Doanh nghiệp của 5 tỉ phú giàu nhất Việt Nam làm ăn thế nào trong 9 tháng năm 2019?

Trong khi tỉ phú Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Thị Phương Thảo, Hồ Hùng Anh có thêm hơn nghìn tỉ đồng lợi nhuận thì doanh nghiệp của tỉ phú Nguyễn Đăng Quang, Trần Bá Dương lại không được thuận lợi với các mảng kinh doanh chính.

Vingroup: Lãi tăng hơn nghìn tỉ, là doanh nghiệp có nguồn thu lớn nhất

Trong nhóm các doanh nghiệp của tỉ phú USD Việt, Tập đoàn Vingroup của tỉ phú Phạm Nhật Vượng có doanh thu và lợi nhuận cao nhất 9 tháng đầu năm 2019, khi tăng trưởng tốt trên 2 con số.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần hợp nhất toàn tập đoàn đạt 92.614 tỉ đồng, tăng 10%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng 1.007 tỉ, đạt 9.384 tỉ đồng. Lãi ròng sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 4.112 tỉ đồng, tăng 1.204 tỉ, tương đương tăng đến 41%.

hinh1phamnhatvuongwkhk-15725076917211081818259

9 tháng đầu năm, Vingroup của tỉ phú Phạm Nhật Vượng lãi trước thuế 9.384 tỉ đồng, là doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận cao nhất. (Ảnh: Vingroup).

Tuy nhiên, nếu xét theo kết quả kinh doanh quý, ở quý gần nhất, lợi nhuận trước thuế của Vingroup lại giảm nhẹ 3%, trong khi lãi ròng lại giảm đến 54% so với cùng kì, còn 712 tỉ đồng, đóng góp chỉ 17% vào lợi nhuận ròng 9 tháng đầu năm.

Mảng chuyển nhượng bất động sản và bất động sản cho thuê vẫn mang lại nhiều doanh thu nhất cho Vingroup, với 54.905 tỉ đồng, chiếm 59%. Tiếp đến bán lẻ đạt 21.910 tỉ đồng, chiếm 24%.

Đáng chú ý trong kết quả kinh doanh của Vingroup năm nay chính là doanh thu mảng sản xuất, gồm sản xuất ôtô, xe điện và điện thoại, vốn là phần đang nhận được nhiều sự quan tâm của thị trường.

9 tháng năm 2019, mảng sản xuất mang lại cho Vingroup 4.284 tỉ đồng. Báo cáo tài chính cũng tiết lộ, tổng giá vốn cho mảng này lên đến 5.871 tỉ đồng. Như vậy, dù đóng góp gần 5% tổng doanh thu của tập đoàn, nhưng mảng sản xuất ôtô, xe điện, điện thoại của Vingroup đang lỗ gộp 1.587 tỉ đồng.

anh-chup-man-hinh-2019-10-31-luc-143540-15725074905601451596459

Kết quả kinh doanh giai đoạn 2015-2019 của Vingroup. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

"Đây là điều đã nằm trong dự liệu, vì các lĩnh vực tập đoàn mới tham gia là công nghiệp và công nghệ, đặc biệt là dự án sản xuất ôtô, xe máy điện VinFast vẫn đang trong giai đoạn đầu tư và chịu lỗ, chưa thể sinh lời ngay", Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vingroup - ông Nguyễn Việt Quang, cho biết hồi tháng 9, khi Standard & Poor's thay đổi đánh giá triển vọng của Vingroup từ mức "ổn định" sang "tiêu cực".

Tính đến cuối tháng 9/2019, tổng tài sản Vingroup đạt 357.159 tỉ đồng, tăng 24% so với hồi đầu năm. 

Vietjet: Lãi tăng nghìn tỉ nhờ bán gấu bông, mì gói... miệt mài mở rộng đường bay

Trong khi đó, nhờ tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi và mở rộng thêm đường bay, hãng bay Vietjet Air của nữ tỉ phú giàu nhất Đông Nam Á Nguyễn Thị Phương Thảo đang có doanh thu và lợi nhuận tăng đều đặn hàng nghìn tỉ đồng.

madamthao4_btuk

Vietjet Air của tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo lãi trước thuế hợp nhất đạt 4.206 tỉ đồng, tăng 9%. (Ảnh: Vietjet).

Lũy kế 9 tháng năm 2019, doanh thu thuần hợp nhất của Vietjet đạt 38.134 tỉ đồng, tăng 12%. Lợi nhuận trước thuế 4.206 tỉ đồng, tăng 9%.

Trong cơ cấu doanh thu của Vietjet, đáng chú ý, mảng phụ trợ gồm bán gấu bông, mì gói… tiếp tục mang lại doanh thu lớn lên đến 2.804 tỉ đồng, đóng góp đến 21% tổng doanh thu. 

Xác định đi theo hướng hàng không giá rẻ, hãng bay của tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đang tập trung vào mảng doanh thu này vì tỉ suất lợi nhuận đạt được lên đến 90%. 

Báo cáo CarTrawler YearBook năm 2019 cũng công nhận sự thành công của Vietjet trong việc bán gấu bông, mì tôm… trên các chuyến bay, khi xếp Vietjet vào nhóm 12 hãng có tỉ lệ doanh thu phụ trợ lớn trong tổng doanh thu.

Song song đó, Vietjet cũng đã tích cực mở rộng mạng lưới đường bay, đặc biệt là đường bay quốc tế. Tính đến cuối quý III/2019, tổng số đường bay đạt được là 127 đường, tăng 24 đường, trong đó chủ yếu là các đường bay quốc tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ảnh chụp Màn hình 2019-11-02 lúc 10

Kết quả kinh doanh giai đoạn 2015-2019 của Vietjet. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Vì vậy, mảng doanh thu quốc tế của Vietjet cũng lên đến 7.800 tỉ đồng, chiếm 57% tổng doanh thu.

Hiện tổng tài sản Vietjet đạt 43.146 tỉ đồng, tăng 10% so với hồi đầu năm. 

Techcombank: Giữ chặt vị thế ngân hàng có lợi nhuận cao thứ hai hệ thống

9 tháng đầu năm nay, Techcombank do tỉ phú Hồ Hùng Anh làm Chủ tịch đạt 8.860 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 1.086 tỉ đồng so với cùng kì năm ngoái. Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, lãi ròng của nhà băng này đạt 7.107 tỉ, tăng trưởng 14%.

mr_Ho_Hung_Anh

Techcombank của tỉ phú Hồ Hùng Anh giữ được vị trí ngân hàng có lợi nhuận cao thứ hai sau Vietcombank. (Ảnh: Zing).

Tăng trưởng chủ yếu của Techcombank trong 9 tháng đầu năm đến từ thu nhập lãi thuần. Cụ thể, trong kì, thu nhập lãi thuần tăng 24%, đạt 10.106 tỉ đồng.

Song song đó, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng được cắt giảm mạnh. Nếu như cùng kì năm ngoái, chi phí dự phòng lên đến 1.787 tỉ thì 9 tháng đầu năm nay được cắt giảm gần như chỉ còn 1/3, giảm đến 1.182 tỉ.

Tuy nhiên, số dư nợ xấu của Techcombank 9 tháng đầu năm cũng tăng 21%, từ 2.804 tỉ lên 3.392 tỉ đồng. Tỉ lệ nợ xấu tăng từ 1,75% lên 1,8%. 

Nợ xấu nhóm 5 có khả năng mất vốn của Techcombank tính đến cuối tháng 9 tăng đến 610 tỉ đồng so với đầu năm, lên 2.313 tỉ đồng. Trong khi đầu năm là 1.703 tỉ đồng, tương đương mức tăng 36%.

anh-chup-man-hinh-2019-10-29-luc-175316-15723467522841769746681

Kết quả kinh doanh giai đoạn 2015-2019 của Techcombank. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Số dư nợ xấu (nhóm 3-5) của Techcombank là 3.704 tỉ đồng, tương đương 1,8% tổng dư nợ. Số này tăng hơn 900 tỉ so với đầu năm.

Tại sự kiện "Techcombank gặp gỡ chuyên gia phân tích và cập nhật kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2019", diễn ra gần đây, lãnh đạo Techcombank chia sẻ nhà băng này có nguồn thu từ Vingroup và Masan khoảng 300 tỉ đồng trong số doanh thu. 

Tuy nhiên, theo giới đầu tư, các con số trên chỉ là nguồn thu trực tiếp. Điều mà giới đầu tư lo ngại là việc Techcombank phụ thuộc vào nguồn khách hàng từ Vingroup, phụ thuộc vào tiến độ các dự án cũng như tài sản thế chấp là các bất động sản trong các dự án của Vingroup, phụ thuộc vào nhu cầu huy động vốn của Vingroup...

Có khoảng 40% dư nợ cho vay của ngân hàng này là cho vay mua nhà (khoảng 81.000 tỉ đồng). Trong đó, tệp khách hàng từ Vingroup đóng vai trò tối quan trọng, thể hiện tăng trưởng dư nợ cho vay mua nhà nói riêng và dư nợ cho vay nói chung của Techcombank phụ thuộc rất nhiều vào tiến độ bán hàng đối với các dự án của Vingroup.

Masan: "Bất ngờ nhận được cục tiền 130 triệu USD"

Công ty CP Tập đoàn Masan của tỉ phú Nguyễn Đăng Quang, cũng là người "thân thiết" với Chủ tịch Techcombank, lại có kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2019 không nhiều nhiều ấn tượng.

Theo đó, doanh thu thuần hợp nhất của Masan giảm nhẹ so với 9 tháng năm 2018, đạt 26.378 tỉ đồng. Tuy nhiên, lãi ròng lại tăng so với năm ngoái, đạt 4.616 tỉ đồng.

masan_nguyendangquang-1556106522-width645height870-crop

Masan của tỉ phú Nguyễn Đăng Quang nhận được 130 triệu USD nhờ Núi Pháo thắng kiện. (Ảnh: MSN).

Động lực tăng trưởng của Masan 9 tháng qua đến từ một khoản thu trị giá lên đến 130 triệu USD nhận được từ thắng vụ kiện tại Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo - doanh nghiệp do Masan sở hữu gián tiếp.

Số tiền trên được tính vào báo cáo tài chính quý III, do đó, dù doanh thu trong kì giảm nhưng lãi ròng quý tăng đột biến gấp 2,6 lần quý III năm ngoái, đạt 2.425 tỉ đồng.

Giải thích về kết quả kinh doanh giảm, Masan cho biết nguyên nhân là  giá vonfram thấp và tồn kho đồng. Ngoài ra, mảng thức ăn chăn nuôi bị ảnh hưởng do dịch tả heo châu Phi, khiến tổng đàn heo Việt Nam giảm 20% khiến lượng tiêu thụ ít hơn.

Ảnh chụp Màn hình 2019-11-01 lúc 10

Kết quả kinh doanh giai đoạn 2015-2019 của Masan. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Masan đang đặt nhiều kì vọng vào mảng kinh doanh thịt mát, theo tính toán, doanh thu thuần cả năm mảng này sẽ lên đến 1.200 tỉ đồng. Các công ty chứng khoán cũng cho rằng trong cơn bão dịch tả châu Phi, Masan sẽ được hưởng lợi từ thịt mát.

Tính đến cuối quý III, tổng tài sản Masan đạt 72.408 tỉ đồng, tăng 12% so với hồi đầu năm.

Thaco: Lợi nhuận thấp nhất trong nhiều năm, rót tỉ USD vào HAGL của bầu Đức

Đến thời điểm này, Công ty CP Ôtô Trường Hải (Thaco) của tỉ phú Trần Bá Dương vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý III/2019. 

Đầu tháng 10, Thaco mới mới công bố báo cáo tài chính bán niên 6 tháng đầu năm, kết quả kinh doanh hợp nhất cũng không nhiều khả quan, thậm chí, lợi nhuận Thaco đạt được đang ở mức thấp kỉ lục trong 5 năm qua.

tranbaduong_diepducminh_aqwe

Nửa đầu năm 2019, Thaco không có kết quả khả quan và đang đẩy mạnh đầu tư trái ngành ở lĩnh vực nông nghiệp. (Ảnh: Zing).

Theo đó, nửa đầu năm, doanh nghiệp của tỉ phú Trần Bá Dương chỉ đạt 26.847 tỉ đồng doanh thu, giảm 3% so với cùng kì. Trong khi đó, chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lí doanh nghiệp đều tăng khiến lợi nhuận ròng giảm gần 40%, chỉ đạt 1.829 tỉ đồng.

Những năm trước đó, kết quả kinh doanh bán niên của Thaco luôn duy trì ở mức khoảng 3.000 tỉ.

Kết quả kinh doanh không nhiều khả quan, hoạt động của Thaco nhận được nhiều sự chú ý trong 9 tháng đầu năm với các khoản đầu tư trái ngành, đặc biệt ở lĩnh vực nông nghiệp và ngày càng thể hiện rõ dấu ấn tại công ty nông nghiệp của bầu Đức (Chủ tịch Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai HAGL - Đoàn Nguyên Đức).

Tháng 9 vừa qua, đánh dấu kỉ niệm 1 năm hợp tác giữa tỉ phú Trần Bá Dương và bầu Đức. Thaco chia sẻ đã rót tổng cộng khoảng 1 tỉ USD cho Hoàng Anh Gia Lai phát triển nông nghiệp, mà trọng tâm là vườn cây ăn trái.

Song song đó, tỉ phú Trần Bá Dương cũng thông qua công ty con Công ty CP Sản xuất, chế biến và phân phối nông nghiệp Thadi (Thadi) vừa thành lập đầu năm nay, lần lượt thâu tóm 3 công ty con chuyên về cao su của bầu Đức, gồm Cao su Đông Dương, Đông Pênh và Cao su Trung Nguyên. 

Ảnh chụp Màn hình 2019-11-02 lúc 10

Kết quả kinh doanh giai đoạn 2015-2019 của Thaco. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Mới nhất, tỉ phú Trần Bá Dương cũng là người mua lại dự án khu phức hợp tại Myanmar của bầu Đức, dự án cuối cùng trong lĩnh vực bất động sản của ông chủ Hoàng Anh Gia Lai.

Thaco đã nắm 26,29% vốn tại HAGL Agrico. Nhóm tỉ phú Trần Bá Dương và các tổ chức liên quan nắm 18,76%. Tính tổng sở hữu của nhóm cổ đông liên quan Chủ tịch THACO Trần Bá Dương đã lên đến 45,05% tại công ty nông nghiệp của bầu Đức. Trong khi đó, nhóm HAGL của bầu Đức tại HAGL Agrico chỉ còn 49,23%. 

Cập nhật mới nhất của Forbes, người giàu nhất Việt Nam là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, có tổng tài sản lên đạt con số 8,1 tỉ USD.

Đứng thứ hai vẫn là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Hãng hàng không Vietjet, với tài sản 2,7 tỉ USD (khoảng 62.000 tỉ đồng).

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn ô tô Trường Hải và ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Ngân hàng Techcombank, cùng xếp thứ 3 trong danh sách tỉ phú của Forbes, với 1,7 tỉ USD. Còn lại là ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan, có tổng tài sản 1,3 tỉ USD.