Để giải đáp vấn đề này, chúng tôi đã có buổi phóng vấn với ông Trương Minh Châu - người từng có kinh nghiệm 11 năm giảng dạy và hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu giáo dục, từng là giảng viên tiếng anh tại trường ĐH Ngoại Ngữ tin học TP.HCM - HUFLIT và hiện là Giám đốc đào tạo chương trình học tiếng Anh qua Toán và Khoa học iSMART.
Ông Trương Minh Châu, Giám đốc đào tạo chương trình học tiếng Anh qua Toán và Khoa học iSMART. |
Thưa ông Trương Minh Châu trong thời đại hiện nay, theo ông độ tuổi lý tưởng cho trẻ học tiếng Anh là khi nào? Và lý do vì sao?
Người ta đã đầu tư rất nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu về chủ đề này song câu trả lời chính xác nhất vẫn chưa được đồng thuận.Cá nhân tôi cho rằng, trẻ được tiếp cận với tiếng Anh ở độ tuổi càng nhỏ thì hiệu quả càng lớn, đặc biệt là đối với trẻ mầm non, tiểu học.
Dưới 10 tuổi, trẻ có khả năng nghe và bắt chước rất tốt khiến việc học ngôn ngữ thứ hai trở nên dễ dàng và tối ưu hơn. Lúc này, não bộ của trẻ phát triển nhanh nhạy về nhiều mặt: óc quan sát, tiếp thu, tò mò, trí tưởng tượng, ghi nhớ, phản xạ… và trở thành những lợi thế trong việc học ngoại ngữ mà người lớn khó so sánh kịp.
Cách đây rất lâu, tôi có đọc một nghiên cứu 5 năm của Trung tâm nghiên cứu ngôn ngữ Cornell, trong đó ghi học sớm ngôn ngữ thứ 2 không ảnh hưởng gì đến sự phát triển trí tuệ của trẻ, ngược lại giúp trẻ tập trung chú ý tốt hơn trong khi học so với trẻ chỉ biết tiếng mẹ đẻ.
Tiến sĩ Sujin Yang đã nghiên cứu quá trình học ngôn ngữ của trẻ nhỏ, hơn 30 năm, với trên 20 ngôn ngữ của các nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Bà chỉ ra rằng trẻ nhỏ có thể tiếp thu hơn một thứ tiếng cùng một lúc rất tự nhiên, thoải mái hơn chúng ta vẫn tưởng. Trẻ mầm non có thể học rất nhanh ngôn ngữ thứ 2 khi được “tắm” trong môi trường ngôn ngữ thường xuyên, tích cực mà chúng đang học.
Có nhiều phụ huynh lo lắng học ngôn ngữ nước ngoài khi trẻ còn nhỏ, sẽ khiến trẻ quên mất ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ở độ tuổi rất nhỏ 3 - 6 tuổi, trẻ có khả năng tiếp thu được ngoại ngữ mới và vẫn nhận biết được mình đang nói ngôn ngữ nào. Điều này đã được khẳng định trong nhiều nghiên cứu chuyên sâu.
Những nhầm lẫn ban đầu có thể khắc phục được qua thời gian và trong môi trường sống hàng ngày của bé.
Tôi có chị bạn công tác ở Philipines khi con gái mới 5 tuổi. Ở nhà người giúp việc nước ngoài nói tiếng Anh với bé, khi gặp mẹ bé chủ động chuyển sang từ tiếng Việt và đến nay cô bé có khả năng ngôn ngữ Việt rất tốt bên cạnh tiếng Anh.
Điều đó cho thấy là, việc học ngôn ngữ sớm không phải vấn đề mà điều quan trọng là cách phụ huynh dạy con, đồng hành và “điều hướng”, tạo không gian học ngôn ngữ đúng cách cho con.
Giỏi tiếng Anh đã không còn là lợi thế cạnh tranh mà đã trở thành một yêu cầu căn bản trong thời đại hội nhập ngày nay. Ngay khi còn nhỏ, trẻ được học “nhúng” trong môi trường song ngữ như vậy thì trẻ hoàn toàn có khả năng thụ đắc và sử dụng tốt cả hai ngôn ngữ, sẽ là nền tảng lợi thế cho tương lai. Do đó, ba mẹ cần có sự định hướng và dẫn dắt đúng đắn.
Theo ông, cách học phù hợp nhất cho trẻ ở giai đoạn này là gì và lý do tại sao?
Ở độ tuổi dưới 10, trẻ rất hiếu động, tinh nghịch và do đó khó để tập trung học tập trong một thời gian nhất định.
