Loạt doanh nghiệp địa ốc báo lỗ 6 tháng đầu năm, lộ diện nhiều chủ đầu tư dự án nghìn tỷ

Bức tranh kết quả kinh doanh các doanh nghiệp địa ốc 6 tháng đầu năm 2021 ghi nhận hai sắc thái đối lập. Trong khi một số công ty lãi đậm, nhiều chủ đầu tư các dự án bất động sản lớn đang kinh doanh bết bát, chịu cảnh thua lỗ triền miên.

Thống kê đến hết tháng 7, trên thị trường chứng khoán có khoảng 70 doanh nghiệp bất động sản đã công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2021. 

Bên cạnh những "ông lớn" báo lãi đậm như "họ Vingroup", Đất Xanh, Novaland..., nhiều doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh kém khả quan, thậm chí thua lỗ cả trăm tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.

Loạt doanh nghiệp địa ốc báo lỗ 6 tháng đầu năm, lộ diện nhiều chủ đầu tư dự án nghìn tỷ - Ảnh 1.

Nguồn: Phạm Hiếu tổng hợp từ BCTC của các doanh nghiệp.

Trong số 15 doanh nghiệp phát triển bất động sản dân dụng báo lỗ sau 6 tháng đầu năm, dẫn đầu là CTCP Tập đoàn C.E.O (CEO Group) với khoản lỗ gần 165 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 110 tỷ đồng). Doanh thu thuần 6 tháng giảm 32% so với cùng kỳ còn 283 tỷ đồng.

Tính riêng quý II/2021, CEO Group lỗ 127 tỷ đồng, ghi nhận quý thứ 3 liên tiếp báo lỗ. Sau nhiều quý lỗ liên tục đã ăn mòn lợi nhuận sau thuế luỹ kế của doanh nghiệp còn 77 tỷ đồng tại ngày 30/6/2021.

Năm 2021, CEO Group đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 1.600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 80 tỷ đồng, như vậy công ty mới hoàn thành 17% mục tiêu doanh thu và còn cách rất xa mục tiêu lợi nhuận.

Theo sau CEO Group, chủ đầu tư loạt dự án nghìn tỷ tại khu vực Cầu Giấy - Nam Từ Liêm là CTCP Tasco cũng báo lỗ 74 tỷ đồng sau nửa đầu năm.

Tasco được biết đến là chủ đầu tư dự án Khu đô thị Mỹ Đình có tổng vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng, dự án Khu đô thị sinh thái Foresa Villa Xuân Phương 2.850 tỷ đồng, dự án Xuân Phương Residence 1.100 tỷ đồng...

Loạt doanh nghiệp địa ốc báo lỗ 6 tháng đầu năm, lộ diện nhiều chủ đầu tư dự án nghìn tỷ - Ảnh 2.

Dự án Khu đô thị sinh thái Foresa Villa Xuân Phương. (Ảnh: Thu Thuỷ).

Công ty từng phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực hạ tầng giao thông với nhiều dự án trọng điểm trải dài từ bắc đến nam trước khi lấn sân sang bất động sản vào năm 2014.

4 năm đầu tham gia vào lĩnh vực địa ốc cũng là thời điểm hoàng kim của Tasco khi doanh nghiệp thu lời hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, đỉnh điểm là năm 2016 với mức lãi sau thuế hơn 400 tỷ đồng.

Tuy nhiên từ năm 2018, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp liên tục lao dốc và lần đầu báo lỗ 243 tỷ đồng năm 2020.

Loạt doanh nghiệp địa ốc báo lỗ 6 tháng đầu năm, lộ diện nhiều chủ đầu tư dự án nghìn tỷ - Ảnh 3.

Nguồn: Phạm Hiếu tổng hợp từ BCTC của các doanh nghiệp.

CTCP Tập đoàn Danh Khôi cũng công bố khoản lỗ sau thuế 46 tỷ đồng trong quý II/2021 - mức lỗ kỷ lục của doanh nghiệp kể từ năm 2017. Nguyên nhân do doanh nghiệp thất thu từ hoạt động môi giới (ảnh hưởng từ dịch Covid-19 bùng phát trở lại) trong khi các khoản chi phí tăng cao.

Sau nửa đầu năm, công ty báo lỗ sau thuế hơn 69 tỷ đồng, doanh thu 6 tháng chưa đến 5 tỷ đồng. Trong khi vào 6 tháng năm ngoái, doanh nghiệp đạt 95 tỷ đồng doanh thu và vẫn có lãi nhẹ 2,3 tỷ đồng.

Về hoạt động đầu tư dự án, hiện Danh Khôi đang "mắc kẹt" 91 tỷ đồng tại dự án Bình Đăng Saigon Metro Mall. Công trình này đang bị tạm ngưng do CTCP Phát triển Địa ốc Sài Gòn 5 (chủ đầu tư dự án) chưa xin được giấy phép xây dựng phần thân dự án. 

Phía Danh Khôi cũng chưa xác định được thời gian dự kiến giải quyết dứt điểm các vướng mắc, tồn tại của dự án này.

Trái với CEO hay Danh Khôi, Tổng công ty Licogi vẫn ghi nhận doanh thu tăng trưởng 11% trong 6 tháng đầu năm lên 961 tỷ đồng, song giá vốn cao cùng nhiều khoản chi phí ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp. Kết quả Licogi lỗ gần 28 tỷ đồng nửa đầu năm 2021.

Bên cạnh các doanh nghiệp trên, Vinaconex - ITC, chủ dự án Khu đô thị Cái Giá - Cát Bà 1 tỷ USD cũng có tên trong những doanh nghiệp bất động sản báo lỗ nửa đầu năm 2021. Điều này là dễ hiểu bởi Vinaconex - ITC hiện trong quá trình đầu tư duy nhất dự án Cái Giá, dó đó công ty chưa có doanh thu.

Đây là dự án do Vinaconex - ITC hợp tác đầu tư với Tổng công ty Vinaconex (VCG). Tuy nhiên bên đứng ra hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan đến đầu tư, thi công xây dựng và kinh doanh dự án vẫn là ITC. Phía Tổng công ty Vinaconex sẽ là bên góp tiền, thu xếp vốn cho ITC triển khai dự án.

Trong Top10 doanh nghiệp báo lỗ còn có Địa ốc Sài Gòn (SGR)Constrexim lần lượt lỗ 5,9 tỷ đồng và 12,9 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Vào cùng kỳ năm ngoái, Địa ốc Sài Gòn vẫn ghi nhận mức lãi 102 tỷ đồng nhờ khoản cổ tức hơn 95 tỷ đồng được chia.

Ngoài ra, một số chủ đầu tư khác cũng chịu lỗ sau 6 tháng đầu năm như Dầu khí Đông Đô, CTCP SDP, Tổng công ty 36, COMA 18... Trong đó, Dầu khí Đông Đô và SDP là hai trong số 15 nhà đầu tư thứ cấp đã mua lại dự án Nam An Khánh (tổng mức đầu tư 2.600 tỷ đồng) từ chủ đầu tư Sudico.

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.