Đề xuất thẩm định Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Bộ GTVT đã có tờ trình đề nghị Bộ KH&ĐT xem xét, thẩm định hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Theo báo Đầu tư, Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) qua tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu có vận tốc thiết kế 100 km/h với phạm vi điểm đầu Km0 000 giao Quốc lộ 1 với tuyến tránh TP Biên Hòa thuộc TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và điểm cuối tại Km53 700 giao với đường vành đai thành phố Bà Rịa (Quốc lộ 56) thuộc huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Dự án có chiều dài 53,7 km, trong đó quy mô đoạn từ TP Biên Hòa - Long Thành (nút giao với đường cao tốc Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây) là 4 làn xe cao tốc, đoạn Long Thành - Tân Hiệp (giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành) là 6 làn xe cao tốc và đoạn từ Tân Hiệp đến Quốc lộ 56 là 4 làn xe cao tốc.

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu gần 19.000 tỷ đồng được đề xuất thẩm định - Ảnh 1.

(Ảnh: Báo Đầu tư).

Dự án được đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư Dự án là 18.805 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước hỗ trợ dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 6.722 tỷ đồng (bao gồm chi phí GPMB, chi phí rà phá bom mìn, chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng và chi phí khác trong giai đoạn chuẩn bị dự án); vốn Nhà đầu tư huy động là 12.083,062 tỷ đồng.

Để hoàn vốn, nhà đầu tư được phép thu phí hoàn vốn dự kiến 17 năm 5 tháng (sẽ được xác định cụ thể trong bước đàm phán; ký kết hợp đồng dự án), hết thời hạn, Nhà đầu tư chuyển giao công trình cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý.

"Theo kế hoạch, Bộ GTVT sẽ trình cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư vào quý I/2021; lập, thẩm định và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi từ quý II/2021 đến quý IV/2021; thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, thành lập doanh nghiệp dự án và ký kết hợp đồng dự án từ quý IV/2021 đến quý IV/2022; công tác GPMB triển khai từ quý I/2022 đến quý I/2023; triển khai xây dựng từ quý IV/2022, thời gian thi công 24 tháng; bàn giao đưa công trình vào khai thác vào năm 2025", theo Báo Đầu tư.

Theo thông tin trên báo Chính phủ, trước đó, ngày 7/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý Bộ GTVT là Cơ quan có thẩm quyền triển khai Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT tiếp thu ý kiến các cơ quan liên quan, rà soát, cập nhật nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lập, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021) và pháp luật có liên quan.

Dự án sẽ xây dựng 7 nút giao liên thông, 13 cầu vượt dòng chảy, 4 cầu vượt đường ngang và 19 cầu đường ngang vượt đường cao tốc. Tổng diện tích đất sử dụng để xây dựng dự án khoảng 588,5 ha. Sau khi Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư, hai địa phương sẽ phối hợp lập khung chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng và trình Thủ tướng phê duyệt triển khai thực hiện.

Với nhu cầu phát triển hạ tầng đồng bộ với phát triển kinh tế, hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu đã nhiều lần kiến nghị muốn được đẩy nhanh xây dựng tuyến cao tốc này. Hai tỉnh cũng cam kết thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án xây dựng đường cao tốc.


chọn
Incomex thoát lỗ 2024 nhờ khoản lãi đột biến, đang bắt tay với công ty con BIM Group làm dự án ở Vĩnh Phúc và Long Biên
Quý IV/2024, Incomex bất ngờ ghi nhận khoản lợi nhuận khác 5,7 tỷ đồng, nhờ đó thoát lỗ trong năm 2024. Doanh nghiệp hiện đang bắt tay với Catalan Land để hồi sinh dự án Xuân La, đồng thời hợp tác với công ty con của BIM Group đầu tư hai dự án bất động sản ở TP Phúc Yên và quận Long Biên.