Điều chỉnh quy hoạch chi tiết Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hoà Lạc

Bộ Xây dựng vừa có văn bản trả lời tờ trình về việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc, tỷ lệ 1/2000, nay là phân khu 1/2000 Khu Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc.

Được biết, tháng 5/2019 vừa qua, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã gửi Bộ Xây dựng tờ trình số 94 về việc phê duyệt Nhiệm vụ, dự toán Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu 1/2000 Khu ĐHQGHN tại Hòa Lạc.

Trên cơ sở nghiên cứu tờ trình trên, Bộ Xây dựng cho biết, việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu xây dựng 1/2000 Khu ĐHQGHN tại Hòa Lạc cần thực hiện theo quy định tại Mục 6 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 và Khoản 12, Điều 28 Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch.

Trước đó, vào tháng 1/2019, Thủ tướng đã có ý kiến về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch Dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc.

Điều chỉnh quy hoạch chi tiết Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hoà Lạc - Ảnh 1.

Phối cảnh Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc.

Theo đó, Thủ tướng đồng ý bổ sung Viện Trần Nhân Tông và Trường Đại học Việt Nhật vào Đề án quy hoạch tổng thể xây dựng ĐHQGHN.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu ĐHQGHN lập điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 (Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000) ĐHQGHN tại Hòa Lạc để bổ sung Viện Trần Nhân Tông, trình Bộ Xây dựng thẩm định, phê duyệt, bảo đảm "đúng mục tiêu phát triển, tiết kiệm đất" theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại một số văn bản trước đó.

Liên quan đến vấn đề này, vào năm 2017, trong thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với ĐHQGHN, Thủ tướng đã đồng ý chuyển giao dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc về ĐHQGHN.

Đồng thời, Thủ tướng cũng đồng ý với kiến nghị của ĐHQGHN theo tinh thần xây dựng một khu đô thị đại học hiện đại, không chỉ gồm các đơn vị thành viên hiện tại của ĐHQGHN, mà còn có quỹ đất dự phòng để một số trường đại học có uy tín có thể có cơ sở trong khu đô thị đại học.

Việc điều chỉnh phải thực hiện theo quy định của pháp luật và bảo đảm mục tiêu phát triển, cấu trúc khu đô thị đại học chất lượng cao của quốc gia.

Thủ tướng cũng giao UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo tổ chức thực hiện việc giải phóng mặt bằng và tái định cư cho các dự án, công trình triển khai, chống lấn chiếm và xây dựng trái phép.

Ngoài ra, phải xây dựng và thực hiện cơ chế đặc thù để tập trung giải phóng mặt bằng với một lộ trình cụ thể, hoàn thành thủ tục giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ĐHQGHN.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.