Theo báo Người lao động, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM vừa trình UBND TP về việc cho phép thu phí dự án mở rộng xa lộ Hà Nội. Đề xuất nhắm mục đích hoàn vốn cho dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, đoạn đường dài 15,7 km.
Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội dài 15,7 km, khởi công ngày 2/4/2010, đi qua các quận 2, 9, Thủ Đức (TP HCM) và thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương).
Dự án do Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) làm chủ đầu tư. Đến nay, dự án chỉ mới thực hiện được 76% khối lượng công việc đề ra.
Nguyên nhân là do vướng khâu giải phóng mặt bằng. Trong đó, trục đường song hành xa lộ Hà Nội (đoạn thuộc địa phận TP HCM) chỉ mới kết nối được 73%, dự kiến tháng 3/2021 mới hoàn thành.
Cũng trên đường này, đoạn thuộc địa phận tỉnh Bình Dương vẫn còn vướng nhiều công trình liên quan đến metro số 1 và Bến xe Miền Đông mới, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022.
Về đề xuất thu phí BOT xa lộ Hà Nội từ 1/11, Sở GTVT TP cho rằng việc thu phí cấp bách dù dự án chưa hoàn thành.
Lí do được đưa ra là nếu càng kéo dài thời gian, lãi phát sinh càng cao, thời gian thu phí sẽ tăng thêm. Nếu trễ 1 năm khai thác thì kéo dài thêm 6 năm thu phí. Cụ thể, năm 2010 dự án phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 2.516 tỉ đồng. Do bị chậm trễ nên đến năm 2016, dự án điều chỉnh nâng mức đầu tư lên 4.900 tỉ đồng.
Trong đề xuất, Sở GTVT TP đưa ra các mức cho phép thu phí trạm BOT xa lộ Hà Nội như sau: ôtô dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn là 30.000 đồng/lượt; ôtô từ 12-30 chỗ, xe tải từ 2 tấn đến dưới 4 tấn là 45.000 đồng/lượt; ôtô từ 31 chỗ trở lên, xe tải từ 4 tấn đến dưới 10 tấn là 60.000 đồng/lượt; xe tải từ 10-18 tấn, xe container loại 20 feet là 120.000 đồng/lượt; xe tải trên 18 tấn, xe container loại 40 feet là 170.000 đồng/lượt. Trường hợp mua vé tháng được giảm 10%.
Bên cạnh đó, miễn phí 11 nhóm xe, trong đó có xe cứu thương, cứu hỏa, xe cảnh sát; xe buýt TP HCM tuyến cố định chạy qua trạm; giảm 50% cho ôtô dưới 12 chỗ không kinh doanh, chủ xe có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn trên 6 tháng ở mặt tiền hai đường song hành xa lộ Hà Nội (quận 2, 9 và Thủ Đức). Giá thu sẽ điều chỉnh sau 5 năm hoạt động cho phù hợp.
Năm 2009, dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1 dài 15,7 km được UBND TP HCM phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 2.516 tỉ đồng và điều chỉnh lại năm 2016, nâng tổng mức đầu tư lên hơn 4.900 tỉ đồng.
Trước đó, ngày 31/12/2017, UBND thành phố ngưng thu phí trạm BOT Xa lộ Hà Nội sau 3 năm thu phí hoàn vốn đủ cho dự án xây cầu Rạch Chiếc (đầu tư 1.000 tỉ đồng).
Theo hợp đồng cũ, nhà đầu tư sẽ chuyển sang thu phí dự án mở rộng xa lộ ngay nhưng TP HCM cần xem xét, đánh giá lại.