Điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh ảnh hưởng thu ngân sách?

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho rằng năm 2020, tổng cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) có thể bị ảnh hưởng, do việc điều chỉnh giảm trừ gia cảnh theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2012.
 - Ảnh 1.

Người dân đóng thuế tại TP HCM. (Ảnh: TTO).

Trong báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước gửi Quốc hội, KTNN cho biết thu từ thuế thu nhập cá nhân năm 2020 xác định tăng 15,4% so với ước thực hiện năm 2019, chiếm 8,5% tổng thu cân đối NSNN, song có thể bị ảnh hưởng do việc điều chỉnh giảm trừ gia cảnh theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2012.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI 6 tháng đầu năm 2019 tăng 18,17% so với thời điểm 1/7/2013 (so với thời điểm Luật số 26/2012/QH13 có hiệu lực thi hành) chưa đến mức 20%. Nhưng dự kiến mức tăng CPI năm 2019 khoảng dưới 4% (theo phương án điều hành của Chính phủ), thì chỉ số CPI năm 2019 so với thời điểm Luật thuế TNCN số 26/2012/QH13 có hiệu lực thi hành sẽ có thể vượt trên 20%, phải điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.

Đánh giá về tình hình thu ngân sách 2019, KTNN cho biết tỉ lệ huy động thu vào NSNN đạt 23,7% GDP, cao hơn mục tiêu 23,5% GDP đề ra nhưng huy động từ thuế, phí chỉ đạt 20,2% GDP, thấp hơn mục tiêu 21% GDP đề ra.

Trong đó, có một số vấn đề tồn tại như 14/51 địa phương dự kiến không đạt dự toán thu NSNN trên địa bàn, có 4 địa phương tự cân đối hụt thu, đáng chú ý hai TP lớn là Hà Nội và TP HCM có số thu không đạt dự toán.

Bên cạnh đó, công tác quản lí, sử dụng nguồn thu còn hạn chế và chưa hiệu quả. 

Qua kiểm toán, KTNN cho biết một số địa phương chưa điều chỉnh kịp thời đơn giá cho thuê đất, chưa kí hợp đồng cho thuê đất đối với một số trường hợp đã được cấp phép khai thác khoáng sản, khai thác tài nguyên nhưng chưa được cấp phép hoặc khai thác vượt sản lượng được cấp phép.

Một số khoản thu phí tại các đơn vị trực thuộc của các bộ, cơ quan trung ương được phép để lại sử dụng nhưng tỉ lệ để lại lớn, đơn vị không có nhu cầu sử dụng, tồn dư qua nhiều năm gây lãng phí nguồn lực NSNN. Qua kết quả kiểm toán đến 30/9, KTNN kiến nghị Chính phủ xử lí tài chính tăng thu qua là 14.900 tỉ đồng.

Về nợ thuế, KTNN cũng cho biết tổng số nợ thuế nội địa tính đến 30/9 là khoảng 80.800  tỉ đồng, tăng 5,8% so với thời điểm 31/12/2018. Để giảm số thuế nợ đọng năm 2019 xuống dưới 5% trên tổng thu NSNN, KTNN đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế....

Đáng chú ý, KTNN cho biết có 21/36 địa phương báo cáo nợ thuế không chính xác số tiền lên đến 1.297,7 tỉ đồng. Hiện vẫn còn tình trạng quản lí thu chưa chặt chẽ, kê khai thuế không đầy đủ, chưa thực hiện kịp thời các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định tại một số địa phương.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.