Đổ cả đống tiền cho bóng đá, các ông bầu triệu phú Việt thu lại được gì?

Mối lương duyên giữa các đại gia và bóng đá không còn quá xa lạ trên thế giới cũng như Việt Nam. Nhiều người cho biết họ đến với sân cỏ vì đam mê nhưng cũng không ít thừa nhận đây là một công cụ đầu tư.

Mối lương duyên giữa các đại gia và bóng đá không còn quá xa lạ trên thế giới cũng như Việt Nam. Nhiều người cho biết họ đến với sân cỏ vì đam mê nhưng cũng không ít thừa nhận bóng đá là một đòn bẩy đầu tư, một công cụ để đánh bóng thương hiệu/tên tuổi đối với các doanh nhân, doanh nghiệp.

Mối lương duyên giữa các đại gia và bóng đá không còn quá xa lạ trên thế giới cũng như Việt Nam. Nhiều người cho biết họ đến với sân cỏ vì đam mê nhưng cũng không ít thừa nhận bóng đá là một đòn bẩy đầu tư, một công cụ để đánh bóng thương hiệu/tên tuổi đối với các doanh nhân, doanh nghiệp.

Chiến thắng hôm qua trước đội tuyển United Arab Emirates (UAE) đã đưa đội tuyển Việt Nam lên đầu bảng vòng loại World Cup 2022. Đây là chiến tích mới nhất sau hai năm cầm quân của HLV Park Hang Seo, song đóng vai trò mang tính nền tảng là các doanh nhân đã và đang đầu tư vào lĩnh vực bóng đá.

Bầu Đức

Đổ cả đống tiền cho bóng đá, các ông bầu triệu phú Việt thu lại được gì? - Ảnh 1.

Ông Đoàn Nguyên Đức.

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) sinh năm 1962, nổi tiếng là người đam mê bóng đá, và được giới truyền thông thể thao gọi là bầu Đức. 

Bầu Đức là người chiêu mộ tài danh bậc nhất làng cầu Đông Nam Á là Kiatisak vào năm 2002. Sau 1 năm, Hoàng Anh Gia Lai đã thay đổi từ một đội bóng chưa bao giờ chơi đỉnh cao đã thăng hạng và vô địch liên tiếp 2 mùa V-League. Hoàng Anh Gia Lai thậm chí được ví là “Dream Team” với đội hình có cầu thủ đến từ 9 địa phương khác nhau.

Sau khi thành công ở thị trường trong nước, doanh nhân sinh năm 1962 tiếp tục tiếp cận thị trường tại Lào với việc thành lập Hoàng Anh Attapeu. Không dừng lại tại đó, bóng đá tiếp tục là vũ khí tiên phong được bầu Đức sử dụng để tiếp cận thị trường Campuchia bằng việc xây dựng Học viện bóng đá quốc gia hiện đại có tên Bati, diện tích đến 15 ha, đóng trên địa bàn tỉnh Takeo.

Chính ông bầu đội bóng phố núi cũng là người đã phát hiện và đích thân mới HLV người Hàn Quốc Park Hang Seo về Việt Nam - vị huấn luyện viên Hàn Quốc đã góp phần tạo ra một thế hệ bóng đá Việt mới, đồng thời những cầu thủ đang toả sáng như Công Phượng, Văn Toàn, Xuân Trường hay Văn Thanh chính là các "hạt mầm" được bầu Đức ươm trồng từ Học viện bóng đá của HAGL.

Mặc dù gặt hái được nhiều thành công với chức danh ông bầu bóng đá nhưng cũng như nhiều doanh nhân khác, con đường kinh doanh của bầu Đức không mấy bằng phẳng. Từng là một trong những người giàu nhất nhì trên sàn chứng khoán Việt nhưng giờ đây, ngoài việc rao bán khối tài sản khổng lồ để trả hàng chục nghìn tỷ đồng tiền nợ thì vào tháng 10 vừa qua bầu Đức cũng đã phải rút lui hoàn toàn khỏi mảng bất động sản. 

Hiện tại ông nắm giữ 326,7 triệu cổ phiếu HAG, tương ứng với giá trị tài sản 1.535 tỉ đồng.

