ĐHĐCĐ GTNfoods: Chốt phương án sáp nhập vào Vilico theo tỷ lệ 1,6 : 1, muốn niêm yết VLC trên HOSE

Theo bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT GTNfoods, việc sáp nhập GTNfoods vào Vilico là nhập mẹ vào con. Tuy vậy, nhập con vào mẹ hay mẹ vào con không quan trọng, điều cần thiết là xem xét cái nào thuận lợi hơn cho công ty thì chọn.
ĐHĐCĐ - Ảnh 1.

GTNfoods (Mã: GTN) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021. (Ảnh chụp màn hình).

Sáng ngày 19/3, Công ty Cổ phần GTNfoods (Mã: GTN) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên trực tuyến năm 2021. Đại hội thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021, phương án sáp nhập vào Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam - CTCP (Vilico -  Mã: VLC) và hủy niêm yết cổ phiếu GTN trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE).

Trong năm 2021, GTNfoods đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất tăng 9% so với năm 2020 lên 3.073 tỷ đồng. Lãi sau thuế dự kiến giảm 1% còn 244 tỷ đồng. Đối với công ty mẹ, lợi nhuận sau thuế được dự báo tăng 53% lên 116 tỷ đồng.

ĐHĐCĐ GTNfoods: Chốt phương án sáp nhập vào Vilico theo tỷ lệ 1,6 : 1, muốn niêm yết VLC trên HOSE - Ảnh 2.

(Nguồn: GTNfoods).

Tại đại hội năm nay, các cổ đông thông qua phương án sáp nhập GTNfoods vào Vilico với tỷ lệ là 1,6 : 1, tương ứng cổ đông sở hữu 16 cổ phiếu GTN vào ngày chốt quyền sẽ hoán đổi lấy 10 cổ phiếu VLC. Mục đích sáp nhập là nhằm đơn giản hóa cấu trúc sở hữu và tập trung nguồn lực cho phát triển công ty trong dài hạn.

Theo kế hoạch, Vilico sẽ phát hành tối đa 156,25 triệu cổ phiếu để hoán đổi 250 triệu cổ phiếu GTN. Sau sáp nhập, cổ đông của GTN sẽ trở thành cổ đông Vilico, đồng thời GTNfoods sẽ chấm dứt sự tồn tại, toàn bộ tài sản, quyền và nghĩa vụ được chuyển giao cho Vilico.

Do GTNfoods đang là công ty mẹ nắm 47 triệu cổ phiếu Vilico, tương đương 74,49%. Nên khi thực hiện sáp nhập, phần sở hữu trùng, tức toàn bộ 47 triệu cổ phiếu mà GTN đang sở hữu tại Vilico phải được loại bỏ.

Như vậy, vốn điều lệ Vilico sau sáp nhập dự kiến bằng 156,25 63,1 - 47 = 172,35 triệu cổ phần theo mệnh giá, tương ứng vốn điều lệ tối đa là 1723,5 tỷ đồng.

ĐHĐCĐ GTNfoods: Chốt phương án sáp nhập vào Vilico theo tỷ lệ 1,6 : 1, muốn niêm yết VLC trên HOSE - Ảnh 3.

Bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT GTNfoods chia sẻ ý kiến tại đại hội. (Ảnh chụp màn hình).

Chia sẻ thêm về lý do cần sáp nhập, bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT GTNfoods cho biết ngoài phần đóng góp vào kết quả kinh doanh của Vilico thì GTN không có nhiều hoạt động riêng có hiệu quả, do đó cần đơn giản cấu trúc doanh nghiệp để tiết kiệm chi phí khai thác và sử dụng nguồn nhân lực có hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, một số mảng kinh doanh của GTN và VLC chưa được khai thác hiệu quả, theo đó việc sáp nhập sẽ tập trung nguồn lực để phát triển tốt hơn. Đặc biệt là tập trung vào ngành sữa tại CTCP Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk - Mã: MCM) và ngành chăn nuôi, trước mắt là bò thịt.

