Nhiều điểm trên quốc lộ 1A bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Xuân Ngọc |
Ngày 16/12, nhiều điểm quốc lộ 1A trên đèo Cả, nối Khánh Hòa và Phú Yên, bất ngờ bị sạt lở. Hàng tấn đất đá, bùn đổ tràn xuống, nằm chắn ngang mặt đường, khiến dòng ôtô không thể qua, tuyến quốc lộ 1A chia cắt.
Ngoài ra, mưa lũ khiến quốc lộ 1A, qua TP Cam Ranh, Cam Lâm ngập sâu, có nơi bị sạt lở làm các xe không thể chạy qua, ùn tắc nghiêm trọng. "Chúng tôi phải chờ từ rạng sáng, tới giờ xe vẫn chưa chạy qua được", tài xế ôtô khách nói.
Sáng nay, chính quyền đặt biển cảnh báo, huy động máy xúc đào và dọn dẹp hiện trường trên đèo Cả, song mưa lớn làm nước chảy dồn dập khiến viêc xử lý gặp khó khăn.
Lực lượng chức năng dọn dẹp bùn đất sạt lở trên đèo Cả. Ảnh: X.N |
Ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Phú Yên cho hay, sáng nay, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã cho mở hầm đường bộ Cổ Mã qua đèo Cả giúp giải quyết tình trạng ùn tắc. Hầm này dài 500 m được thông xe kỹ thuật hồi cuối năm 2015, dự kiến cho xe chạy khi hầm chính đèo Cả khánh thành vào năm sau.
Ông Lê Hồng Sơn, Phó giám đốc Chi nhánh vận tải Đường sắt Nha Trang, cho biết tình trạng sạt lở ở đèo Cả cũng làm tuyến đường sắt qua Phú Yên và Khánh Hòa bị tê liệt.
"Hàng chục tàu bị kẹt cứng tại Phú Yên và Khánh Hòa. Chúng tôi đang lên kế hoạch đưa 175 hành khách của tàu SE3 từ Phú Yên vào Khánh Hòa bằng ôtô", ông Sơn nói và cho biết, hiện tuyến đường sắt Bắc - Nam vẫn chưa thông tuyến.
Nhiều điểm đường sắt qua Khánh Hòa bị sạt lở do mưa lũ. Ảnh: X.N |
Sáng cùng ngày, quốc lộ 27C đoạn nằm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (cách địa phận Khánh Hòa 2 km) cũng bị sạt lở nghiêm trọng, khiến giao thông bị chia cắt hoàn toàn.
Lực lượng chức năng tổ chức đóng đường, hướng dẫn các xe đi từ Nha Trang - Đà Lạt đổi hướng khác.
"Theo thông báo khối lượng đất đá rất lớn nên không biết thời điểm nào sẽ thông tuyến", ông Tạ Thanh Tình - Chi Cục trưởng Chi cục quản lý đường bộ III.3 - cho biết.
Trong khi đó, tuyến quốc lộ 1A qua các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định cũng bị ngập sâu, có nơi hơn một mét khiến việc đi lại khó khăn. Hàng trăm cảnh sát giao thông được tăng cường chốt chặn tại những điểm lũ dọc quốc lộ đặt cảnh báo, điều tiết giao thông và hướng dẫn người dân đảm bảo an toàn.
Từ đầu tháng 12 đến nay, miền Trung chịu hậu quả lớn do mưa lũ với 14 người chết, nhiều người bị thương, thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Hình thái thời tiết này cũng làm 59 người chết, thiệt hại hơn 7.000 tỷ đồng trong hai đợt tháng 10 và 11.