'Định Yên có vựa chiếu to, lấy chồng xứ Định khỏi lo chiếu nằm'

“Định Yên có vựa chiếu to, lấy chồng xứ Định khỏi lo chiếu nằm” hai câu thơ mộc mạc và giản dị trên đã phần nào giới thiệu về làng chiếu Định Yên nổi tiếng khắp Nam kỳ lục tỉnh. Với bề dày truyền thống gần 200 năm, chiếu Định Yên vẫn tồn tại và phát triển cho tới ngày nay.

Làng chiếu cha ông

Không chỉ được biết đến với vẻ đẹp thơ mộng, yên bình từ những đồng lúa mênh mông, những vườn cây trù phú, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) còn nổi tiếng với làng chiếu Định Yên, nơi lưu giữ nghề dệt chiếu gần 200 năm của cha ông để lại.

chie u di nh yen tram nam giu la ng nghe co
Làng chiếu Định yên đã tồn tại hơn 200 năm và vẫn còn phát triển cho tới ngày nay. Ảnh: Duy Phong

Chúng tôi có dịp ghé thăm làng chiếu Định Yên vào những ngày cuối năm, không như nhiều làng nghề khác đang hối hả, gấp rút chuẩn bị đợt hàng cuối năm. Định Yên vẫn yên bình và nhẹ nhàng như bao ngày khác, mùi cỏ lác thơm nhẹ, tiếng máy dệt vẫn kêu vang dọc các đường dong, ngõ hẻm.

Chắc hẳn với những ai tới đây lần đầu sẽ choáng ngợp bởi chiếu và lác, với những màu sắc rực rỡ chải dài từ đầu làng tới cuối làng, đâu đâu cũng thấy chiếu, đâu đâu cũng tiếng dệt lách cách vang vẳng bên tai.

Không ai còn nhớ nghề dệt chiếu ở đây có từ bao giờ, chỉ nhớ đó là nghề của cha ông để lại từ xưa. Người già mất đi, lớp trẻ kế cận cứ thế tiếp tục dệt chiếu như một việc làm đã ăn vào máu thịt của người dân nơi đây.

chie u di nh yen tram nam giu la ng nghe co
Dọc từ đầu xã tới cuối xã, mùi lác thơm phang phảng, tiếng máy dệt vang nhộp nhịp khắc các đường dong ngõ hẻm. Ảnh: Duy Phong

Bà Đặng Thị Tú (66 tuổi, ấp An Lợi A, xã Định Yên), người đã có trên 50 năm gắn bó với nghề dệt chiếu kể rằng, từ lúc bà còn bé đã thấy ông bà, cha mẹ dệt chiếu, rồi khi hơn 10 tuổi bà cũng bắt đầu được người lớn chỉ dạy những cách để làm ra một chiếc chiếu. Cho tới nay thì không thể nhớ được là mình đã dệt ra bao nhiêu đôi chiếu.

“Khi ấy, nhà nhà dệt chiếu, từ người già, người trẻ cho tới cả những đứa con nít cũng đã ngồi lên khung dệt. Nhà tôi cũng không ngoại lệ, bố mẹ, ông bà và anh em bà con đều làm nghề dệt, tôi cứ thế lớn lên cùng với tiếng dệt, cùng mùi thơm của lác rồi cái nghề nó ăn vào mình từ khi nào không hay”, bà Tú nhớ lại.

Kỳ công chiếu lác

Theo người dân trong làng, để làm ra được một chiếc chiếu đẹp, ưng ý, khâu tuyển lựa các sợi lác nguyên liệu là cực kỳ quan trọng, lựa làm sao cho các cọng lác phải đều nhau không được nhuyễn quá cũng không được to quá. Sau đó, vuốt các sợi lác cho sạch sẽ, rồi đem đi phơi nắng từ độ 30 phút đến 1 tiếng sau đó nhuộm cho lác ăn màu, đẹp, bóng.

chie u di nh yen tram nam giu la ng nghe co
Lác phải trải qua công đoạn nhuộm công phu, sau đó được đem phơi cho đủ độ, trước khi dệt phải nhúng nước trước 1 tiếng cho sợi lắc mềm mại. Ảnh: Duy Phong

Nói về kỹ thuật quan trọng nhất trong việc hoàn thành một chiếc chiếu đẹp, bà Trần Thị Hương (trú ấp An Lợi A, xã Định Yên) cho rằng, công đoạn pha nhuộm, phối màu cho lác chính là yếu tố quan trọng để có được một chiếc chiếu bóng đẹp.

