Báo cáo mới nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM, cho biết hiện thành phố có gần 4.000 hộ chăn nuôi heo với tổng đàn 274.154 con.
Trên địa bàn có 11 cơ sở giết mổ với số lượng heo giết mổ bình quân hàng đêm là 6.500 - 7.000 con. Có khoảng 12 tỉnh cung cấp nguồn heo cho thành phố, trong đó, một số tỉnh có nguồn cung heo đã xuất hiện dịch tả châu Phi như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM cho biết sẽ xem xét ban hành quyết định khám xét nhà với các trưởng hợp bảo tồn, giết mổ heo trái phép trên địa bàn. (Ảnh: Báo Đồng Nai).
Trước tình hình dịch đang diễn biến phức tạp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM - Nguyễn Phước Trung, cho biết để phòng, chống dịch, thành phố đã lập hàng loạt các điểm chốt chặn trên địa bàn, trong đó, có ba chốt mới vừa được lập.
Theo ông Trung, hiện các địa phương, đặc biệt là quận huyện vùng ven đang ráo riết chủ động lập thêm nhiều chốt di động và cố định để ngăn cơ xảy ra dịch, nhất là việc vận chuyển heo từ các địa phương khác vào địa bàn.
Cụ thể, huyện Củ Chi có 6 chốt, Nhà Bè có 4 chốt, Bình Chánh có hai chốt và quận 12 lập một chốt… Các chốt kiểm dịch này hoạt động cả thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ.
Trước tình hình dịch đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ lan nhanh, UBND TP HCM cũng đã có văn bản yêu cầu UBND các quận, huyện có kế hoạch ứng phó khẩn cấp. Các đơn vị tổ chức kiểm tra, không để tái diễn tình trạng giết mổ gia súc trái phép trên địa bàn.
Đặc biệt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM cũng cho hay với các trường hợp tồn trữ, giết mổ gia súc trái phép, có thể ban hành quyết định khám xét nhà, xử lí nghiêm người vi phạm có hành vi khiêu khích, chống đối người thi hành công vụ.
Chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn sẽ bị kiểm điểm nếu lơ là, thiếu trách nhiệm trong công tác phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi, nhất là đối với các địa phương còn để tồn tại các điểm giết mổ gia súc trái phép.
Về công tác phòng, chống dịch, Sở Nông nghiệp sẽ thực hiện cấp phát hoá chất khử trùng, các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho các trang trại, hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ.
Đặc biệt, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp, nếu dịch bệnh có xảy ra trên địa bàn phải nhanh chóng báo cáo để kịp thời khu trú, bao vây tránh để lan rộng.
Riêng tại khu vực Đông Nam Bộ, hiện dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại Đồng Nai, Bình Dương và Bình Phước. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp TP HCM cho biết thêm sẽ tiếp tục làm việc với các địa phương này để thống nhất lộ trình kiểm soát phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật để kiểm tra hồ sơ, giấy tờ có liên quan.
Dịch tả heo châu Phi được nhận định sẽ tiếp tục phức tạp, có nguy cơ lây lan nhanh đến các địa phương chưa có dịch, tái phát tại các địa phương đã qua 30 ngày, xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi lợn tập trung, quy mô lớn là rất cao nếu không kiểm soát được việc phòng, chống dịch, nhất là các biện pháp an toàn sinh học.