Bầu Thắng

Đổ cả đống tiền cho bóng đá, các ông bầu triệu phú Việt thu lại được gì? - Ảnh 2.

Ông Võ Quốc Thắng.

Nhắc đến ông bầu Võ Quốc Thắng (bầu Thắng) - Chủ tịch Tập đoàn Đồng Tâm - là nhắc đến một thời huy hoàng của CLB Gạch Đồng Tâm Long An (tiền thân của CLB Long An) với hai chức vô địch liên tiếp các năm 2005, 2006. Bầu Thắng cũng là người tiên phong chuyện “săn” chuyên gia ngoại chất lượng cao (HLV Calisto) để rồi lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá nước nhà, Việt Nam vô địch AFF Cup (năm 2008).

Tuy nhiên cũng giống như bầu Đức thì bầu Thắng cũng phải trải qua những giai đoạn khó khăn trong hoạt động kinh doanh riêng khi phải tái cấu trúc công ty, thoái vốn khỏi các dự án bất động sản chưa hiệu quả để giảm gánh nặng tài chính và hàng tồn kho. Trong đó, đáng chú ý là thương vụ bán công ty con - Công ty Cổ phần Sứ Thiên Thanh cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Kĩ nghệ Gỗ Trường Thành.

Bầu Kiên

Đổ cả đống tiền cho bóng đá, các ông bầu triệu phú Việt thu lại được gì? - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Đức Kiên.

Ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) tham gia vào bóng đá từ đầu những năm 2000 khi tiếp nhận đội Hàng không Việt Nam (lúc đó mới chuyển từ Công an Hà Nội sang) và nhanh chóng xây dựng thành đội Hà Nội ACB tham dự giải V-League 2004, ngay mùa đầu tiên đã xếp thứ 5.

Những năm đầu bầu Kiên rất kín tiếng, do vậy ông không nổi bật trong giới ông bầu bằng bầu Đức của Hoàng Anh Gia Lai hay bầu Thắng của gạch Đồng Tâm Long An. Nhưng dần dần ông tham gia vào chỉ đạo các trận đấu nhiều hơn, chỉ ra những yếu kém và sai trái trong quá trình điều hành V-League, tạo nên sự đồng thuận của dư luận. Từ đó đã dẫn đến việc thành lập Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và ông trở thành phó chủ tịch HĐQT VPF vào năm 2011.

Tuy nhiên, vào năm 2012 “bầu” Kiên đã bị bắt trong một vụ án nổi tiếng liên quan đến các hoạt động kinh doanh, tài chính và đang phải chịu án tù 30 năm.

Bầu Hiển

Đổ cả đống tiền cho bóng đá, các ông bầu triệu phú Việt thu lại được gì? - Ảnh 4.

Ông Đỗ Quang Hiển.

Ông Đỗ Quang Hiển- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn T&T đến với bóng đá muộn hơn so với những “công thần” của V-League.

Vào giai đoạn bóng đá Việt mới lên chuyên nghiệp, các CLB rất khó khăn trong việc tìm kiếm nhà tài trợ để có kinh phí hoạt động. Một mình bầu Hiển chi hàng trăm tỷ đồng mỗi năm tài trợ cho nhiều đội bóng chơi tại V-League khi đó như Quảng Nam, SHB Đà Nẵng, Sài Gòn FC, Hà Nội… Tài trợ nhiều đến nỗi, ông bầu này bị gán mác 'thao túng' bóng đá Việt. Nhiều người đồn đoán về động cơ phía sau bóng đá của vị đại gia này, tuy nhiên, ông Hiển khẳng định không được gì khi làm bóng đá và ông làm cũng không vì lợi ích kinh tế.

Sau nhiều năm đầu tư vào bóng đá nam và "làm mưa làm gió" ở đấu trường V-League với nhiều thành tích và cả những "tai tiếng", bầu Hiển đã bước thêm một bước nữa khi lấn sân sang bóng đá nữ.