“Khâu pha và nhuộm màu luôn luôn đòi hỏi những người phải có kỹ thuật, thâm niên lâu năm, độ đậm nhợt của sợi lác quyết định đến việc phối màu của một chiếc chiếu, nhiệt độ sôi, thời gian nhúng lác đều là những chi tiết cực kỳ quan trọng trong việc tạo màu cho lác”, bà Hương say sưa kể.

Sau khi nhuộm, các bó lác được máng lên giàn cho cọng lác thẳng đẹp, rồi đem ra phơi nắng, trở đều 2 bề và 2 đầu sợi lác. Trước khi dệt, lác phải được nhúng nước trước 1 tiếng, nhúng vừa đủ độ để sợi lác không nở to, phai màu.

chie u di nh yen tram nam giu la ng nghe co
Dần dà những chiếc máy dệt được áp dụng, thay thế dần những khung dệt thủ công, làm tăng năng suất cũng như thu nhập cho người dân trong làng nghề. Ảnh: Duy Phong

Không như những nghề truyền thống khác mai một theo thời gian, chiếu Định Yên luôn tiếp nhận công nghệ mới, kỹ thuật tiên tiến, để tạo ra số lượng chiếu cao hơn đáp ứng cho thị trường cũng như giúp tăng cao thu nhập cho người làm chiếu trong làng.

Qua lời kể của một số người có thâm niên trong làng, cách đây hơn chục năm về trước, theo nhu cầu của thị trường tăng cao, nên đa phần các hộ làm chiếu trong làng đều chuyển qua sử dụng dệt bằng máy. Ưu điểm của dệt bằng máy là năng suất cao, chất lượng mẫu mã đa dạng, chắc và đều hơn so với cách dệt truyền thống bằng tay.

“Nếu dệt bằng khung dệt theo cách truyền thống, hai người mất cả ngày để tạo ra 4 đến 6 lá chiếu, thu nhập của mỗi người chỉ từ 30 đến 40 nghìn. Dệt bằng máy chỉ mất 1 nhân công mà một ngày lại có thể tạo ra 20 chiếc chiếu, thu nhập sẽ tăng lên gấp 4, gấp 5 lần nên mọi người dần bỏ khung dệt truyền thống để thay thế bằng máy là điều dễ hiểu”, anh Hưng, một người dân trong làng giải thích.

Tuy nhiên, với những người lớn tuổi, việc ngồi bên khung dệt truyền thống vẫn là thói quen khó bỏ. Với họ, việc tạo ra nhiều sản phẩm là việc làm của thế hệ sau, bản thân họ chỉ thích vẫn ngày ngày ngồi bên khung dệt, dệt để thấy hình bóng của cha ông, dệt để thấy đây mới chính là truyền thống đáng phải lưu giữ.

chie u di nh yen tram nam giu la ng nghe co
Khoa học kỹ thuật tiên tiến, máy móc dần thay thế nhưng với nhiều người già trong làng, việc ngồi bên khung dệt mỗi ngày như để lưu giữ cái "chất" của cha ông vốn đã ăn sâu vào máu của họ. Ảnh: Duy Phong

“Mặc dù tụi trẻ bây giờ công nghiệp hóa hết rồi, đa số các hộ dân trong làng đều đã trang bị máy dệt, năng suất cao hơn rất nhiều so với khung dệt bằng tay. Tuy nhiên, bản thân chúng tôi vẫn muốn giữ lại nét truyền thống từ những đôi chiếu dệt thủ công mà cha ông đã truyền lại”, bà Đặng Thị Hường, một người có thâm niên trong làng chia sẻ.

Những đôi chiếu Định Yên dù đi bất kì nơi đâu vẫn luôn có một chỗ đứng nhất định. Người ta tin tưởng vào sự tồn tại hơn hai thế kỷ, tin tưởng vào tay nghề những người làm chiếu nơi đây. Và cứ thế lớp này qua lớp khác nối tiếp nhau cùng gìn giữ nghề cổ cha ông.

chọn
Điều gì đang diễn ra trên thị trường BĐS công nghiệp?
Viện Kinh tế Xây dựng đánh giá Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư BĐS công nghiệp ngoại, giá thuê đất bình quân và giá thuê nhà xưởng, kho bãi trong quý I đã tăng 2-3% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo quý II, nhu cầu thuê và tỷ lệ lấp đầy tại các KCN có thể tăng nhẹ.