Dịch tả heo châu Phi khiến doanh nghiệp chăn nuôi lớn nhất miền Bắc mất gần 200 tỉ đồng nhưng làm giàu cho công ty bán thịt Vissan

Dịch tả heo châu Phi đang tạo ra một mâu thuẫn: những doanh nghiệp chủ yếu nuôi heo chứng kiến lợi nhuận sụt giảm liên tiếp; những doanh nghiệp chủ yếu bán thịt heo lại trên đà tăng trưởng tốt.

Dịch tả heo châu Phi đã bùng phát tại Việt Nam từ hồi tháng 2 năm nay. Tại buổi họp báo thường kỳ quý III của Bộ NN&PTNT hôm 14/10, ông Nguyễn Văn Long, Phó cục trưởng Thú y, xác nhận cả nước thiệt hại khoảng 5,5 triệu con heo, tương đương 8% tổng đàn. Tính đến cuối tháng 9, bệnh dịch đã xảy ra tại trên 7.700 xã thuộc trên 600 huyện của 63 tỉnh, thành phố.

Công ty chăn nuôi lớn nhất miền Bắc giảm lãi gần 200 tỉ đồng 

Trong quý III/2019, Công ty CP Tập đoàn DABACO Việt Nam ghi nhận doanh thu bán hàng và dịch vụ đạt 1.885 tỉ đồng, giảm hơn 63 tỉ đồng so với cùng kì năm trước. Doanh thu giảm nhưng giá vốn lại đội thêm 44 tỉ đồng, lên mức 1.562 tỉ đồng, chiếm đến 83,6% doanh thu.

Do vậy, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn DABACO chỉ đạt 19,4 tỉ đồng, giảm gần 8 lần so với cùng kì năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, lợi nhuận của doanh nghiệp này chỉ đạt gần 47 tỉ đồng, giảm gần 200 tỉ đồng so với cùng kì, và chỉ đạt 13% kế hoạch năm 2019.

Ảnh chụp Màn hình 2019-11-06 lúc 20

Doanh thu và lợi nhuận của DABACO bấp bênh vì dịch tả heo châu Phi. (Đồ họa: Tất Đạt).

Giải thích cho mức sụt giảm này, lãnh đạo DABACO cho biết trong quý III/2019, ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi dịch tả heo châu Phi nên người chăn nuôi giảm đàn. Sản lượng thức ăn chăn nuôi và sản lượng con giống của các công ty con giảm. Doanh thu của khối chăn nuôi (chiếm đến 82% cơ cấu), đặc biệt là chăn nuôi heo giảm, làm cho kết quả sản xuất kinh doanh của các lĩnh vực trên giảm so với cùng kì năm trước.

Trước đó, tập đoàn này còn ghi nhận nhiều con số tệ hơn trong quý II/2019. Trong đó, đáng chú ý là lợi nhuận thu về kì này chỉ có 7,5 tỉ đồng, giảm hơn 11 lần so với cùng kì.

Tình hình kinh doanh của Tổng Công ty CP Chăn nuôi Việt Nam  (VLC) cũng ghi nhận nhiều con số không khả quan. Tuy lũy kế 9 tháng năm 2019, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty này tăng 28 tỉ đồng so với cùng kì năm trước, lên mức 1.988 tỉ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm gần 28%, chỉ còn 129,5 tỉ đồng.

VLC cũng cho rằng doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp giảm là do ảnh hưởng bởi dịch tả heo châu Phi.

Vissan tăng 41% lãi vì giá bán thịt heo tăng, giá đầu vào giảm 

Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp chủ yếu và chế biến sản phẩm từ bán thịt heo là Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) có kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2019 ấn tượng, với mức tăng lợi nhuận đến 41% so với cùng kì 2018.  Theo đó, doanh thu lũy kế 9 tháng qua đạt 3.522 tỉ đồng, tăng 10% so với cùng kì năm trước, nhưng lãi ròng của Vissan lại tăng mạnh, đạt 148,6 tỉ đồng, tăng 41% so với cùng kì.

