Định hướng đưa Quảng Nam thành trung tâm kinh tế biển của cả nước

Theo dự thảo quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, Quảng Nam sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển, động lực phát triển của khu vực duyên hải miền Trung và cả nước.

Một góc TP Hội An, tỉnh Quảng Nam hiện nay. (Ảnh: Báo Chính phủ)

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Nam, vừa qua, Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Dự thảo báo cáo Quy hoạch tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2030 đề ra 5 quan điểm phát triển gồm Tuân thủ quy hoạch tổng thể quốc gia; đổi mới tư duy phát triển, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế khác biệt của tỉnh; tập trung đầu tư một số ngành chủ lực, mở rộng tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; phát huy tối đa nhân tố con người.

Đầu tư, phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là nền tảng cho sự phát triển bền vững, lâu dài; tổ chức không gian phát triển các hành lang kinh tế, hành lang đô thị, xây dựng đô thị loại I, phát triển hình thành chuỗi các đô thị ven biển; liên kết khai thác và phân vùng lãnh thổ, hợp tác khai thác hợp lý tiềm năng nổi trội; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh; ổn định chính trị, trật tự xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia; mở rộng đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Mục tiêu tổng quát của tỉnh Quảng Nam đến năm 2030 dự kiến trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; có mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, trung tâm phát triển năng động, toàn diện của vùng động lực kinh tế miền Trung.

Hình thành trung tâm hàng không, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch, dịch vụ quốc tế; trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô, cơ khí chế tạo, điện khí mang tầm khu vực.

Cùng với đó, quy hoạch cũng đề ra 5 mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu trên các lĩnh vực về kinh tế; văn hóa - xã hội; môi trường; kết cấu hạ tầng và quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 – 2030 đạt trên 9,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 7.500 – 8.000 USD; tỷ lệ người lao động qua đào tạo 75-80%; 100% số xã đạt chuẩn tỷ lệ bộ tiêu chí Quốc gia về y tế.

Duy trì tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 96%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 61%; sân bay Chu Lai hoạt động đạt tiêu chuẩn sân bay quốc tế cấp 4F; tạo nền tảng để phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Hội nghị cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo báo cáo của Ban cán sự đảng UBND tỉnh về quy hoạch tỉnh về các quan điểm, mục tiêu, các khâu đột phá, phương án phát triển, tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội; phương án phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, không gian lãnh thổ, vùng liên huyện, vùng huyện; phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai; phương án bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, bảo vệ, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên gắn với công tác phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hội nghị nhấn mạnh Quy hoạch tỉnh phải đảm bảo tính thống nhất, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh từ đồng bằng, hải đảo đến miền núi. Chú trọng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hài hoà giữa các ngành kinh tế.

Phấn đấu xây dựng Quảng Nam đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, trung tâm phát triển năng động, toàn diện của vùng động lực kinh tế miền Trung.

Quy hoạch tỉnh cũng sẽ tập trung phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông chiến lược kết nối liên vùng Đông - Tây, sân bay, cảng biển, logistics, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị, hạ tầng số, hạ tầng xã hội, hạ tầng trọng yếu của nông thôn và miền núi. 

Xây dựng Quảng Nam trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển, động lực phát triển của khu vực duyên hải miền Trung và cả nước. Phát huy tiềm năng của Khu kinh tế mở Chu Lai, tiềm năng Khu kinh tế Cửa khẩu Nam Giang, mở rộng và hình thành thêm các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Đột phá phát triển các loại hình mới, như du lịch sự kiện, hội nghị, thể thao, du lịch nông thôn, miền núi, du lịch tàu biển; phát triển mạnh các khu du lịch ven biển, ven sông với đa dạng các loại hình vui chơi, giải trí, điều trị, chăm sóc sức khỏe.

Bảo tồn, trùng tu, phát huy các di sản văn hóa thế giới, các di tích văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh; số hóa quản lý các di sản, di tích, danh lam thắng cảnh.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.