Với việc thị trường BĐS liên quan tới hơn 90 ngành nghề, sử dụng hàng nghìn sản phẩm của nền kinh tế, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) cho rằng nếu thị trường BĐS bị khủng hoảng sẽ kéo theo sự khủng hoảng của nền kinh tế.
HoREA đã có thống kê, hiện TP HCM có khoảng 415.000 doanh nghiệp, trong đó có gần 15.000 doanh nghiệp BĐS. Trong số gần 9.000 doanh nghiệp lớn của TP, thì có đến hơn 30% là doanh nghiệp BĐS.
Tuy chỉ chiếm 2% tổng số doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp BĐS chiếm hơn 70% tổng số vốn đăng kí và đóng góp hơn 80% đối với khu vực kinh tế tư nhân của TP.
Tăng trưởng bình quân của lĩnh vực trong giai đoạn 2015-2019 chỉ đạt 4,3%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng GRDP và hiện nay tỉ trọng đóng góp trong GRDP cũng thuộc hàng thấp nhất trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu của TP.
Trong năm 2018 - 2019, hầu hết các doanh nghiệp BĐS gặp khó khăn, qui mô thị trường và nguồn cung giảm mạnh, hàng loạt doanh nghiệp giảm doanh thu và lợi nhuận, giá nhà tăng, đông đảo người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư ngày càng khó tạo lập nhà ở.
Năm 2019, chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được công nhận chủ đầu tư, giảm 24 dự án; chỉ có 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư, giảm 64 dự án; trong đó, chỉ có 7 dự án được chấp thuận đầu tư mới. Ngoài ra, chỉ có 47 dự án được xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn, giảm 30 dự án so với năm 2018.
Đối với các doanh nghiệp BĐS niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2019, hầu hết các doanh nghiệp đều có kết quả kinh doanh sụt giảm.
"Ngoại trừ Vingroup đạt doanh thu và lợi nhuận tốt, các doanh nghiệp còn lại chỉ đạt mức tăng trưởng bình quân doanh thu 7% và lợi nhuận sau thuế chỉ tăng 11%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng lợi nhuận lên đến 47% của năm 2018.
Liên quan đến lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp BĐS niêm yết trên sàn chứng khoán, HoREA cho hay hàng tồn kho theo kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và trong quá trình phân phối lưu thông sản phẩm là điều bình thường, thậm chí có thể là một lợi thế của doanh nghiệp.
Nhưng hàng tồn kho BĐS sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế, nếu hàng tồn kho đó là bán thành phẩm (như do vướng mắc về pháp lí nên dự án bị dừng triển khai, không ra được sản phẩm làm tăng gánh nặng chi phí, lãi vay…), hoặc là thành phẩm nhưng không bán được hoặc chưa bán được, không có tính thanh khoản, có thể dẫn đến nguy cơ phá sản", ông Lê Hoàng Châu đưa ra nhận định.
Nhận định về nguyên nhân dẫn tới những khó khăn của doanh nghiệp BĐS, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã chỉ ra đó là do các qui định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, qui hoạch đô thị chưa có sự thống nhất trong quá trình chuyển tiếp và ban hành.
Cùng với đó, theo ông Phong, nhiều dự án đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, rà soát lại thủ tục pháp lí, điều này dẫn đến việc đùn đẩy giải quyết của các cơ quan quản lí nhà nước, chưa đảm bảo một qui trình liên thông, đồng bộ.
"Những điều này, nếu không được giải quyết kịp thời sẽ tác động trực tiếp đến sự phát triển của thị trường, gây khó khăn cho các doanh nghiệp, làm giảm nguồn thu ngân sách", ông Phong đánh giá.
Ngoài ra, theo HoREA, thị trường BĐS vốn đang gặp rất nhiều khó khăn trong hai năm qua, nay lại chịu thêm tác động của dịch cúm CoViD-19 nên tính chất khó khăn càng trầm trọng hơn.
"Nếu các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương và địa phương giải quyết nhanh các vướng mắc về pháp lí và qui trình thủ tục hành chính, thì sẽ giúp cho thị trường BĐS sớm hồi phục và tăng trưởng trở lại", ông Châu chia sẻ.
Trên cơ sở đó, HoREA đã kiến nghị qui trình gồm 5 bước và 4 phương án xử lí vướng mắc để giải quyết hồ sơ dự án nhà ở có quĩ đất hỗn hợp, gồm đất ở, đất nông nghiệp, xen cài đất rạch, đường, bờ đất do Nhà nước quản lí.
HoREA cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo sớm giải quyết sự thiếu thống nhất giữa các khái niệm "đất", "đất ở" đối với dự án nhà ở có quĩ đất hỗn hợp và đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, sớm có kết luận xử lí các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra, để các chủ đầu tư được tiếp tục triển khai dự án bổ sung nguồn cung cho thị trường.