Hàng nghìn chiếc kính chống giọt bắn đã đến tay y, bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch tại TP HCM. Bệnh viện Thống Nhất là bệnh viện thứ 10 nhóm thiện nguyện Xuân Yêu Thương trao tặng những chiếc kính chống giọt bắn với tổng số lượng gần 3.000 chiếc.
Tại một căn nhà nhỏ ở quận Phú nhuận (TP HCM), trong thời gian thực hiện cách li xã hội, nhóm thiện nguyện Xuân Yêu Thương đã sản xuất ra những chiếc mặt nạ ngăn giọt bắn trao tặng các y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch Covid-19.
Bà Phạm Thị Mỹ Lệ (66 tuổi, nhà ở huyện Bình Chánh) thành viên của nhóm thiện nguyện cho biết mỗi ngày chạy xe cả chục km để được cùng các thành viên trong nhóm làm mặt nạ ngăn giọt bắn.
"Các bác sĩ rất thích sản phẩm mới này của chúng tôi không phải do được hỗ trợ miễn phí mà điểm đặc biệt của chúng tôi nằm ở khóa tăng đơ phù hợp với mọi người với kích cỡ khác nhau thay vì sử dụng dây thun như các sản phẩm đang có trên thị trường, thường khá lỏng lẻo", bà Lệ chia sẻ thêm.
Anh Trần Ngọc Ân (45 tuổi, quận Bình Thạnh) trưởng nhóm thiện nguyện, chia sẻ: "Nhóm thực hiện dự án từ 2/4 khi tình cờ xem được thông tin về việc các y, bác sĩ hướng dẫn làm mũ ngăn giọt bắn vừa đơn giản, tiện dụng bằng các vật liệu dễ kiếm. Chúng tôi đã cho ra đời hàng nghìn sản phẩm mặt nạ ngăn giọt bắn và đã giao tới cho hơn 10 bệnh viện, trong đó Bệnh viện dã chiến Củ Chi đã giao 500 chiếc".
Theo chị Quách Mỹ Linh, thành viên nhóm, thì việc thiết kế thêm mút xốp cho mặt nạ giúp việc hút mồ hôi tốt hơn, tạo cảm giác thoải mái cho người sử dụng.
Từng công đoạn được chị Linh và các thành viên nhóm thiện nguyện thực hiện tỉ mỉ và đầy tâm huyết.
"Những tấm kính PET nhựa cũng được nhóm nghiên cứu và lựa chọn thật kỹ trước khi nhập, vì những tấm chắn kém chất lượng có thể làm ảnh hưởng đến thị giác của các bác sĩ", chị Linh chia sẻ thêm.
Hiện tại, mỗi ngày quyên góp được bao nhiêu thì nhóm làm bấy nhiêu và phát xuyên suốt mùa dịch. Nhóm mong muốn mở rộng quy mô việc hỗ trợ này trải rộng khắp cả nước.
Chị Linh cho biết đây là lời cảm ơn đến các y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch do anh Ân trưởng nhóm đã nghĩ ra. Khi bác sĩ đeo mặt nạ, bệnh nhân là những người đọc được dòng chữ đó sẽ cảm thấy đó là “lời hứa” mà các y bác sĩ gửi đến họ.
Sau khi trao đổi với các thành viên trong nhóm, nhóm quyết định ngoài việc tiếp tục làm ra mặt nạ hỗ trợ y, bác sĩ nhóm còn làm thêm các kích cỡ nhỏ hơn tặng cho bệnh viện Nhi Đồng để cho các cháu nhỏ sử dụng
https://zingnews.vn/gan-3000-chiec-mat-na-chong-giot-ban-tang-y-bac-si-tuyen-dau-post1072533.html