DIC Corp muốn tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng, mục tiêu vốn hóa 50.000 tỷ đồng

Giai đoạn 2021 - 2025, DIC Corp đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng, vốn hóa thị trường đạt 40.000 - 50.000 tỷ đồng, tổng tài sản xấp xỉ 45.000 - 50.000 tỷ đồng.

HĐQT Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp - Mã: DIG) vừa bổ sung tờ trình về định hướng phát triển nguồn vốn giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch thu xếp tài chính năm 2021.

Theo đó, để tạo nguồn vốn đối ứng thực hiện dự án trong kế hoạch 5 năm, vốn điều lệ của DIC Corp đạt khoảng 10.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 - 2025 để đảm bảo tỷ lệ đối ứng vốn đầu tư theo quy định.

Các phương thức tăng vốn điều lệ bao gồm: Phát hành cổ phần cho cổ đông, nhà đầu tư; giữ lại nguồn lợi nhuận bằng cách chia cổ tức hàng bằng cổ phiếu; phát hành cổ phần cho cán bộ, nhân viên; phát hành trái phiếu chuyển đổi,...

DIC Corp muốn tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

DIC Corp muốn tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng. (Ảnh: dic.vn).

Dự kiến, vào cuối năm 2025, tổng nguồn vốn huy động cho đầu tư phát triển của doanh nghiệp đạt trên 30.000 tỷ đồng. Trong đó, thu xếp nguồn vay, huy động của các định chế tài chính trên 20.000 tỷ đồng qua các hình thức vay tín dụng trung dài hạn, phát hành trái phiếu.

HĐQT đặt mục tiêu vốn hóa thị trường đạt 40.000 - 50.000 tỷ đồng, quy mô doanh nghiệp lọt Top cao của khối doanh nghiệp bất động sản trên sàn chứng khoán với tổng tài sản xấp xỉ 45.000 - 50.000 tỷ đồng.

Riêng trong năm 2021, doanh nghiệp sẽ thực hiện phát hành cổ phiếu chia cổ tức năm 2019 tỷ lệ 10% trong quý I; chia cổ tức năm 2020 tối thiểu 18% trong quý II và quý III; phát hành cho cán bộ công, nhân viên để thu hút người lao động giá trị 175 tỷ đồng.

Ngoài ra, DIC Corp sẽ phát hành cổ phiếu riêng lẻ huy động 750 tỷ đồng; phát hành trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ với giá trị 2.000 tỷ đồng (giá chuyển đổi không thấp hơn 40.000 đồng/cp). 

Đối với nguồn vốn vay, huy động khác, DIC Corp sẽ thu xếp vốn 1.900 tỷ đồng từ vay trung dài hạn cho dự án Bắc Vũng Tàu, vay trung dài hạn 490 tỷ đồng cho dự án Vị Thanh (Hậu Giang), vay 270 tỷ đồng cho dự án Lam Hạ (Hà Nam), giải ngân 980 tỷ đồng vốn vay cho dự án Long Tân (Đồng Nai),…

Cũng theo Tờ trình ĐHĐCĐ, HĐQT  DIC Corp đã nhận được đơn từ nhiệm của 2 thành viên là ông Đinh Quang Hoàn và ông Trần Thái Phong. Như vậy, HĐQT hiện tại chỉ còn 7 người, trong đó số lượng thành viên độc lập HĐQT là hai người.

Số lượng nhân sự HĐQT nhiệm kỳ 2018 - 2022 là 8 người, do đó sẽ bầu thêm một thành viên HĐQT.

Danh sách ứng cử vừa được bổ sung có ông Phan Văn Danh, sinh năm 1981, hiện đang giữ chức Giám đốc dự án tại CTCP Kinh doanh Địa ốc Him Lam (Him Lam Land).

Trước đó (tháng 12/2020), CTCP Kinh doanh Địa ốc Him Lam (Him Lam Land) công bố thông tin đã mua 67,69 triệu cổ phiếu DIG của DIC Corp trong phiên 2/12. Sau giao dịch, tổ chức này nâng tỷ lệ sở hữu lên 21,49% và trở thành cổ đông lớn nhất của DIC Corp.

Cũng trong thời điểm này, CTCP Đầu tư và Phát triển Thiên Tân  liên tiếp mua thêm cổ phần để tăng nắm giữ lên 65,1 triệu đơn vị, tương đương 20,44% vốn điều lệ và là cổ đông lớn thứ hai của DIC Corp, chỉ sau Him Lam Land.

Đóng cửa ngày 15/1, thị giá DIG dừng ở 33.700 đồng/cp, tăng gần 22% so với cuối năm 2020 và tăng 160% trong vòng một năm qua. Đây cũng là mức cao nhất kể từ khi cổ phiếu này được giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Với vùng giá trên, vốn hóa thị trường của DIC Corp đạt khoảng 10.600 tỷ đồng.

DIC Corp muốn tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng - Ảnh 2.

Diễn biến giá cổ phiếu DIG từ tháng 8/2020 đến nay. (Nguồn: Cổ phiếu 68).

Năm 2021, doanh nghiệp này đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 2.750 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2020. Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.550 tỷ đồng, tăng 115,27%. 

chọn
Hình ảnh đường kết nối Hà Nội - Bắc Giang qua cầu Xuân Cẩm vừa thông xe
Tuyến đường kết nối từ nút giao Bắc Phú, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến cầu Xuân Cẩm ở Sóc Sơn, Hà Nội dài 4,2 km vừa thông xe kỹ thuật.