Dẹp tiệm, đóng cửa hàng trà sữa vì không bán... li, ống hút nhựa

Sản xuất và kinh doanh bền vững, vì môi trường đang tạo nên làn sóng mới trong thời gian gần đây. Nhưng không ít cơ sở kinh doanh phải đánh đổi nhiều thứ, thậm chí đóng cửa vì theo đuổi mô hình này.

Trong báo cáo Nền kinh tế tuần hoàn: Những ưu tiên cho các nước đang phát triển công bố vào cuối tháng 5/2019 của Viện Quan hệ quốc tế Hoàng gia Anh, các nước đang phát triển được đánh giá là nơi có nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Chuyên viên nghiên cứu Laura Wellesley cho rằng: "Nền kinh tế tuần hoàn có thể cung cấp những cơ hội mới để đa dạng hóa kinh tế, tạo ra nhiều giá trị và phát triển thêm nhiều kĩ năng".

Đóng cửa tiệm trà sữa vì khách chỉ muốn uống bằng li, ống hút nhựa

Thùy Chi, chủ một quán trà sữa trên đường Linh Đông (quận Thủ Đức) theo đuổi mô hình "nói không với ống hút nhựa" từ đầu năm 2019. Ban đầu khi biết đến phong trào kinh doanh xanh, chị hào hứng hưởng ứng với mong mỏi giúp ích cho môi trường. Thế nhưng, chi phí lớn đi kèm vô vàng bất tiện khiến Thùy Chi dù không muốn vẫn phải từ bỏ.

IMG_1547

Từ cuối năm 2018, nhiều quán nước loại bỏ ống hút nhựa để thay bằng ống hút inox, tre, giấy,... (Ảnh: Tất Đạt).

Để khách hàng có được một li trà sữa "xanh hơn", quán của chị Chi phải bỏ thêm gần 6 triệu đồng để thay hết ống hút và muỗng nhựa bằng loại gỗ cho khách dùng tại quán. Ngoài ra phải chi 800.000 - 1.000.000 đồng mỗi tháng để thay thế hoàn toàn li nhựa bằng li giấy cho khách mang đi. Chi phí tăng thêm khoảng 20% nhưng giá bán mỗi li trà sữa vẫn phải duy trì như cũ, vì khách hàng phản đối, không đồng ý chi thêm tiền để sử dụng ống hút nhựa hay li giấy mà lượng đồ uống không tăng thêm.

Chưa kể, khách dùng tại quán luôn phản ánh tình trạng ống hút tre khó hút trân châu so với ống hút nhựa. Khách đến quán ngại dùng li thủy tinh vì sợ dễ vỡ, ngại dùng ống hút tre vì sợ không đảm bảo vệ sinh. Khách mang đi phàn nàn vì "uống trà sữa bằng ống hút giấy có vị không ngon như ống hút nhựa".

Tâm trạng hào hứng ban đầu của chị dần thay bằng lo lắng. Nhìn lại tình hình kinh doanh trong 3 tháng qua, Thùy Chi không khỏi bàng hoàng: "Mỗi tháng, mình phải bỏ thêm hàng triệu đồng để giúp khách hàng tại quán có được những li trà sữa 'xanh hơn'. Thế nhưng, điều mà mình nhận về lại là những phản ứng trái chiều và lẹt đẹt chưa được 20 li trà sữa mỗi ngày. Mình thật sự sốc!".

IMG_1546

Khách hàng vẫn chuộng sự tiện lợi của đồ nhựa hơn các sản phẩm vì môi trường. (Ảnh: Tất Đạt).

Không còn lựa chọn nào khác, chị đành quay về với li nhựa, ống hút nhựa, muỗng nhựa… Tuy nhiên, khách hàng vẫn ngày một vắng vì "tiếng thơm" hành động cho môi trường đã gắn liền với quán. Theo chị, nhiều người đã tìm được quán mới "tiện hơn" để thưởng thức. Trụ được thêm một tháng, Thùy Chi phải đóng cửa quán trà sữa của mình.

Mô hình 'kì quặc' để bảo vệ môi trường

May mắn hơn quán trà sữa của Thùy Chi, trên thị trường vẫn có nhiều mô hình sản xuất và kinh doanh bền vững, vì môi trường hoạt động. Chính thức vận hành từ cuối tháng 10/2018, Lại Đây Refill Station là cái tên tiên phong cho mô hình kinh doanh "làm đầy" các chai lọ cũ. Đây là khoản đầu tư tâm huyết của hai bạn trẻ Nguyễn Dạ Quyên và Tống Khánh Linh.

