Năm 2020 đầy sóng gió của doanh nghiệp dầu khí, cửa sáng có rộng mở năm nay khi giá dầu bứt phá?

Năm 2020 có 4/11 doanh nghiệp dầu khí tăng trưởng doanh thu và chỉ ba trong số đó tăng trưởng lợi nhuận. Qua đó, đã cho thấy bức tranh kinh doanh u ám của nhóm doanh nghiệp "họ P" trong bối cảnh dịch Covid-19 và giá dầu xuống thấp kỷ lục gần hai thập kỷ.

Năm 2020, ngành dầu khí chịu “khủng hoảng kép” của đại dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh và được nhận định là giai đoạn khó khăn nhất từ trước đến nay.

Các doanh nghiệp dầu khí vừa phải tập trung ứng phó với dịch bệnh dẫn đến nhu cầu thị trường thấp, bị thu hẹp và vừa phải ứng phó với suy giảm giá dầu thô chưa từng có trong lịch sử giao dịch dầu khí.  

Giá dầu ghi nhận thấp kỷ lục trong gần 20 năm trở lại đây, đặc biệt lần đầu tiên trong lịch sử dầu khí thế giới, ngày 20/4/2020, giá dầu WTI âm 37,6 USD/thùng.

Theo thống kê của người viết thì chỉ có 4/11 doanh nghiệp dầu khí trong nước tăng trưởng doanh thu năm 2020 gồm Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (Mã: PVD), Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (Mã: PVS), CTCP Bọc ống Dầu khí Việt Nam (Mã: PVB), CTCP Dịch vụ Lắp đặt, Vận hành và Bảo dưỡng Công trình Dầu khí biển PTSC (Mã: POS). 

Cả PVD, POS và PVB cũng tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2020. Đặc biệt là POS ghi nhận cả doanh thu và lợi nhuận cùng tăng tới ba con số.

Dầu khí - Ảnh 1.

Dầu khí - Ảnh 2.

Nguồn: H.K tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất của các doanh nghiệp

PVD là điểm sáng hiếm hoi; GAS, PVS và PVT đi lùi vì dịch bệnh và giá dầu

Với PVD, 4 năm trở lại đây là giai đoạn kinh doanh khó khăn khi lợi nhuận đều dưới ngưỡng 200 tỷ, thậm chí năm 2017 chỉ lãi chưa tới 36 tỷ đồng. 

Trước đó, giai đoạn 2011 - 2015, lợi nhuận của PVD đều trên nghìn tỷ, năm 2014 doanh nghiệp còn lãi tới 2.540 tỷ đồng. 

Năm 2020 có thể coi là điểm sáng của PVD trong 4 năm gần đây khi lợi nhuận của công ty tăng 5% lên 181 tỷ đồng trong bối cảnh dịch Covid-19 và giá dầu giảm mạnh khiến nhiều doanh nghiệp cùng ngành lao đao.

Dầu khí - Ảnh 1.

Nguồn: H.K tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất của PVD

Với PVS, dù doanh thu tăng 18% lên 19.832 tỷ đồng năm 2020 nhưng lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp lại giảm 26% còn 735 tỷ đồng.

Lãnh đạo PVS cho biết do tác động kép của dịch bệnh Covid-19 và giá dầu giảm làm các hoạt động dịch vụ của PVS bị đình trệ, nhu cầu dịch vụ suy giảm và phải thực hiện giãn tiến độ các dự án theo yêu cầu của khách hàng. 

Khối lượng công việc, dự án trong nước vẫn chưa cao, giá dịch vụ duy trì ở mức thấp và cạnh tranh vô cùng khốc liệt khiến lợi nhuận của công ty đi lùi.

Chung kịch bản khó khăn với PVS thì ông lớn độc quyền vận tải LPG và nắm 30% thị phần vận tải dầu cả nước là Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans - Mã: PVT) cũng phải thực hiện giảm giá tất cả các loại hình dịch vụ để chia sẻ khó khăn với khách hàng dẫn tới doanh thu và lợi nhuận năm giảm lần lượt 4% và 7%.

Tác động kép của dịch COVID-19 và giá dầu giảm cũng khiến ông lớn ngành khí là Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS - Mã: GAS) lung lay.

Năm 2020, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của PV GAS giảm 14% và 34% so với năm 2019, lần lượt đạt 64.150 tỷ đồng và 7.928 tỷ đồng. Lợi nhuận năm 2020 của doanh nghiệp cũng ghi nhận thấp nhất 4 năm trở lại đây.

Riêng quý IV, lợi nhuận của PV GAS giảm tới 46% do giá dầu Brent bình quân quý (44,16 USD/thùng) giảm 30% so với quý IV/2019 (63,08 USD/thùng) bên cạnh sản lượng khí khô tiêu thụ giảm 15%. 

So với kế hoạch đề ra, PV GAS vẫn đạt 97% mục tiêu doanh thu và vượt 19% kế hoạch lợi nhuận năm.

Petrolimex hồi phục sau quý I, OIL và BSR lỗ kỷ lục

Trong nhóm sản xuất, chế biến và kinh doanh xăng dầu ghi nhận Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL - Mã: OIL) và CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR) lỗ kỷ lục trong năm 2020 còn Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - Mã: PLX) đã hồi phục sau quý I/2020 lỗ đậm.

