Doanh nghiệp bánh kẹo kinh doanh chật vật vì Covid-19

Loạt FTA kí kết làm thuế nhập khẩu bánh kẹo từ nhiều nước về 0% đã tạo sức ép nặng nề lên doanh nghiệp bánh kẹo. Khó khăn chưa hết thì đại dịch Covid-19 ập đến lại giáng đòn mạnh tới hoạt động kinh doanh của các công ty.

Covid-19 giáng đòn mạnh tới doanh nghiệp bánh kẹo

Trên thị trường nội địa, có các thương hiệu bánh kẹo phổ biến như Kinh Đô, Bibica, Hữu Nghị, Hải Hà, Hải Châu, Bánh Mứt Kẹo Hà Nội, Tràng An, Biscafun của CTCP Đường Quảng Ngãi (Mã: QNS). 

Nhìn vào số liệu thống kê doanh nghiệp công bố có thể thấy doanh thu của các công ty bánh kẹo không có sự tăng trưởng quá đột phá giai đoạn 2016 – 2019. Thậm chí doanh thu của CTCP Bánh Mứt Kẹo Hà Nội (Mã: BKH) còn đi ngang.

Doanh nghiệp bánh kẹo: Ải này chưa qua ải khác lại tới - Ảnh 2.

Nguồn: HK tổng hợp

Dù có doanh thu năm 2019 vượt cả CTCP Bibica (Mã: BBC) nhưng lợi nhuận của CTCP Thực phẩm Hữu Nghị (Mã: HNF) còn chưa bằng một nửa so với Bibica.

Tuy nhiên sang 6 tháng đầu năm, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 mà doanh thu của Bibica, Hữu Nghị, CTCP Bánh kẹo Hải Hà (Mã: HHC), CTCP Bánh kẹo Hải Châu đều giảm mạnh so với cùng kì năm 2019.

Doanh nghiệp bánh kẹo - Ảnh 2.

Nguồn: HK tổng hợp

Quí II, Bibica còn ghi nhận lỗ thuần hơn 14 tỉ đồng nhưng nhờ lãi chuyển nhượng quyền sử dụng đất gần 78 tỉ nên công ty không chỉ thoát lỗ mà còn lãi đột biến gấp 3,8 lần so với cùng kì. Trước đó, Bibica lãi vẻn vẹn hơn 1 tỉ đồng trong quí I.

Còn Hữu Nghị lãi chưa tới 3 tỉ đồng trong 6 tháng, giảm 80% so với cùng kì 2019. Trong khi đó lợi nhuận Hải Hà vẫn tương đương so với cùng kì, riêng lợi nhuận của Hải Châu chỉ giảm 7%.

Doanh thu giảm kéo tụt biên lợi nhuận 6 tháng đầu năm của của Bibica, Hải Hà. Riêng Hữu Nghị vẫn ghi nhận biên lợi nhuận tăng nhờ giá vốn hàng bán giảm sâu.

Doanh nghiệp bánh kẹo - Ảnh 3.

Nguồn: HK tổng hợp

Cạnh tranh gay gắt với doanh nghiệp ngoại

Bên cạnh những khó khăn, các thương hiệu bánh kẹo Việt vừa phải tìm chỗ đứng của mình trong nước vừa phải chật vật cạnh tranh với đối thủ ngoại trong thời kì hội nhập và khi tâm lí sính ngoại ngày càng gia tăng.

Cuộc đua thị phần trở nên gay gắt hơn khi đầu năm 2018 Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc kí kết khiến thuế nhập khẩu mặt hàng bánh kẹo từ ASEAN, Hàn Quốc về 0%.

Theo thống kê của người viết, hiện Việt Nam nhập khẩu bánh kẹo, chế phẩm từ ngũ cốc nhiều nhất từ Indonesia trong tháng 7/2020 với hơn 6,5 triệu USD, tiếp đó là Thái Lan.

Doanh nghiệp bánh kẹo: Ải này chưa qua ải khác lại tới - Ảnh 4.