Vì thế, trẻ nên được học trong môi trường vui vẻ, thoải mái, nhiều hình ảnh sinh động, màu sắc kích thích trí tò mò, tạo niềm hăng say trong việc học ngoại ngữ. Có khơi được niềm vui học tập ấy, trẻ mới chủ động và tự tin phát triển tối đa tiềm lực của mình.
Đặc biệt, việc học trong tình huống thực tế khiến các bé cảm thấy thoải mái và hứng thú khi “chơi mà học”, “học mà chơi”. Đó là phương pháp “immerse learning” đang ngày càng được nền giáo dục tiên tiến ứng dụng rộng rãi như Mỹ, Anh, Singapore v.v.
Bên cạnh đó, tuy độ tuổi này có khả năng lĩnh hội lớn nhưng chưa quen với việc tư duy trừu tượng, thường khó hiểu trước những khái niệm phức tạp.Vì thế, bài giảng và phương pháp truyền tải cần trực quan, sinh động. Việc sử dụng bài giảng số với clip, hình ảnh 2D, 3D, âm thanh thực tế là một trong những giải pháp cho vấn đề này.
Trong xu hướng hạ thấp độ tuổi học ngoại ngữ của thế giới, chúng ta cũng không dạy tiếng Anh một cách đơn thuần, cứng nhắc nữa. Thay vào đó, tiếng Anh trở thành công cụ truyền tải kiến thức cho các môn học khác như Toán, Khoa học… Tất cả những phương pháp trên nhằm mục đích đặt học sinh vào vị trí trung tâm và chủ động học tập một cách hứng thú.
Cách học tốt nhất cho trẻ là dùng nhiều hình ảnh sinh động, màu sắc kích thích trí tò mò |
Để cân bằng giữa việc học ngoại ngữ và học tiếng mẹ đẻ, trẻ nên có phương pháp học ra sao và phụ huynh nên lưu ý điều gì?
Điều này phụ thuộc phần lớn vào môi trường ứng dụng ngôn ngữ của bé. Nếu bé buộc phải nói tiếng Anh cả ở trường và ở nhà, 24/24 thì có khả năng lớn là bé sẽ không giỏi tiếng Việt (Vì bé đâu có môi trường để sử dụng, luyện tập thường xuyên). Thế nên ba mẹ cần lưu ý đến việc tạo vùng ngôn ngữ cho bé phát triển rõ ràng.
Có hai điều quan trọng cần lưu ý trong việc cân bằng giữa việc học ngoại ngữ và học tiếng mẹ đẻ cho trẻ: cần có kế hoạch rõ ràng và định hướng hợp lý. Trong đó, trẻ cần biết cách sử dụng ngôn ngữ vào đúng tình huống. Kế hoạch của ba mẹ cần rõ ràng và phân bổ cân bằng thời gian tiếp xúc với từng loại ngôn ngữ để trẻ không bị rối, gây nhầm lẫn.
Có nhiều lời khuyên cho rằng nên để trẻ tiếp xúc với ngoại ngữ hơn 30% thời gian trong ngày để trẻ thông thạo ngoại ngữ đó như ngôn ngữ thứ hai, còn lại thời gian là dành cho tiếng mẹ đẻ. Hay liệu chúng ta có nên trò chuyện, giao tiếp bằng tiếng Việt với trẻ khi ở nhà và để bé sử dụng tiếng Anh khi học trên trường? Ba mẹ cũng có thể cân nhắc về lời khuyên này.
Lời khuyên của ông khi phụ huynh cho con đi học Tiếng Anh từ sớm là gì?
Học ngoại ngữ sớm là cần thiết và quan trọng, vấn đề còn lại là làm sao không gây áp lực cho trẻ nhỏ. Hãy để con phát triển tự do khả năng tiếng Anh của mình và biến việc học trở nên sinh động, vui nhộn. Đối với con, niềm vui khi đến trường vẫn là quan trọng nhất.
Bên cạnh đó, trẻ cần được học ngoại ngữ trong ngữ cảnh để thấy và hiểu được sự ứng dụng của ngôn ngữ.Học giỏi môn tiếng Anh, biết nhiều từ vựng… có thể sẽ vô nghĩa nếu trẻ không có khả năng sử dụng ngôn ngữ trong những tình huống thực tế.
Do đó, phụ huynh nên tìm hiểu những chương trình đáp ứng được tiêu chí đặt học sinh vào vai trò trung tâm trong lớp học.
Cám ơn ông!