Tại buổi bàn tròn trực tuyến với chủ đề "Hậu Covid-19: Vị thế chủ động trước vận hội mới" do Trí Thức Trẻ tổ chức chiều ngày 18/6, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, CEO CTCP Vĩnh Hoàn cho biết hiện nay thị trường Trung Quốc đã khôi phục 60 - 70%. Ở các thị trường châu Âu và Mỹ thì cũng đã dần ổn định.
Bà Tâm dự báo kết qủa kinh doanh quí II của Vĩnh Hoàn sẽ cao hơn quí I nhờ việc các thị trường đang có tín hiệu hồi phục.
Trong quí I, doanh thu thuần của Vĩnh Hoàn đạt 1.636 tỉ đồng, giảm gần 9% so với cùng kì năm trước. Cùng với đó, giá vốn hàng bán tăng cao khiến cho lợi nhuận gộp giảm gần 49%, còn 215 tỉ đồng. Biên lợi nhuận gộp theo đó cũng giảm từ 24% xuống còn 13%.
Tuy nhiên sang tháng 4 của Vĩnh Hoàn, tổng doanh thu tăng 7% so với cùng kì năm trước, đạt 524 tỉ đồng. Trong đó, doanh thu mảng cá tra fillet ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất lên tới 33%, đạt 343 tỉ đồng.
Châu Âu ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất, lên tới 68%, vượt qua Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của công ty. Theo sau đó là thị trường Mỹ với mức tăng trưởng đạt 35%. Ở chiều ngược lại, thị trường Trung Quốc giảm 48%.
Tuy nhiên, bà cũng lưu ý thách thức mặc dù đã có những tín hiệu tốt nhưng tâm lí người tiêu dùng vẫn còn những lo ngại nhất định. Đặc biệt ngành cá tra nói riêng đang phải đối mặt với nguy cơ về đợt bùng phát dịch thứ hai, kéo theo nhu cầu ảnh hưởng.
“Cuối cùng, một khó khăn khác của ngành thuỷ sản là nguồn nguyên liệu, nếu bị đứt đoạn thì để quay lại rất khó. Đợt vừa qua lúc dịch bùng tại Trung Quốc, Vĩnh Hoàn cũng rút ra kinh nghiệm phải có một nguồn nguyên liệu dự trữ”, bà Tâm cho biết.
Bà Tâm cho rằng doanh nghiệp nên gia tăng sản xuất, năng lực cạnh tranh qua phân khúc có giá trị gia tăng cao, hàm lượng công nghệ kĩ thuật cao.
Mặt khác, qua những tháng xuất khẩu yếu, thì doanh nghiệp xác định phải luôn có hàng dự trữ. Đây cũng là bài học cho doanh nghiệp, để chủ động không bị ép giá.
Ở thị trường trong nước, bà Tâm cho hay mới đây đã có sự kết nối giữa các doanh nghiệp, nông dân với các kênh bán như siêu thị.
Tuy nhiên, hiện công ty vẫn chưa có chiến lược trong thị trường trong nước do đặc thù sản phẩm là hàng đông lạnh, đòi hỏi một sự trưởng thành nhất định của thị trường mới chính thức phân phối.
Nói về cơ hội từ hiệp định EVFTA, bà Tâm nhận định việc giảm thuế nhập khẩu sẽ tạo cơ hội lớn cho cá tra trong việc cạnh tranh với các loài cá biển thịt trắng khác, đặc biệt là trong phân khúc dùng để chế biến thành các sản phẩm thực phẩm tiêu dùng khác tại châu Âu.
“Chúng tôi nhiều hi vọng rằng EVFTA cùng với những nỗ lực khác của ngành, thị trường Châu Âu có thể nhanh chóng trở lại là thị trường 500 triệu USD của cá tra Việt Nam như những năm trước đây và tiếp tục phát triển, mở rộng tiêu thụ tại Châu Âu”, bà Tâm nói.
Thuế nhập khẩu đối với cá fillet đông lạnh sang EU hiện nay là 5.5%. Sau khi EVFTA được thực hiện, mức thuế này sẽ giảm dần và về mức 0% trong 3 năm.
Tuy nhiên, hiện nay, việc xuất khẩu cá tra sang thị trường vẫn đang gặp khó khăn do chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), tính đến nửa đầu tháng 5/2020, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường EU đạt 53,4 triệu USD, giảm gần 36% so với cùng kỳ năm trước.
Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cho tới thời điểm này vẫn tác động không nhỏ tới đời sống, hoạt động thương mại của nhiều nước EU.
EU đã chuẩn bị kịch bản cho một cuộc suy thoái kinh tế lịch sử diễn ra trong năm nay. Dự báo nền kinh tế khu vực đồng euro sẽ sụt giảm ở mức kỷ lục khoảng 7,75% vào năm 2020, tất cả mọi lĩnh vực đều khó có thể vực dậy.
VASEP cho rằng điều này dự báo cũng tác động lên hoạt động xuất khẩu cá tra sang EU trong năm nay, nhiều khả năng, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang khu vực này sẽ còn tiếp tục giảm trong các tháng tới.
Chủ đầu tư 08:07 | 17/08/2021
Chủ đầu tư 12:44 | 05/08/2021
Chủ đầu tư 09:21 | 03/08/2021
Chủ đầu tư 12:07 | 02/08/2021
Chủ đầu tư 16:05 | 01/08/2021
Chủ đầu tư 09:44 | 31/07/2021
Chủ đầu tư 06:50 | 31/07/2021
Chủ đầu tư 19:28 | 30/07/2021