"Mức tiêu thụ thịt heo bình quân đầu người của người Việt Nam thuộc top đầu thế giới nhưng dịch tả heo châu Phi đang tàn phá ngành chăn nuôi Việt Nam", Bloomberg viết về tình hình dịch tả heo châu Phi của Việt Nam.
Năm ngoái, khoảng 70% lượng thịt được tiêu thụ tại Việt Nam là thịt heo, trong khi thịt gà chiếm khoảng 20%, tiếp theo là thịt bò ở mức dưới 10%, Bloomberg dẫn thông tin từ một số nguồn cho biết.
Bloomberg cho biết dịch tả heo châu Phi đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam. (Ảnh: Bloomberg).
Kể từ khi ổ dịch tả đầu tiên được phát hiện vào đầu tháng 2 năm nay tại một tỉnh phía Bắc (Hưng Yên), hiện dịch bệnh khiến hơn 1,7 triệu con heo tại Việt Nam bị tiêu huỷ.
Theo Bloomberg, thiệt hại này, thậm chí còn hơn cả Trung Quốc, quốc gia cung cấp thịt heo lớn nhất thế giới với sản lượng gấp khoảng 20 lần Việt Nam, sau gần 10 tháng phát dịch.
Riêng Đồng Nai, vốn được mệnh danh là "thủ phủ" heo của Việt Nam với tổng đàn lên đến 2,5 triệu con, tuy nhiên, kể từ khi có thông tin dịch tả châu Phi, số lượng heo đã giảm xuống còn 2 triệu con.
"Tôi đã chịu đủ tổn thất và đau đầu từ việc chăn nuôi heo", ông Chiến - chủ một trang trại tại ngoại thành Hà Nội, nói với Bloomberg.
Trang trại của ông Chiến có 6.000 con heo. Sau 3 tháng kể từ khi dịch tả bùng phát tại các tỉnh phía Bắc, ông đã quyết định từ bỏ công việc gắn bó suốt 20 năm qua, từ bỏ việc chăn nuôi heo.
Tuy nhiên, với gốc là một người chuyên về chăn nuôi, ông Chiến đã quyết định nuôi các con vật khác trong cơn bão dịch tả heo châu Phi này.
Ông Chiến đã đặt cược tương lai của mình vào gà, bò, thậm chí là đà điểu. Đầu tháng 5, ông đã chính thức mua 20.000 con gà, 200 con đà điểu và 30 con bò để thay thế cho trang trại heo 6.000 con của mình.
Hiện thịt đà điểu có giá gấp 3 lần thịt heo và được sử dụng phổ biến cho nhiều món ăn tại các nước Đông Nam Á. (Bloomberg).
Đà điểu lần đầu tiên được giới thiệu tại Việt Nam năm 1995, và hiện đã có giá gấp 3 lần thịt heo. Thịt đà điểu còn được sử dụng phổ biến cho nhiều món ăn tại các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
"Thực tế, Việt Nam đang khuyến khích một số lượng lớn hơn các trang trại chăn nuôi heo mở rộng phát triển các vật nuôi khác", tờ kinh tế tài chính nổi tiếng của thế giới cho biết.
Bloomberg dẫn chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Nông nghiệp, các địa phương tổ chức, cân bằng tốt hơn cho ngành chăn nuôi trong tình hình dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu thực hiện các biện pháp để phát triển các loại thịt khác, đảm bảo sinh kế và cung cấp đầy đủ cho người dân, đặc biệt tại các thành phố đông dân trong nước.
Theo số liệu Chính phủ công bố ngày 29/5, số lượng gia cầm của Việt Nam trong tháng 5 tăng 7,1%, bò tăng 2,9% so với cùng kì năm ngoái. Tại Đồng Nai, số lượng vịt dự kiến tăng gấp đôi trong năm nay.
Tại Đồng Nai, số lượng vịt dự kiến tăng gấp đôi trong năm nay. (Ảnh: Bloomberg).
Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết hiện các trang trại chăn nuôi vịt tại Đồng Nai mọc lên ngày càng nhiều. Tình trạng này đang diễn ra trong khi dịch tả heo châu Phi gây thiệt hại lớn cho đất nước và rất có thể sẽ thiếu nguồn cung thịt heo trong thời gian tới.
Hà Nội cũng có kế hoạch tăng gấp ba lần số lượng bò vào năm 2025. Hiệp hội Chăn nuôi Hà Nội khuyến cáo cuối năm nguồn cung thịt heo sẽ thiếu, nếu không tăng cường các loại thịt thay thế như bò, gà và vịt.
Ngoài việc đa dạng hoá các loại thịt thay thế, Việt Nam cũng đã có kế hoạch thu mua, giết mổ và cấp đông thịt heo để đảm bảo nguồn cung và tránh tình trạng sốt giá. Theo Bloomberg, rất có thể Chính phủ cũng sẽ yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu thịt heo từ các nước không có dịch như Mỹ, Australia, Hàn Quốc và Ấn Độ.
"Tôi hi vọng con đường mới sau khi chia tay đàn heo sẽ ổn định hơn và có thể giúp tôi thoát khỏi nợ nần", ông Chiến - người từ bỏ đàn heo 6.000 con chuyển qua nuôi gà, đà điểu và bò nói với Bloomberg.
Kinh doanh 05:00 | 05/01/2022
Kinh doanh 05:00 | 14/11/2021
Kinh doanh 05:00 | 11/10/2021
Kinh doanh 05:00 | 05/10/2021
Kinh doanh 05:00 | 03/09/2021
Tiêu dùng 05:17 | 09/06/2020
Tiêu dùng 17:31 | 27/05/2020
Tiêu dùng 21:24 | 26/03/2020