Lợi nhuận của nhóm này đến từ chênh lệch giá bán xăng dầu và giá dầu thô. Phía doanh nghiệp luôn duy trì lượng dầu thô tồn kho cao, nên giá dầu thô giảm sâu kéo theo sự giảm giá bán nhưng giá thành sản xuất vẫn cao. 

Bên cạnh đó, nguồn cung xăng dầu thành phẩm cao hơn nhu cầu tiêu thụ trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến chênh lệch giá bán sản phẩm và dầu thô thu hẹp đã tác động tiêu cực tới kết quả kinh doanh.

Do đó, dưới tác động kép của giá dầu và dịch Covid-19 nên nửa đầu năm, BSR lỗ tới 4.257 tỷ đồng nên nửa cuối năm dù có lãi nhưng vẫn chưa bù được khoản lỗ khủng. Cả năm 2020, BSR lỗ 2.848 tỷ đồng trong khi năm 2019 lãi 2.873 tỷ đồng.

Tương tự, sau quý I lỗ đậm gần 538 tỷ đồng và quý III lỗ gần 17 tỷ thì cả năm PV OIL gánh trên vai khoản lỗ 177 tỷ đồng trong khi năm trước đó lãi 325 tỷ đồng. 

Với Petrolimex thì khoản lãi 9 tháng cuối năm đã đủ bù lỗ trong quý I của doanh nghiệp nên công ty vẫn lãi 1.235 tỷ đồng năm 2020 dù con số này chỉ bằng 1/4 so với năm 2019.

Giá dầu tăng mạnh, triển vọng nhóm dầu khí có tươi sáng năm 2021?

Theo tin từ Bloomberg, do thời tiết lạnh giá kỷ lục trong 30 năm qua, sản lượng dầu thô của Mỹ đã giảm khoảng 2 triệu thùng/ngày, tức khoảng 18% tổng sản lượng dầu thô của Mỹ.

Bên cạnh yếu tố thời tiết khiến hệ thống vận tải đường bộ bị gián đoạn thì sản lượng dầu thô của Mỹ đột ngột giảm mạnh còn do việc nhiều giếng dầu ngừng hoạt động, dòng chảy bị đình trệ. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá dầu liên tục tăng mạnh những ngày gần đây.

Tính từ gần cuối tháng 10/2020 tới nay, giá dầu Brent tăng hơn 70% trong vòng chưa tới 4 tháng và tới 11h30 sáng ngày 18/2/2021 đã vượt 65 USD/thùng.

Dầu khí - Ảnh 4.

Giá dầu Brent từ đầu năm 2019 đến nay (Nguồn: Investing.com)

Nhờ thông tin giá dầu tăng mạnh, cổ phiếu "họ P" cũng bứt phá nhiều phiên gần đây thậm chí tăng trần như PVT, PVD, PVS, GAS, OIL, BSR, PLX,...

Trái ngược với sự tích cực của giá dầu hiện nay thì Chứng khoán Rồng Việt  (VDSC) nhận định năm 2021 sẽ không phải là năm của cổ phiếu dầu khí dựa trên kỳ vọng của lãnh đạo các doanh nghiệp trong ngành.

VDSC cho rằng ngành dầu khí Việt Nam phụ thuộc nhiều vào biến động của thị trường dầu mỏ thế giới. Bất lợi về giá vốn của các dự án thượng nguồn khiến động lực đầu tư khai thác các mỏ dầu khí mới không liên quan tới lợi ích kinh tế, mà phụ thuộc hoàn toàn vào định hướng của Chính phủ. 

Vì vậy, bức tranh toàn cảnh ngành dầu khí nội địa vẫn không sáng sủa, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu dầu khí thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch. 

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã lên kế hoạch kinh doanh năm 2021 với giả định giá dầu dưới 50 USD/thùng và đưa ra những mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận khá thận trọng. 

Tương tự VDSC thì Chứng khoán BSC cũng nhận định ngành dầu khí năm nay cũng chưa có nhiều tín hiệu tươi sáng và dự báo giá dầu Brent trung bình năm khoảng 50-53 USD/thùng.

Triển vọng cả năm không mấy tươi sáng nhưng những tháng đầu năm, một số doanh nghiệp dịch vụ dầu khí lại đón nhận những tin tích cực.

Từ giữa tháng 12/2020 tới cuối tháng 1/2021, PVD đã ký hợp đồng cho thuê hai giàn khoan tự nâng PV Drilling III và VI.

Còn với PVTrans thì ngày 9/2, công ty đã tiếp nhận con tàu PVT Azura là tàu dầu/hóa chất có trọng tải 19.945 DWT tại Vũng Tàu. Ngay sau khi tiếp nhận, tàu PVT Azura đã được khách hàng Nhật Bản thuê chở hoá chất chuyên tuyến quốc tế.

chọn
D2D ước lãi thêm 800 tỷ từ dự án Lộc An
Năm 2024 - 2029, D2D sẽ thực hiện tiếp giai đoạn 2 khu dân cư Lộc An với tổng mức đầu tư gần 1.116 tỷ đồng. Tổng doanh thu dự kiến trong giai đoạn 2 là hơn 2.181 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 795 tỷ đồng.