Doanh nghiệp BĐS công nghiệp đã hút hơn 14.500 tỷ đồng từ đi vay, tỷ lệ nợ vay/VCSH được duy trì dưới 1

Tín Nghĩa, Viglacera, Becamex IDC,... là những cái tên hút hàng nghìn tỷ đồng vốn vay trong nửa đầu năm nay, phần lớn đến từ 4 ngân hàng quốc doanh. Mặt khác, Kinh Bắc là doanh nghiệp chi nhiều nhất để trả nợ.

Hút hơn 14.500 tỷ đồng từ đi vay, phần lớn từ các ngân hàng quốc doanh

Thống kê 23 doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp (KCN) đại chúng đã công bố báo cáo tài chính quý II, trong nửa đầu năm nay, tổng các khoản thu từ đi vay mà các doanh nghiệp này ghi nhận được là hơn 14.551 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ. 

   Nguồn: HM tổng hợp từ BCTC. 

Doanh nghiệp hút vốn mạnh nhất là Tổng Công ty Tín Nghĩa (TID) với gần 3.924 tỷ đồng. Gần 3.830 tỷ đồng trong số đó là các khoản vay ngân hàng ngắn hạn, với 4 khoản vay lớn nhất đều đến từ 4 ngân hàng quốc doanh là Agribank (303 tỷ đồng), Vietinbank (1.133 tỷ đồng), Vietcombank (1.217 tỷ đồng) và BIDV (879 tỷ đồng).

Doanh nghiệp hút vốn mạnh thứ hai là Viglacera (VGC) với 3.805 tỷ đồng. Trong đó, gần 3.570 tỷ đồng cũng đến từ các khoản vay ngắn hạn. Công ty không cho biết chủ nợ của các khoản này. 

Ngoài ra, Becamex IDC (BCM) và Sài Gòn VRG (SIP) cũng là hai doanh nghiệp hút hàng nghìn tỷ đồng vốn vay trong nửa đầu năm, với con số ghi nhận được lần lượt là 2.095 tỷ đồng và 1.970 tỷ đồng, đều chủ yếu tăng tại các khoản vay ngân hàng quốc doanh trong ngắn hạn.

Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp cũng chi tổng cộng hơn 16.907 tỷ đồng để trả nợ gốc vay, giảm 3,4% so với cùng kỳ, song cao hơn 16% so với tiền thu từ đi vay. 

   Nguồn: HM tổng hợp từ BCTC. 

Trong đó, khoản chi trả nợ lớn nhất là Kinh Bắc (KBC) với hơn 4.178 tỷ đồng, cao gấp gần 4 lần mức chi cùng kỳ năm ngoái. Trong nửa đầu năm nay, công ty cũng đã đẩy sạch các khoản nợ trái phiếu 3.900 tỷ đồng. Tại cuối quý II, tổng dư nợ vay tài chính của Kinh Bắc đạt 4.166 tỷ đồng, giảm 45% so với đầu năm.

Bên cạnh Kinh Bắc, các doanh nghiệp đã chi hàng nghìn tỷ để trả nợ trong kỳ còn có TID (3.843 tỷ đồng), Viglacera (3.158 tỷ đồng), Becamex IDC (2.031 tỷ đồng), SIP (1.317 tỷ đồng) và Sonadezi (SNZ) (1.026 tỷ đồng).

Tại thời điểm cuối quý II, tổng nợ tài chính của các doanh nghiệp bất động sản KCN là 41.424 tỷ đồng, giảm 6% so với thời điểm đầu năm, trong đó, các khoản nợ dài hạn chiếm 63%. 

Doanh nghiệp có tổng dư nợ tài chính lớn nhất là Becamex IDC với 15.983 tỷ đồng, tăng 96 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm phần lớn là nợ trái phiếu với tổng giá trị 8.988 tỷ đồng. Trong nửa đầu năm nay, công ty đã chi hơn 2.031 tỷ đồng để trả nợ gốc vay, đồng thời thu từ đi vay gần 2.095 tỷ đồng.  

