Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã chứng khoán: VCG) vừa công bố BCTC hợp nhất quý II/2021 ghi nhận 1.480 tỷ đồng doanh thu thuần giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ.
Doanh thu tài chính trong quý lao dốc mạnh khi ghi nhận khoản lỗ 297 tỷ đồng. Do đó, công ty ghi nhận lỗ sau thuế 66 tỷ đồng trong quý II, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 349 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần của Vinaconex đạt 2.360 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, doanh thu từ hoạt động xây lắp - hoạt động cốt lõi của công ty giảm 20%, chỉ đạt gần 1.208 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Vinaconex còn ghi nhận sự sụt giảm đáng kể (73%) trong doanh thu tài chính, từ 737 tỷ đồng xuống còn gần 200 tỷ đồng do không còn thu lãi lớn từ chuyển nhượng công ty con, công ty liên doanh, liên kết.
Song do giá vốn hàng bán giảm kéo lợi nhuận gộp tăng trưởng 16% so với cùng kỳ, đạt 339 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021.
Bên cạnh đó, công ty có thêm khoản hoàn nhập dự phòng hơn 180 tỷ đồng vào chi phí quản lý doanh nghiệp khiến lợi nhuận được cải thiện.
Kết quả, Vinaconex lãi 463 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh, chỉ giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí thuế tăng mạnh khiến lãi sau thuế doanh nghiệp thu về đạt 279 tỷ đồng, giảm 32%.
Tính đến ngày 30/6/2021, tổng tài sản của Vinaconex gần 30.186 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi giá trị đầu năm, tăng chủ yếu ở các khoản phải thu cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn.
Trong đó, khoản trả trước cho người bán ngắn hạn liên quan đến các dự án xây lắp tăng gần 4.000 tỷ đồng, kéo giá trị các khoản trả trước người bán lên 7.890 tỷ đồng.
Ngoài ra, nửa đầu năm nay, công ty còn ghi nhận thêm khoản tiền phải thu trong ngắn hạn theo các hợp đồng đặt cọc mua bán cổ phần (2.663 tỷ đồng) và phải thu dài hạn theo hợp đồng hợp tác đầu tư dự án bất động sản (2.200 tỷ đồng).
Giá trị tồn kho của công ty là 2.610 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm, chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang với tỷ trọng 95% tổng giá trị tồn kho.
Chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng 39% đạt 1.025 tỷ đồng, bao gồm chi phí cho các dự án Trung tâm Thương mại Chợ Mơ (264 tỷ đồng), dự án 93 Láng Hạ (235,6 tỷ đồng), dự án Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (181 tỷ đồng),...
Tín hiệu tích cực trong công tác thu hồi công nợ, nợ xấu của Vinaconex giảm 28% trong nửa đầu năm, còn 1.902 tỷ đồng, trong đó giá trị có thể thu hồi là 587 tỷ đồng.
Đáng chú ý, người mua trả tiền trước ngắn hạn tăng hơn 5.000 tỷ đồng lên 7.452 tỷ đồng, trong đó có 5.247 tỷ đồng là Vinaconex nhận trước từ Vinaconex - ITC để thực hiện thi công dự án Cái Giá - Cát Bà (tên thương mại Cát Bà Amatina).
Liên quan đến dự án Khu đô thị Du lịch Cái Giá – Cát Bà có vốn đầu tư 1 tỷ USD, Vinaconex từng tuyên bố đứng ra thu xếp vốn cho Vinaconex - ITC triển khai dự án trên. Dự kiến đến năm 2022, dự án sẽ bắt đầu mang lại doanh thu cho doanh nghiệp.
Về tình hình nợ vay, nợ vay tài chính trong ngắn hạn của công ty tăng 37% lên 2.931 tỷ đồng và trong dài hạn tăng 183% lên 7.150 tỷ đồng. Tổng nợ vay của Vinaconex đã lên đến 10.081 tỷ đồng, vượt 30% so với vốn chủ sở hữu.
Chủ đầu tư 08:07 | 17/08/2021
Chủ đầu tư 12:44 | 05/08/2021
Chủ đầu tư 09:21 | 03/08/2021
Chủ đầu tư 12:07 | 02/08/2021
Chủ đầu tư 16:05 | 01/08/2021
Chủ đầu tư 09:44 | 31/07/2021
Chủ đầu tư 06:50 | 31/07/2021
Chủ đầu tư 19:28 | 30/07/2021