Là một họa sĩ có tiếng, lại kinh doanh thành công trong lĩnh vực logistics, nhưng Dạ Quyên vẫn quyết định bỏ thời gian, công sức và tài chính cho Lại Đây. Động lực lớn để chị theo đuổi mô hình kinh doanh "kì quặc" này chính là tình yêu và trách nhiệm của bản thân với môi trường. Với Lại Đây, Dạ Quyên cho biết muốn góp phần bảo vệ được hệ sinh thái bằng những việc trong tầm tay của mình.

Lai Day

Khi hết sản phẩm, khách hàng mang chai, lọ đến để nhân viên làm đầy. (Ảnh: Tất Đạt).

Theo chị, để sản xuất và kinh doanh bền vững, việc cân bằng giữa ba yếu tố lợi nhuận - con người - môi trường. Người sản xuất và kinh doanh cần tạo ra sản phẩm có giá cả phải chăng, để người dùng có thể tiếp cận dễ dàng, nhưng phải đạt chất lượng tương xứng và ít tổn thương đến môi trường. Đây là vấn đề cần cân nhắc trong mỗi hoạt động của các cơ sở sản xuất và kinh doanh bền vững.

Xu hướng vì môi trường lan tỏa đến nhiều ngành như sản xuất hàng tiêu dùng, logistics, trà sữa, nhà hàng,… đáng chú ý là các mô hình sản xuất hữu cơ trong nông nghiệp. Hợp tác xã nông nghiệp Long Hiệp (Trà Vinh) ngay từ khi khai sinh đã đi theo con đường bền vững. Sản phẩm chủ lực là gạo hữu cơ sản xuất bằng mô hình kết hợp trồng lúa và nuôi tôm.

Ngoài những lợi ích về môi trường, sản xuất bền vững mang về cho cơ sở nhiều lợi thế. Dư Phúc Thịnh, Phó Giám đốc HTX, cho biết: "Sản xuất bền vững thực sự là một hướng đi tất yếu, giúp chúng tôi gia tăng niềm tin ở khách hàng, từ đó mang về nhiều khách hàng mới. Đây là giải pháp giúp chúng tôi định hướng phát triển kế hoạch sản xuất, kinh doanh rõ ràng, cụ thể hơn và tạo ra mô hình khác biệt".

HTX 2

Gạo hữu cơ tạo ra sản phẩm khác biệt cho HTX trên thị trường. (Ảnh: Fanpage HTX nông nghiệp Long Hiệp).

Hoạt động từ tháng 7/2018, tình hình kinh doanh và tiếp cận thị trường được HTX đánh giá khá tiềm năng. Anh Thịnh cho biết thêm: "Tỉ lệ chuyển đổi hành vi của khách hàng ngày càng tăng. Chúng tôi đã đạt 61% số người tiếp cận quay lại sử dụng sản phẩm". HTX xác định rằng xây dựng niềm tin là yếu tố then chốt để thu hút khách hàng đối với sản xuất và kinh doanh bền vững.

Theo đó, trách nhiệm và minh bạch sẽ giúp khách hàng tin chọn sản phẩm bền vững hơn. Người sản xuất có trách nhiệm với sản phẩm mà mình tạo ra, với môi trường, với sức khỏe của chính mình và của người tiêu dùng. Ngoài ra, người sản xuất cần phải công khai qui trình canh tác, chế biến cũng như những tiêu chí chất lượng.

Đánh đổi sự tiện lợi để có được bền vững

Thực tế, mô hình sản xuất bền vững còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở khâu đầu ra sản phẩm và duy trì lượng khách hàng. Đa số đơn vị bền vững chọn xuất khẩu là hướng tiêu thụ chính vì thị trường trong nước vẫn còn hạn hẹp.

Trong 10 tháng qua, lượt người refill tại Lại Đây tuy có xu hướng tăng lên nhưng không quá nhiều và chưa như kì vọng. Trong đó, số lượng khách nước ngoài chiếm rất lớn so với người Việt.

Dạ Quyên cho rằng: "Kinh doanh theo hướng bền vững phải có đường đi chậm hơn và thận trọng hơn so với kinh doanh thông thường". Mô hình kinh doanh đối với các doanh nghiệp bền vững cần phải được xây dựng lâu dài và cần nhiều tâm huyết. Người chủ ngoài cái tâm, cần thật sự hiểu biết về kinh tế tuần hoàn.

Khach hang

Người Việt vẫn lười với việc tiêu dùng tuần hoàn do thiếu ý thức về bền vững. (Ảnh: Tất Đạt).

Sự lan truyền mạnh mẽ trên truyền thông về lối sống xanh và tiêu dùng bền vững khiến nhiều người ngộ nhận về vẻ hào nhoáng của mô hình này. Thực tế, sản xuất và kinh doanh bền vững chưa hẳn là miếng mồi ngon thu về lợi nhuận khủng.