Thống kê các nước Việt Nam nhập khẩu nhiều bánh kẹo và chế phẩm từ ngũ cốc nhất. (Nguồn: HK tổng hợp Tổng cục Hải quan)

Việc mở cửa hội nhập là điều tất yếu nên đòi hỏi doanh nghiệp bánh kẹo Việt phải liên tục đổi mình để tìm được chỗ đứng trong nước. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 xuất hiện càng tăng thêm khó khăn cho doanh nghiệp nội khi vừa phải gồng mình vượt qua đại dịch vừa phải lo giữ thị phần.

Bên cạnh thách thức thì cơ hội với doanh nghiệp bánh kẹo vẫn rộng mở khi ngành bánh kẹo có qui mô 51.000 tỉ đồng vẫn còn dư địa với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 8-10%. 

Theo qui hoạch phát triển ngành kĩ nghệ thực phẩm Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, năm 2020, ngành sản xuất bánh kẹo sẽ đạt sản lượng 2,2 triệu tấn và sẽ còn tăng dần qua các năm. 

Covid-19 cản bước ông lớn Kido trở lại

Sau 5 năm cam kết không gia vào mảng bánh kẹo khi chuyển giao mảng này cho tập đoàn Mondelez International thì từ tháng 7 năm nay thị trường bánh kẹo lại đón nhận sự trở lại của Công ty cổ phần Tập đoàn Kido (Mã: KDC).

Bánh kẹo từng là mảng kinh doanh cốt lõi và là động lực tăng trưởng chính của Kido khi nắm khoảng 19% thị phần năm 2014. Lãnh đạo doanh nghiệp kì vọng sự trở lại lần này sẽ nhanh chóng đưa Kido chiếm lấy vị trí thứ 2 thị trường.

Kido cho biết sẽ quay trở lại ngay mùa Trung thu năm nay với sản phẩm đầu tiên là bánh trung thu mang thương hiệu Kingdom, sản phẩn nằm trong phân khúc trung bình hiện đang chiếm 70% nhu cầu thị trường. 

Với hơn 20 chục năm kinh nghiệm trong ngành bánh kẹo, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng Giám đốc KIDO kỳ vọng công ty sẽ có lãi ngay trong năm nay. Dù vậy, cũng như các doanh nghiệp khác, Kido đang đối mặt với hiện trạng sức cầu sụt giảm do Covid-19 gây ra.

Doanh nghiệp bánh kẹo: Ải này chưa qua ải khác lại tới - Ảnh 1.

Bánh trung thu thương hiệu Kingdom. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Khảo sát trên thị trường cho thấy, hiện nhiều quầy sạp bán bánh trung thu đã được dựng lên từ sớm, bày đủ các loại bánh trung thu từ bình dân đến cao cấp với màu sắc đa dạng nhưng gần như chưa có nhiều khách mua.

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc làm tại khu công nghiệp lần đầu giảm kể từ 2015, kéo theo thu nhập người dân giảm trên diện rộng bên cạnh sức mua hồi phục yếu. Tiêu dùng nội địa tại Việt Nam nửa đầu năm nay chỉ tăng 0,7% so với mức trung bình 7% của 5 năm trước đó.

Còn theo số liệu của Nielsen, giai đoạn cao điểm dịch bệnh tháng 3 và 4 vừa qua, toàn bộ ngành hàng FMCG đã giảm 12%. Sự sụt mạnh nhất đến từ kênh truyền thống trong đó kênh mua và tiêu dùng sau giảm 9%.

Nửa đầu năm do tác động từ Covid-19 mà tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bánh kẹo lao dốc. Dịch Covid-19 quay trở lại đúng mùa cao điểm Tết Trung thu sẽ khiến hoạt động kinh doanh của các công ty khó có thể phục hồi. 

Nhiều doanh nghiệp đang kì vọng dịch bệnh lắng xuống và tháng sau sẽ bán được nhiều hàng hơn, bởi cao điểm của mùa Trung thu thường bắt đầu từ nửa sau tháng 7 đến đầu tháng 8 Âm lịch.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.