Mới đây nhất vào ngày 13/11/2019, Tập đoàn T&T do ông Đỗ Quang Hiển làm chủ tịch HĐQT đã ký thỏa thuận hợp tác với Sở VH-TT&DL Thái Nguyên. Theo đó, bầu Hiển sẽ tài trợ cho bóng đá nữ Thái Nguyên trong 5 năm tới với mục tiêu giành HCV quốc gia.

Bầu Thụy và bầu Lãm

Đổ cả đống tiền cho bóng đá, các ông bầu triệu phú Việt thu lại được gì? - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Đức Thụy và ông Lưu Quang Lãm.

Ở giai đoạn bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam lên cao trào ông bầu Nguyễn Đức Thụy- Chủ tịch Tập đoàn Thaigroup cũng đột nhiên yêu bóng đá. Để làm bóng đá chuyên nghiệp nhanh gọn, bầu Thụy mua luôn suất hạng Nhất của đội bóng mới lên hạng Hòa Phát V&V, chuyển vào TP HCM và đổi tên thành Sài Gòn Xuân Thành.

Trên sân cỏ, bầu Thụy cũng gây ra không ít bất ngờ khi xây dựng một “đội tuyển quốc gia thu nhỏ” tại Sài Gòn Xuân Thành và nhanh chóng giúp đội bóng này vô địch Giải hạng Nhất. Tuy nhiên, ngay sau khi giành quyền thăng hạng, ông Bầu nổi tiếng chịu chơi này lại tuyên bố “chán bóng đá” và bán lại đội bóng cho Công ty Truyền thông bóng đá Việt Nam (VFM) với giá 60 tỉ đồng.

Dưới sự điều hành của người chủ mới là ông Lưu Quang Lãm, Sài Gòn Xuân Thành nhanh chóng đổi tên thành Câu lạc bộ bóng đá Sài Gòn để chơi tại giải Ngoại hạng. Dù chỉ nắm đội bóng trong một thời gian ngắn, bầu Lãm đã khiến tên tuổi Sài Gòn FC trở nên đình đám khi đưa về hàng loạt ngôi sao mới. Tuy vậy, sau đó ông rút lui khỏi đội bóng vì bận chức vụ Phó Chủ tịch Công ty VPF và không còn nhiều thời gian cho lĩnh vực này.

Hiện tại, bầu Lãm là Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Khai thác Cảng và là Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty CP Truyền thông bóng đá Việt Nam (VFM), đơn vị sở hữu hai kênh truyền hình Thethao TV và Bongda TV.

Bầu Trường

Đổ cả đống tiền cho bóng đá, các ông bầu triệu phú Việt thu lại được gì? - Ảnh 6.

Ông Hoàng Mạnh Trường.

Ông Hoàng Mạnh Trường- Chủ tịch Tập đoàn Xi măng The Vissai Ninh Bình nổi tiếng với cách làm không giống ai. Hứng thú với bóng đá sau trận Siêu Cúp QG 2009 được lần đầu tiên tổ chức ở sân Ninh Bình mà Xi măng Vinakansai là nhà tài trợ, ông mua lại đội hạng Nhất Ngói Đồng Tâm Long An, chuyển về Ninh Bình chơi chuyên nghiệp.

Tuy nhiên đây lại một trong số các đội thường xuyên bị vướng vào câu chuyện nợ đọng lương thưởng của HLV, cầu thủ. Cùng với đó, sau vụ án bán độ tại AFC Cup 2014, CLB Ninh Bình đã xin rút lui khỏi V.League. Đội bóng cố đô Hoa Lư cũng không có sự chuẩn bị để tham dự mùa giải 2015 và đến đầu năm 2015, The Vissai Ninh Bình đã bị xóa sổ chính thức.

Bầu Quyết

Đổ cả đống tiền cho bóng đá, các ông bầu triệu phú Việt thu lại được gì? - Ảnh 7.

Ông Trịnh Văn Quyết.

Cũng giống như đại đa số các ông bầu khác, tháng 11/2018, ông Trịnh Văn Quyết cũng bất ngờ tuyên bố "bỏ bóng đá" sau hơn 3 năm đầu tư vào môn thể thao vua. Theo ông Quyết, tập đoàn đã đầu tư rất nhiều vào CLB Thanh Hóa, nhưng các hoạt động không được ghi nhận đúng mực. Quan trọng hơn, nhiều điều tiếng xấu đã làm ảnh hưởng tới tập đoàn.