Dạ Quyên thừa nhận chị và người đồng sáng lập Khánh Linh đang mất rất nhiều thời gian và tiền bạc cho Lại Đây. Chị phải tự tay làm mọi thứ từ tìm nguồn cung, xây dựng các kênh truyền thông cho đến duy trì cửa hàng mà chưa bỏ túi đồng lương nào. Quyên nhấn mạnh: "Thực tế, sự bền vững gây nhiều bất tiện cho người kinh doanh. Ta cần phải kiên định trong việc đánh đổi sự tiện lợi để có được sự bền vững".

Các cơ sở theo hướng bền vững phải đối mặt với khó khăn trong việc mở rộng tệp khách hàng. Các sản phẩm vì môi trường đa phần đều có thời gian và vòng đời sử dụng rất dài. Tại Lại Đây, những sản phẩm phục vụ cá nhân như sữa tắm, dầu gội, chăm sóc da mặt… đều có thời gian sử dụng lên đến 2-3 tháng. Đặc biệt, các mặt hàng như băng vệ sinh vải, bình nước tre/thủy tinh, túi vải… cần 4-5 năm mới kết thúc vòng đời. Vì thế, Dạ Quyên thừa nhận: "Mình rất khó để gặp lại những khách hàng cũ".

Đối với những người khó tính, họ đòi hỏi sản phẩm vì môi trường thật sự, không pha tạp. Điều này càng khiến người sản xuất, kinh doanh phải chấp nhận sự bất tiện nhiều hơn.

Dạ Quyên từng mất thêm thời gian và chi phí để yêu cầu cơ sở sản xuất bánh xà phòng thay thế bao bì giấy bọc nhựa bằng loại giấy được sản xuất bằng các nguyên liệu có sẵn tại địa phương. Khi đổi sang bao bì giấy, xà phòng dễ bị mốc hơn. Vì thế, Lại Đây lại chịu thêm bất tiện để bảo quản được xà phòng đến tay khách hàng một cách tốt nhất.

HTX

HTX mất thời gian rất lâu để giám sát, hỗ trợ trực tiếp cho nông dân quen với mô hình hữu cơ. (Ảnh: Fanpage HTX nông nghiệp Long Hiệp).

Sự bất tiện cũng là thách thức đối với HTX nông nghiệp Long Hiệp, trước hết ở khâu quản lí qui trình tạo ra gạo hữu cơ từ người nông dân. Xu thế nuôi tôm công nghiệp và trồng lúa phụ thuộc nhiều vào hóa chất đã tác động sâu rộng đến nông dân ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Vì thế, người nông dân chưa đủ kiến thức về sản xuất bền vững rất khó để hợp tác chặt chẽ cùng HTX. Giai đoạn thuyết phục người dân và kiểm soát sản xuất lúa - tôm đúng qui trình hữu cơ làm hao mòn công sức và tài chính đáng kể của HTX.

Để đánh đổi sự tiện lợi vì môi trường, Dạ Quyên nhấn mạnh: "Nếu chúng ta không thật sự hiểu về bền vững và có lòng yêu thương với môi trường, chúng ta sẽ cảm thấy rất mệt mỏi và 'ngộp' trước quá nhiều việc phải làm. Bền vững vẫn còn rất nhiều thứ, không chỉ là nhựa. Rác thải, lãng phí điện, nước, thức ăn… khi ta sản xuất mới là thứ quan trọng hơn".

Tinh thần người tiêu dùng cao nhưng chỉ có 1.200 cơ sở vì môi trường

Năm 2016, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 76/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Tuy nhiên, đến nay, sản xuất bền vững vẫn chưa ghi được nhiều dấu ấn. Số liệu từ Tạp chí Môi Trường cập nhật mới nhất chỉ đến cuối năm 2016, cả nước có vỏn vẹn 1.200 cơ sở áp dụng sản xuất sạch hơn - một trong những bước đầu để sản xuất bền vững.

Theo báo cáo Ý thức bền vững của người tiêu dùng Việt Nam của Nielsen, người tiêu dùng Việt có tinh thần hướng đến xã hội và sự phát triển bền vững cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Có đến 86% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả cao hơn để mua sản phẩm và dịch vụ từ các công ty có ảnh hưởng tích cực đến xã hội và mi trường, cao hơn 10% so với mức trung bình của khu vực Đông Nam Á.

Theo Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP), yếu tố then chốt để tiến tới sản xuất và tiêu dùng bền vững nằm ở thói quen của người tiêu dùng.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.