Đèo Cả và nhiều doanh nghiệp cam kết đầu tư cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

Các nhà đầu tư cam kết huy động khoảng 50% nguồn vốn để đầu tư cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh theo hình thức PPP.

Theo Cổng TTĐT Cao Bằng, Tỉnh ủy Cao Bằng vừa tổ chức cuộc họp trao đổi một số nội dung liên quan đến dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) -Trà Lĩnh (Cao Bằng) và các dự án công nghiệp, trung chuyển thương mại dịch vụ trên địa bàn, dự kiến mở rộng quy hoạch TP Cao Bằng.

Nhiều doanh nghiệp như Tập đoàn Đèo Cả, Phú Mỹ, Công ty đầu tư xây dựng Thành Lợi, Công ty đầu tư Văn Phú - Invest cho biết sẽ đồng hành với địa phương xây dựng đường cao tốc.

Đèo Cả và nhiều doanh nghiệp cam kết đầu tư cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh - Ảnh 1.

UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức lễ động thổ tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh tháng 10/2020. (Ảnh: TTXVN).

Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh thuộc nhóm A được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 8/2020 theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tổng mức đầu tư dự án dự kiến là 20.939 tỷ đồng.

Tuyến đường có chiều dài 115 km, trong đó, đoạn đi qua tỉnh Lạng Sơn dài khoảng 52 km, đoạn qua tỉnh Cao Bằng khoảng 63 km. Tốc độ thiết kế tối đa 80 km/h.

Điểm đầu tại nút giao khu vực cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng kết nối vào đoạn nối cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam, tỉnh Lạng Sơn. Điểm cuối tại nút giao đường vào khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh và quốc lộ 34, thuộc khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng.

Trong đó, giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành vào năm 2024 với tổng mức đầu tư là 12.546 tỷ đồng, đầu tư khoảng 93 km từ nút giao khu vực cửa khẩu Tân Thanh đến nút giao với quốc lộ 3 tại xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa.

Giai đoạn 2 sẽ thực hiện sau năm 2025 với tổng mức đầu tư 8.393 tỷ đồng, đầu tư tiếp khoảng 22 km từ nút giao với quốc lộ 3 tại xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa đến cửa khẩu Trà Lĩnh.

Đến nay, dự án đã thực hiện công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi và đang triển khai công tác lập khung chính sách; đánh giá tác động môi trường; xây dựng phương án tuyến so sánh. 

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung mọi nguồn lực, không đầu tư dàn trải để hoàn thành dự án đường cao tốc, các nhà đầu tư kiến nghị tỉnh sớm thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư với cơ cấu vốn 50% ngân sách nhà nước và 50% vốn từ nhà đầu tư và các nguồn vốn khác.

Ngoài ra, tỉnh thống nhất chỉ đạo giao cho các nhà đầu tư trên tài trợ quy hoạch mở rộng TP Cao Bằng; rà soát các dự án bất động sản, khu công nghiệp, trung chuyển, thương mại dịch vụ hiện tại để giao các nhà đầu tư nghiên cứu đề xuất đầu tư theo quy định.

UBND tỉnh Cao Bằng sẽ thành lập tổ công tác xúc tiến đầu tư là đầu mối trực tiếp giải quyết các thủ tục liên quan đến việc tạo nguồn vốn cho dự án cao tốc; tổ chức ký kết hợp tác đầu tư dự án cao tốc, bất động sản, khu công nghiệp, hoàn thành trong tháng 12/2021.

Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh mong muốn các nhà đầu tư tiềm năng đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh và các Dự án công nghiệp, trung chuyển thương mại dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, nhất trí với các kiến nghị, đề xuất của các nhà đầu tư, thống nhất tập trung nguồn lực đầu tư cho dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng- Trà Lĩnh.

Tỉnh Cao Bằng sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư, doanh nghiệp triển khai thực hiện các dự án; thành lập các Tổ công tác nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư.

Về các dự án bất động sản đô thị, khu công nghiệp, thương mại dịch vụ, hiện một số nhà đầu tư đã thực hiện tài trợ quy hoạch khu vực hạ lưu hồ Khuổi Khoán với diện tích khoảng 500 ha; Khu đô thị Nà Cáp 1, 2, mỗi khu có diện tích khoảng 6,5 ha; Khu công nghiệp Chu Trinh (TP Cao Bằng) với diện tích khoảng 81ha; Khu trung chuyển phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa nông lâm, thủy, hải sản khoảng 80 ha; Khu trung trung tâm lưu thông hàng hóa thương mại xuất nhập khẩu Sao Vàng khoảng 67 ha.

Các dự án hoàn thành sẽ góp phần thu hút nhiều nhà đầu tư tiềm năng đến đầu tư tại tỉnh, mở rộng phát triển đô thị, thu hút dân cư và phát triển du lịch, dịch vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

chọn
Sự chậm nhịp của đất nền Đà Nẵng so với chung cư và condotel
Theo chuyên gia, thị trường BĐS Đà Nẵng từng trải qua 2 cơn sốt vào giai đoạn 2008 - 2009 và 2016 - 2019 với đất nền là phân khúc dẫn dắt. Tuy nhiên trong chu kỳ hiện tại, dường như loại hình này đang chậm nhịp hơn chung cư và condotel.