Theo đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 18% trong quí II xuống 1.666 tỉ đồng. Giá vốn bán hàng trong giai đoạn này giảm 18% xuống 1.310 tỉ đồng. Biên lợi nhuận gộp đạt 19,1%.
Kết quả, công ty báo lãi 215 tỉ đồng trong quí II, giảm mạnh 49% so với cùng kì năm ngoái. Theo báo cáo giải trình của công ty, nguyên nhân lợi nhuận sau thuế giảm mạnh do giá bán giảm so với cùng kì năm ngoái.
Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 cũng tác động không nhỏ tới tình hình kinh doanh của công ty.
Vĩnh Hoàn cho biết trong tháng 6, tổng doanh thu giảm 36% so với cùng kì năm ngoái chủ yếu do doanh thu từ cá tra giảm mạnh 44% xuống 411 tỉ đồng.
Tuy nhiên, doanh thu từ các mặt hàng thực phẩm bảo vệ sức khỏe và sản phẩm giá trị gia tăng đạt kết quả tốt, tăng lần lượt 41% và 28% nên phần nào bù đắp được các sự sụt giảm của cá tra.
Tính chung trong nửa đầu năm nay, Vĩnh Hoàn báo lãi 368 tỉ đồng, giảm 49% so với cùng kì năm ngoái, tương đương 46% so với kịch bản tăng trưởng thấp năm 2020 của công ty.
Nếu so với kịch bản tăng trưởng cao, Vĩnh Hoàn mới chỉ đạt 34% kế hoạch.
Biên lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm đạt 16%, thấp hơn so với mức 22,4% cùng kì năm ngoái.
Kết quả này được ghi nhận trong bối cảnh thị trường cá tra đang gặp khó khăn cả ở trong nước và xuất khẩu.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh thuộc ĐBSCL trong tháng 6 vẫn chững ở mức thấp, đạt quanh mức 18.000-18.200 đồng/kg đối với I (700- 900g/con).
Trong khi đó, chi phí nuôi khoảng 20.000 - 21.000 đồng/kg.
Các công ty lớn hầu như không bắt cá ngoài mà chủ yếu đang bắt trong hệ thống liên kết, các công ty nhỏ, đơn vị gia công bắt cá ngoài rất ít.
Thị trường vẫn diễn biến chậm do tình hình xuất khẩu vẫn ảm đạm với lượng đặt hàng mới yếu, lượng tồn kho cao cùng với giá xuất khẩu thấp.
Xuất khẩu cá tra trong 6 tháng đầu năm giảm tới 39% xuống 106,6 triệu USD.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định nếu trong quý III, tình hình dịch bệnh tại các nước đang là tâm dịch nằm trong tầm kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh mở cửa trở lại thì xuất khẩu cá tra mới có cơ hội phục hồi trở lại.
Trước đó, tại buổi bàn tròn trực tuyến với chủ đề "Hậu Covid-19: Vị thế chủ động trước vận hội mới" diễn ra chiều ngày 18/6, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, CEO CTCP Vĩnh Hoàn cho rằng ngành cá tra nói riêng đang phải đối mặt với nguy cơ về đợt bùng phát dịch thứ hai, kéo theo nhu cầu ảnh hưởng.
“Cuối cùng, một khó khăn khác của ngành thuỷ sản là nguồn nguyên liệu, nếu bị đứt đoạn thì để quay lại rất khó. Đợt vừa qua lúc dịch bùng tại Trung Quốc, Vĩnh Hoàn cũng rút ra kinh nghiệm phải có một nguồn nguyên liệu dự trữ”, bà Tâm cho biết.
Bà Tâm cho rằng doanh nghiệp nên gia tăng sản xuất, năng lực cạnh tranh qua phân khúc có giá trị gia tăng cao, hàm lượng công nghệ kĩ thuật cao.