Tại thời điểm cuối quý II, tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu của Becamex IDC ở mức 0,89, không chênh lệch đáng kể so với đầu năm. 

 Nguồn: HM tổng hợp từ BCTC.

Tương tự Becamex IDC, phần lớn các doanh nghiệp bất động sản KCN đại chúng cũng duy trì tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu dưới 1, ngoài ba doanh nghiệp là IDICO, Sonadezi Châu Đức (SZC) và Tổng TID.

Trong ba doanh nghiệp này, IDICO và TID đều ghi nhận lưu chuyển tiền thuần dương trong nửa đầu năm nay nhờ dòng tiền từ hoạt động kinh doanh lớn, đủ bù đắp cho các khoản chi để đầu tư và trả nợ. 

Đối với Sonadezi Châu Đức, nhờ khoản lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, nửa đầu năm nay, công ty cũng duy trì dòng tiền kinh doanh dương. Song, dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính đều âm, kéo lưu chuyển tiền thuần âm hơn 104 tỷ đồng.

“Kho lương” hơn 39.500 tỷ đồng chờ ghi nhận, rót vốn đầu tư các dự án BĐS

Ngoài các khoản thu từ đi vay nói trên, các doanh nghiệp bất động sản KCN cũng có dòng tiền gối đầu từ các khoản doanh thu nhận trước từ khách thuê đất KCN, nhà xưởng (ghi nhận vào khoản doanh thu chưa thực hiện).  

Tại thời điểm cuối quý II, tổng doanh thu chưa thực hiện các doanh nghiệp này đạt 39.533 tỷ đồng, phần lớn ghi nhận trong dài hạn. 

SIP là doanh nghiệp có doanh thu chưa thực hiện lớn nhất với tổng cộng 11.329 tỷ đồng, gồm 101 tỷ đồng ngắn hạn và 11.228 tỷ đồng dài hạn. 

Ngoài SIP, các doanh nghiệp khác có doanh thu chưa thực hiện nghìn tỷ chờ ghi nhận bao gồm IDICO (5.337 tỷ đồng), Tổng công ty Tín Nghĩa (TID) (5.062 tỷ đồng), Sonadezi (4.958 tỷ đồng), Nam Tân Uyên (3.037 tỷ đồng), Viglacera (2.701 tỷ đồng) và Sonadezi Giang Điền (2.488 tỷ đồng).

   Nguồn: HM tổng hợp từ BCTC. 

Với “kho lương” lớn này, nhiều doanh nghiệp đã rót hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư bất động sản. 

Đơn cử như SIP tại cuối quý II đang ghi nhận hơn 2.943 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang, bao gồm chi phí phát triển các dự án KCN - đô thị - dịch vụ Phước Đông Bời Lời, KCN Lê Minh Xuân 3, KCN Lộc An - Bình Sơn,... Ngoài ra, công ty cũng rót 228 tỷ đồng chi phí phát triển các dự án dân dụng, gồm Khu dân cư Đông Nam, Khu tái định cư Bến Sắn và Khu dân cư Thuận Lợi. 

Danh mục bất động sản đầu tư của SIP tại cuối quý II cũng tăng so với thời điểm đầu năm và đạt giá trị 5.261 tỷ đồng (đã trừ hao mòn lũy kế). Các khoản đầu tư vào bất động sản trên cũng đang chiếm 42% tổng tài sản của doanh nghiệp. 

Hay Viglacera tại cuối quý II đang ghi nhận 4.893 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang, chủ yếu tại các dự án như KCN Thuận Thành giai đoạn I (1.133,5 tỷ đồng), KCN Yên Mỹ (955,6 tỷ đồng), KCN Phú Hà giai đoạn I (688 tỷ đồng),...

Sonadezi cũng rót gần 4.221 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại các dự án như KCN Châu Đức, mở rộng Cảng Đồng Nai giai đoạn 2, Cụm công nghiệp Long Phước, KCN Tân Đức,... Trong đó, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng và chi phí đầu tư hạ tầng KCN Châu Đức là 2.608 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 62% và tăng 4,1% so với đầu năm.