"Phương án sáp nhập là nhập GTN vào VLC, được xem là việc sáp nhập mẹ vào con. Theo ban lãnh đạo công ty, nhập con vào mẹ hay mẹ vào con không quan trọng, điều cần thiết là xem xét cái nào thuận lợi hơn cho công ty thì chọn.

Vilico là doanh nghiệp lớn, có thương hiệu lâu đời trong ngành chăn nuôi Việt Nam, đồng thời đang có các quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với chiến lược của công ty trong thời gian tới…", bà Liên khẳng định.

Liên quan đến tỷ lệ hoán đổi 1,6:1, Chủ tịch HĐQT GTNfoods cho biết tỷ lệ này do bên định giá độc lập tính toán và cũng phù hợp với giá trị trường của hai công ty hiện nay. "Chúng tôi hy vọng sau này khi công ty hoạt động có hiệu quả hơn thì giá cổ phiếu sẽ còn tăng hơn nữa và các cổ đông đều có lợi."

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, cổ đông nào không đồng ý với phương án sáp nhập được đệ trình thì cổ đông có quyền yêu cầu công ty mua lại theo quy định của Luật và điều lệ công ty.

Vừa qua, Vilico công bố quyết định hợp tác với Tập đoàn Sojitz lập liên doanh đầu tư và kinh doanh lĩnh vực bò thịt, dự kiến đặt tên là Công ty Súc sản Việt Nhật. Vốn góp của Vilico là 51% và Sojitz là 49%. Vốn đầu tư ban đầu 2 triệu USD và dự kiến tăng lên theo quy mô phát triển trong các năm tiếp theo.

Tại đại hội, cổ đông công ty đặt câu hỏi về vai trò của mỗi bên cũng như Vinamilk trong liên doanh mới này.

Theo Ông Trịnh Quốc Dũng, Thành viên HĐQT công ty, Vilico là một thương hiệu truyền thống, lâu đời, có kinh nghiệm trong lĩnh vực chăn nuôi. Dựa trên chiến lược phát triển, ban lãnh đạo công ty sẽ tiếp tục phát huy và phát triển ngành nghề cốt lõi của Vilico.

Về Vinamilk, doanh nghiệp có hệ thống trang trại bò sữa Global G.A.P lớn nhất Đông Nam Á, hiện đang quản lý trang trại bò sữa 160.000 con trên toàn quốc, trong khi trang trại của Mộc Châu Milk có quy mô 60.000 – 70.000 con bò sữa. Đây là nguồn cung bê đực rất dồi dào cho liên doanh mới.

Còn với Sojitz, tập đoàn kinh tế Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm phát triển dự án thực phẩm. Theo đó, dự án đầu tư bò thịt do Vilico liên doanh với Sojitz, có sự hỗ trợ nguồn lực và nguồn cung con giống từ Vinamilk được kỳ vọng cung cấp sản phẩm ra thị trường vào giữa năm 2023, đồng thời đóng góp đáng kể cho nguồn thu của Vilico trong tương lai.

Trả lời thắc mắc của cổ đông về dự định chuyển cổ phiếu VLC từ UPCoM sang HOSE sau sáp nhập, bà Mai Kiều Liên cho biết: "Tất cả chúng ta đều muốn công ty được niêm yết công khai, minh bạch.

Chủ trương của công ty là đơn vị nào đang ở UPCOM đều sẽ lên HOSE. Không chỉ VLC mà MCM cũng có mục tiêu niêm yết HOSE. Tuy nhiên, cần phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện bắt buộc thì mới có thể xin chuyển sàn theo đúng quy định."

Về kế hoạch sáp nhập tiếp Mộc Châu Milk vào Vilico, đại diện công ty khẳng định sẽ không thực hiện. "Vilico là tổng công ty chăn nuôi, chuyên về mảng bò thịt trong khi Mộc Châu Milk là đơn vị sản xuất và chăn nuôi bò sữa. Thương hiệu của hai công ty cũng đại diện cho hai ngành khác nhau nên việc sáp nhập là không phù hợp".

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.