Đề xuất tư nhân phải thành lập doanh nghiệp mới được đầu tư bất động sản ở nước ngoài

Trong văn bản báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch & Đầu tư nêu ra một số nội dung vướng mắc, đồng thời nêu ra giải pháp liên quan đến công tác quản lí hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

Theo báo cáo tình hình đầu tư ra nước ngoài được Bộ Kế hoạch & Đầu tư gửi Thủ tướng cho thấy, trong năm 2019 tổng vốn đăng kí đầu tư ra nước ngoài đạt trên 528,78 triệu USD, tăng 10,7% so với năm 2018. Có 172 dự án đầu tư ra 33 quốc gia và vũng lãnh thổ.

Về tình hình thực hiện, theo báo cáo, tổng vốn chuyển ra nước ngoài trong năm 2019 là 564,89 triệu USD, giảm 5,6% so với 2018.

Tại văn bản này, Bộ Kế hoạch & Đầu tư nêu ra một số vấn đề mà Bộ này cho rằng còn bất cập và đề xuất sửa đổi, bổ sung trong Luật Đầu tư cũng như một số văn bản pháp luật liên quan. Trong đó có một số nội dung đáng chú ý như sau:

Về qui định những ngành nghề cấm đầu tư, trong Luật Đầu tư Điều 6 nêu rõ, những ngành nghề cấm đầu tư vào Việt Nam cũng là ngành cấm đầu tư ra nước ngoài. 

Tuy nhiên, bất cập ở chỗ, thực tế còn một số ngành nghề, sản phẩm cấm xuất khẩu, bị cấm theo Hiệp ước quốc tế mà Việt Nam kí kết hoặc tham gia và các ngành nghề khác có thể gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. 

Do đó, các doanh nghiệp (DN) kiến nghị Chính phủ cần bổ sung vào trong Luật đầu tư để có cơ sở xem xét trong quá trình cấp Giấy chứng nhận đăng kí đầu tư ra nước ngoài.

Tại Điều 52 qui định về hình thức đầu tư nước ngoài chưa cụ thể, chưa bao quát được hết các trường hợp như góp tăng vốn điều lệ, mua cổ phần phát hành thêm. Do đó, kiến nghị đề xuất cần phải sửa lại hình thức mua cổ phần, mua phần vốn góp thành góp vốn (góp tăng vốn), mua cổ phần, phần vốn góp (mua lại).

Điều 58 của luật về điều kiện đầu tư ra nước ngoài có yêu cầu nhà đầu tư (NĐT) phải có văn bản của cơ quan thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự án đầu tư.

Tuy nhiên, việc yêu cầu này sẽ gây khó khăn cho các NĐT vì thời điểm chuẩn bị hồ sơ có thể kéo dài từ một đến hai tháng, và văn bản của cơ quan thuế chỉ là một phần của hồ sơ.

Kiến nghị đưa ra là nên bỏ đoạn "tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự án đầu tư", nên thêm vào điều kiện "đã được nước tiếp nhận đầu tư chấp thuận hoạt động đầu tư". Mục đích của việc này là để sàng lọc ngay từ giai đoạn đầu các dự án không có khả năng triển khai, đồng thời tăng tính xác thực của dự án.

Về sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư ở nước ngoài, bất cập của Điều 66 của Luật Đầu tư ở chỗ NĐT muốn sử dụng doanh thu thu được từ dự án để góp vốn vào chính dự án thì lại chưa có qui định. Điều này buộc NĐT phải chuyển tiền về nước rồi lại chuyển ra nước ngoài để góp vốn đầu tư. 

Bộ Kế hoạch & Đầu tư cần nghiên cứu sửa đổi, hướng dẫn qui định rõ cho phép NĐT được sử dụng lợi nhuận thu được từ hoạt động đầu tư ở nước ngoài để góp vốn đầu tư vào dự án hoặc tăng vốn đầu tư của dự án.

Điều 66 cũng chưa giải quyết các trường hợp phát sinh trên thực tế như NĐT có nhu cầu giữ lại lợi nhuận tại nước ngoài để bù lỗ, mà chỉ đề cập đến việc sử dụng lợi nhuận thu được để tăng vốn hay mở rộng hoạt động đầu tư ở nước ngoài.

Do đó, các NĐT rất cần qui định bổ sung cho phép NĐT được sử dụng lợi nhuận thu được từ dự án đầu tư ở nước ngoài để bù lỗ cho chính dự án đó.

Nghị định 83/2015/NĐ-CP của Chính phủ qui định về đầu tư ra nước ngoài tại Điều 2 có qui định pháp nhân, cá nhân được đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên, xu hướng hiện nay cá nhân đầu tư ra nước ngoài có xu hướng gia tăng, nhất là lĩnh vực bất động sản và việc quản lí theo dõi các hoạt động này gặp nhiều khó khăn.

Trong đó, nhiều trường hợp không báo cáo tình hình thực hiện dự án, có trường hợp đăng kí đầu tư, chuyển tiền rồi tự động chấm dứt hoạt động, có dấu hiệu chuyển tiền mua tài sản, bất động sản ở nước ngoài.

Vì vậy, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 83 theo hướng qui định rõ muốn đầu tư ra nước ngoài cá nhân đầu tư vào lĩnh vực bất động sản phải thành lập doanh nghiệp theo qui định pháp luật.

Văn bản của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết thêm, xu hướng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản gia tăng, đầu tư của cá nhân tăng mạnh, đầu tư vào một số địa bàn nhạy cảm, có chính sách định cư, nhập quốc tịch. 

Chính vị vậy, Bộ này đề xuất rà soát, đánh giá xu hướng đầu tư ra nước ngoài đối với một số lĩnh vực như: Kinh doanh bất động sản, đầu tư của cá nhân, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoại tại Việt Nam đầu tư ra nước ngoài để có giải pháp quản lí và xử lí kịp thời những vấn đề mới phát sinh, đảm bảo đầu tư ra nước ngoài hiệu quả, đúng mục tiêu, định hướng của nhà nước.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.