Theo báo cáo của VEPR, nguồn cung căn hộ tại Hà Nội giảm mạnh trong Quý II, chỉ mở bán 2.910 căn, giảm 50% so với cùng kì năm trước, giảm 36,7% so với Quí I/2020. Do ảnh hưởng của lệnh giãn cách xã hội cùng việc Chính phủ thắt chặt kiểm soát quy trình phê duyệt quyền sử dụng đất và giấy phép xây dựng, tiến độ thi công xây dựng các dự án cũ và xây mới bị gián đoạn, đẩy lùi thời gian hoàn thành dự kiến, gây nên sự sụt giảm đáng kể nguồn cung căn hộ tại Hà Nội trong Quí II.
VEPR chỉ ra rằng, nhờ vào thói quen mua hàng trực tuyến mới của người dân trong đợt dịch, các chủ đầu tư đang dần thay đổi cách thức tiếp cận với khách hàng bằng cách thông qua các kênh mua bán online, giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp và xã hội.
Tổng lượng căn hộ bán được trong Quí II đạt 5.298 căn, tăng 13,7% (yoy), tăng 31,9%(qoq). Lượng căn hộ bán được chủ yếu thuộc thị trường căn hộ phân khúc trung cấp với mức giá khoảng 1.200-1.800 USD/m2.
Điểm hấp dẫn các nhà đầu tư của phân khúc này đó là các dự án đều có môi trường sống xanh, nhà đầu tư uy tín, các gói tài chính hấp dẫn với kì hạn thanh toán dài.
Theo nghiên cứu của VEPR, sau khi kết thúc giãn cách xã hội, thị trường bất động sản tại TP HCM sôi động trở lại. Lượng căn hộ mở bán mới trong Quý II tăng nhẹ, đạt 3.820 căn, giảm 6,8% so với cùng kì năm trước, tăng 69,3% so với quí trước. Lượng căn hộ bán được trong quí đạt 3.855 căn, tăng 94,7% so với Quí I, giảm 10%(yoy).
Nhu cầu căn hộ chủ yếu thuộc phân khúc bình dân và trung cấp (chiếm 83% tổng số giao dịch trong quí). Những lo ngại về mặt pháp lí, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng đến thị trường tài chính, đã cản trở quyết định đầu tư của các chủ đầu tư cũng như các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, do thiếu hụt nguồn cung cùng nhu cầu mua tốt từ thị trường tại TP HCM, mức giá căn hộ tăng nhẹ từ 1-3% so với quí trước. Giá trung bình toàn thị trường ở mức 2.582 USD/ m2 trong Quí 2/2020, tăng 27,5% so với cùng kì năm trước và 5,3% so với quí trước.
VEPR đưa ra một loạt yếu tố như: Diễn biến dịch bệnh Covid-19 trên thế giới theo chiều hướng xấu, tăng trưởng kinh tế trong nước thấp, doanh nghiệp thu nhỏ qui mô dẫn đến cắt giảm lương và nhân viên, rào cản về mặt pháp lí; có thể khiến nhu cầu đầu tư trong 6 tháng cuối năm 2020 tiếp tục ở mức thấp.
Có thể nhận định rằng tình hình kinh tế khó khăn hiện nay đã không cản trở nhu cầu về nhà ở tăng. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ sự lo ngại tiền Việt mất giá trong tương lai khiến người tiêu dùng tái phân bổ tiết kiệm vào các tài sản an toàn hơn như bất động sản và vàng.
Đồng thời, những vấn đề về hành chính trên thị trường xây dựng đã ngăn cản sự gia tăng nguồn cung, dẫn tới giá bất động sản tăng. Đây là điều cần lưu ý trong điều hành chính sách trên thị trường này.