỏng”. 

Bên cạnh đó, tiếp tục áp dụng một số biện pháp chung trên qui mô cả nước như: đeo khẩu trang bắt buộc khi ra khỏi nhà, giữ khoảng cách tiếp xúc, cấm tụ tập đông người, chưa kinh doanh các dịch vụ vui chơi, giải trí… 

Ngoài các biện pháp chung, người đứng đầu chính quyền địa phương căn cứ tình hình thực tiễn trên địa bàn để qui định các biện pháp bổ sung nhằm đảm bảo mục tiêu kép.

Mức độ nguy cơ của từng địa phương thay đổi theo tình hình, được cập nhật hàng ngày và phụ thuộc vào năng lực ứng phó, năng lực đảm bảo việc thực hiện các qui định chung.

Nhóm chuyên gia nhấn mạnh, bên cạnh các biện pháp đặc thù, nếu các qui định cơ bản như đeo khẩu trang, không tụ tập đông người... được thực hiện nghiêm thì nguy cơ bùng phát dịch sẽ giảm đáng kể.

Bên cạnh đó, Nhóm sẽ thực hiện kết nối để hình thành mạng lưới phản ứng đều khắp trên cả nước. Ngoài ra, có thể phân mức độ nguy cơ tới qui mô quận, huyện hoặc nhỏ hơn để có các biện pháp linh hoạt, hiệu quả.

chọn
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Kính siêu trắng sẽ là mũi nhọn 5 năm tới của Đạt Phương, dự kiến mang về doanh thu nghìn tỷ từ 2026
Theo kế hoạch, quý I /2025 Đạt Phương sẽ khởi công nhà máy sản xuất kính siêu trắng tại Thừa Thiên - Huế, dự kiến từ 2026 sẽ mang về doanh thu 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch Đạt Phương cho biết, đây là ngành mũi nhọn của Đạt Phương trong thời gian tới, doanh nghiệp đang có những lợi thế lớn trên thị trường kính siêu trắng.