Và tất nhiên, khi bầu Quyết chia tay bóng đá chuyên nghiệp cũng phần nào để lại chút tiếc nuối. Bởi bóng đá Thanh Hoá đánh mất đi những nhà tài trợ lớn như Tập đoàn FLC không chỉ mất đi nguồn lực để phát triển, mà còn cả uy tín cũng như sự ồn ào cần thiết để làm sôi động một giải đấu.

Song, vị Chủ tịch FLC cũng từng khẳng định rằng “Tôi sẵn sàng hỗ trợ cho bóng đá Việt Nam nếu các nhà tài trợ khác rút lui. Có thể coi chúng tôi là phương án dự bị nên các bạn cứ yên tâm chúng tôi luôn đồng hành với bóng đá Việt Nam”.

Hiện ông Trịnh Văn Quyết là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC. Tính đến ngày 30/9/2019, tổng tài sản của Tập đoàn FLC đạt đến 29.111 tỉ đồng và tại ngày 14/11/2019, tài sản của ông Trịnh Văn Quyết là 8.477 tỉ đồng.

Tỉ phú Phạm Nhật Vượng

Đổ cả đống tiền cho bóng đá, các ông bầu triệu phú Việt thu lại được gì? - Ảnh 8.

Ông Phạm Nhật Vượng.

Trong khi những ông bầu Trịnh Văn Quyết, Hoàng Mạnh Trường hay Nguyễn Đức Thụy đã phải từ bỏ môn thể thao này vì nhiều lí do khác nhau, và ngoài những ông bầu kì cựu, bóng đá Việt Nam cũng đã xuất hiện thêm ông bầu trẻ với nội lực khủng khác là ông Phạm Nhật Vượng.

Không thường xuyên hiện diện truyền thông với vai trò là ông bầu bóng đá như bầu Đức, bầu Hiển... nhưng tỉ phú Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đã được trang Goal thống kê là ông bầu giàu có người châu Á đang đầu tư vào lĩnh vực bóng đá. Song có sự khác biệt so với những ông chủ đội bóng khác, tỉ phú gốc Hà Tĩnh không đầu tư vào một CLB cụ thể, mà lại quyết định dồn lực đầu tư phát triển bóng đá trẻ ở Việt Nam thông qua việc xây dựng trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF vào cuối năm 2017.

Xuất phát từ Quỹ đầu tư và phát triển bóng đá trẻ Việt Nam, Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF đã được thành lập và được xem như là một trong những trung tâm có cơ sở vật chất hiện đại hàng đầu Đông Nam Á. 

Ngoài ra, Trung tâm PVF còn chú trọng vào đội ngũ HLV với những cái tên đáng chú ý như Terry Robinson - người có kinh nghiệm đào tạo trẻ của bóng đá Anh hay Steve Stennett - chuyên gia huấn luyện các HLV của LĐBĐ Anh. Đặc biệt, tỉ phú Phạm Nhật Vượng cũng thuyết phục được hai ngôi sao kì cựu của Manchester United là Ryan Giggs và Paul Scholes đảm nhiệm vai trò cố vấn chuyên môn của trung tâm.

Những gì mà tỉ phú Phạm Nhật Vượng đang làm cho bóng đá Việt Nam đã tạo nên sự kì vọng lớn lao, bởi ở Việt Nam bóng đá là môn thể thao hàng đầu được quan tâm nhiều nhất và có giá trị tinh thần rất lớn và với sự đầu tư này chắc chắn tương lai của bóng đá Việt Nam sẽ có một bước tiến mới.

Tính đến ngày 30/9/2019, tổng tài sản Vingroup đã đạt 357.159 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 125.408 tỉ đồng, tăng lần lượt 24% và 27% so với cuối năm 2018. Sau 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu thuần hợp nhất của tập đoàn đạt 31.571 tỉ đồng, tăng 35% so với cùng kì năm trước. Cùng với đó, tổng giá trị cổ phiếu VIC do ông Vượng nắm giữ đã đạt mức 217.511 tỉ đồng.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.