Vissan giải thích lợi nhuận tăng cao do giá nguyên liệu đầu vào giảm, trong khi doanh thu tăng giúp lợi nhuận gia tăng. 

Riêng giá vốn quý III/2019 đã giảm 75 tỉ đồng, còn ở mức 912 tỉ đồng. Bên cạnh đó công ty hoàn nhập quỹ khoa học công nghệ 20 tỉ đồng.

Ảnh chụp Màn hình 2019-11-06 lúc 20

Vissan trên đà tăng trưởng trong cơn sốt dịch tả heo châu Phi. (Đồ họa: Tất Đạt).

Với những con số trên, doanh nghiệp này đã hoàn thành 72,6% chỉ tiêu về doanh thu và 74,3% chỉ tiêu về lợi nhuận trong năm nay.

Trước đó, trong quý II, Vissan ghi nhận doanh thu vượt 1.136 tỉ đồng và lãi ròng 60,8 tỉ đồng, tăng gấp 1,6 lần so với quý I/2019 và tăng đến 2,6 lần so với quý II/2018. Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý cao nhất của Vissan từ khi niêm yết trên sàn UpCOM năm 2016.

Trong vòng một tháng qua, giá heo hơi liên tiếp chạm đỉnh 60.000-70.000 đồng/kg. Giá heo hơi đang được dự báo sẽ còn tăng cao trong thời gian tới, nhất là khi còn hơn 2 tháng là đến Tết Nguyên đán.

Tổng giám đốc Vissan Nguyễn Ngọc An chia sẻ, doanh nghiệp này đang hưởng lợi do xu hướng tiêu dùng có sự dịch chuyển nhu cầu tiêu thụ từ các chợ truyền thống sang các kênh hiện đại.nhờ vậy mà sản lượng Vissan hầu như không giảm mà còn tăng. Song song đó là chi phí đầu vào giảm giúp Vissan tăng lợi nhuận.

vissan

Dịch tả heo châu Phi khiến tâm lí người tiêu dùng chuộng dùng hàng rõ nguồn gốc. (Ảnh: Báo Cần Thơ).

Để ứng phó với dịch tả heo và những trường hợp xấu khác khi sản phẩm thịt chiếm đến 80-90% kinh doanh, lãnh đạo Vissan cũng đã có kế hoạch cấp đông thịt sạch, nhập thịt đông lạnh về để đáp ứng nguồn cung nếu kịch bản không tốt.

Vissan cũng xây dựng đề án nguồn nguyên liệu heo hơi, đặt mục tiêu tỉ lệ nguồn nguyên liệu tự cung ứng vào khoảng 20-30%.

Vissan muốn tăng giá thịt heo bình ổn 30% vì "chịu lỗ"!

Giá thịt heo tham gia chương trình bình ổn giá của TP HCM gần đây được điều chỉnh tăng từ 6.000-16.000 đồng/kg. Dù giá hiện tại cao hơn giá thịt bán lẻ tại các chợ, tuy nhiên Vissan vẫn cho rằng mức tăng này chưa tương xứng với giá đầu vào, nên doanh nghiệp chịu lỗ.

Theo đại diện Vissan, doanh nghiệp này đề xuất tăng 30%, nhưng thành phố chỉ chấp thuận cho tăng từ 6 - 14,3% nên muốn được điều chỉnh tăng thêm.

Theo Sở Công Thương TP HCM, mức tăng giá bình ổn vừa qua được cơ quan chức năng xem xét nhiều yếu tố, trong đó cân đối giữa quyền lợi doanh nghiệp và người dùng. Đặc biệt, nhiều thời điểm giá thịt heo xuống thấp nhưng giá bán lẻ trong diện bình ổn không giảm nhiều. Vì thế, giá thịt heo không thể tăng nhanh được.

chọn
Toàn cảnh vị trí dự kiến xây cầu vượt sông Luộc nối Hải Dương - Thái Bình
Một cầu vượt sông Luộc dự kiến được xây dựng kết nối huyện Thanh Miện, Hải Dương và huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình.