Sáng nay (ngày 19/4), CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (mã chứng khoán: NT2) tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023 tại TP HCM, qua đó, cổ đông công ty đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu tổng doanh thu 8.299 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 473,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 5,83% và giảm 46,4% so với thực hiện năm 2022.
Công ty cũng đặt mục tiêu sản lượng điện đạt 4,1 tỷ kWh; khối lượng khí đạt 779,5 tỷ Sm3.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, công ty dự kiến chia cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 15% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận được 1.500 đồng). Với 256 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính công ty sẽ chi khoảng 431,8 tỷ đồng cho đợt chi trả cổ tức trên.
Hội đồng quản trị (HĐQT) công ty cho biết, năm nay tiếp tục là một năm nhiều khó khăn đối với công ty do vẫn chịu ảnh hưởng chung của nền kinh tế chưa phục hồi và trong năm Nhà máy điện Nhơn Trạch 2 ngừng máy trong 2 tháng do thực hiện công tác đại tu.
Vì vậy trong năm vay, HĐQT công ty sẽ tiếp tục chỉ đạo hoàn thành công tác quyết toán các công việc của hợp đồng liên quan sau khi kết thúc chu kỳ bảo trì, sửa chữa Nhà máy điện Nhơn Trạch 2 trong 100.000 EOH đầu tiên. Cùng với đó là hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo trì sửa chữa Nhà máy điện Nhơn Trạch 2 giai đoạn 100.000 EOH tiếp theo.
Công ty cho biết sẽ tiết giảm các chi phí sản xuất bằng việc vận hành an toàn, ổn định các tổ máy, vận hành ở chế độ tối ưu để giảm suất hao nhiệt nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Về kế hoạch đầu tư phát triển, Nhơn Trạch 2 xây dựng kế hoạch phát triển công ty theo từng thời kỳ để gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Cụ thể, công ty sẽ tham gia thị trường điện bán buôn và bán lẻ cạnh tranh theo lộ trình của Chính phủ; nghiên cứu, triển khai tìm kiếm nguồn nhiên liệu phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty.
Đối với điện tái tạo, theo chia sẻ từ phía Nhơn Trạch 2, công suất hiện nay của nguồn năng lượng tái tạo là 21.000 MW, chiến hơn 27% tổng công suất đặt, có lúc lên tới 36% tổng công suất toàn hệ thống. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình sản xuất kinh doanh của công ty khi ngành điện có những giải pháp ưu tiên cho năng lượng tái tạo hơn, theo định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030.
Đối với sản lượng điện hợp đồng (Qc), đây là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh doanh của NT2, năm nay sẽ thực hiện đại tu lần 2 với nhà máy nên việc phân bổ hợp đồng qua các tháng chưa phù hợp sẽ gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh và làm mất lợi thế cạnh tranh, khi các nhà máy điện khí trong khu vực đã hết khấu hao.
Chi phí nhiên liệu theo kế hoạch năm 2023 sẽ tăng 11% so với kế hoạch 2022, làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp và gây sụt giảm lợi nhuận. Suất hao nhiệt tăng cao do thường xuyên chạy ở tải thấp, thường xuyên lên xuống máy sẽ dẫn đến tăng chi phí cũng như rủi ro vận hành.
Năm 2022 vừa qua, Nhơn Trạch 2 ghi nhận sản lượng điện đạt 4.064 tỷ đồng, hoàn thành 93,55% kế hoạch. Tổng doanh thu vượt 8,42% kế hoạch năm, đạt 8.813 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 883,4 tỷ đồng, vượt 88,7% kế hoạch. Trong năm, công ty đã thanh toán cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt, tỷ lệ 16,5% với giá trị đạt 475 tỷ đồng.
Với kết quả trên, cùng với việc trích lập các quỹ khen thưởng, phúc lợi, quỹ đầu tư phát triển,… Nhơn Trạch 2 dự kiến sẽ chia cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 25% vốn điều lệ, tương ứng với gần 720 tỷ đồng.
Trước đó, cuối tháng 3, công ty đã thực hiện tạm ứng cổ tức năm 2022 cho cổ với tỷ lệ 10%.
Tại đại hội, ông Ngô Đức Nhân, Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc Nhơn Trạch 2 cho biết, năm 2022 vừa qua tuy sản lượng không đạt kế hoạch, nhưng các chỉ tiêu khác đều vượt kế hoạch. Tốc độ tăng doanh thu lớn hơn tăng chi phí (5%).
Việc bảo dưỡng, sửa chữa cũng đúng quy định, đúng thời điểm. Công ty cũng đã lập tổ theo dõi, khắc phục nhanh, nên công ty luôn trong tình trạng sẵn sàng vận hành. Theo ông Nhân, nhà máy điện khí NT2 có 2 lợi thế nằm ở trung tâm phụ tải Đông Nam Bộ và có hiệu suất cao nhất trong các nhà máy điện khí.
“Đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Nhơn Trạch 2 là nhà máy điện Phú Mỹ của PVN. Trong thời gian qua, giá than tăng cao, với NT2 chạy điện khí thì là một lợi thế. Trong trường hợp các nhà máy của Phú Mỹ dừng lại bảo dưỡng, chúng tôi sẵn sàng chào giá rất thấp để hút lại sản lượng”, ông Nhân cho biết.
Kế hoạch lợi nhuận năm nay có quá thấp so với năm 2022 không?
=> Đại diện doanh nghiệp cho biết, kế hoạch năm thấp như vậy là phải tính toán. Mức kế hoạch này không thấp, mà phù hợp với diễn biến, tính toán. Tuy nhiên, ban lãnh đạo công ty sẽ cố gắng vượt con số này, dù hiện tại chưa thể hứa là bao nhiêu phần trăm.
Tại sao giá dầu thế giới giảm mạnh nhưng giá khí đầu vào của công ty lại không giảm tương ứng và đi ngang?
Lãnh đạo công ty cho biết, hợp đồng mua bán khí có quy định được tính toán theo giá dầu, nhưng không thấp hơn miệng giếng. Miệng giếng của các giếng dầu, giếng khí thì được nhà nước quy định mua bằng giá sàn. Chúng ta không thể mua giá sàn bán giá trần được.
Chính vì vậy làm cho giá khí không giảm khi giá dầu tăng
Về kết quả quý I?
=> Ông Ngô Đức Nhân cho biết, chúng tôi ước đoán trong 3 tháng 8-9-10/2023 sẽ lỗ hàng trăm tỷ đồng. Nghĩa là phải lấy lợi nhuận từ các tháng trước bù vào.
Trong 3 tháng đầu năm, Công ty đã làm được 230 tỷ đồng. Làm sao đến 30/06, phải đạt được kế hoạch hơn 450 tỷ đồng.
Về kế hoạch đại tu 2023, ước chi phí bao nhiêu, phân bổ cho bao nhiêu năm?
=> Ông Ngô Đức Nhân cho biết, chi phí bảo dưỡng là 407 tỷ đồng để bảo dưỡng toàn hệ thống nhà máy, dành cho máy móc sửa chữa thiết bị, chi phí này được phân bổ trong 3 năm,
Năm nay sẽ tìm nhà thầu mới trong dài hạn, ban lãnh đạo có thể chia sẻ chi tiết về hợp đồng này không?
=> Công ty đang tổ chức đấu thầu, hiện có 3 nhà thầu mua. Hiện Công ty chưa đánh giá về uy tín. Tới ngày 20/4, sau khi hết hạn nộp hồ sơ, công ty mới đánh giá và đàm phán.
“Cá nhân tôi thì mong sẽ được hợp tác với nhà sản xuất thiết bị công”, ông Ngô Đức Nhân chia sẻ.
Chia sẻ về dự định xây dựng dự án điện mặt trời?
=> Theo đại diện Nhơn Trạch 2, công ty đã nghiên cứu xây dựng điện mặt trời (ĐMT) để thế tự dùng. Công ty bán điện sản xuất cho EVN, nhưng cũng mua lại điện từ lưới để duy trì hoạt động trong nhà máy. Chúng tôi đã nghiên cứu xây dựng điện mặt trời để có điện tự dùng.
Tuy nhiên, để xây dựng dự án riêng cho công ty thì rất khó. Nếu xây theo kiểu trang trại (farm) thì phải có quy hoạch, còn áp mái thì có thay đổi về cơ chế. Chúng tôi sẽ xem xét kế hoạch đầu tư, góp vốn vào các dự án năng lượng tái tạo khác khi dòng tiền mạnh và tình hình kinh doanh thích hợp.