Vietnam Airlines lãi hơn 1.500 tỉ đồng nhưng vẫn bị Vietjet Air bỏ xa

Dù đã khôi phục mức lợi nhuận hơn 1.500 tỉ đồng nhưng Vietnam Airlines vẫn không thể theo kịp Vietjet Air. Hãng bay của tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đang đẩy mạnh lợi thế giá rẻ để khai thác thị trường trong nước, quốc tế.

Lãi quý III của Vietnam Airlines tăng đột biến lên 1.506 tỉ đồng 

Doanh thu của Vietnam Airlines trong quý III này cán mốc 25.630 tỉ đồng, tăng nhẹ 70 tỉ đồng so với quý cùng kì năm trước. Lũy kế 9 tháng năm 2019, hãng hàng không quốc gia ghi nhận tổng doanh thu đạt 75.746 tỉ đồng.

Trong cơ cấu doanh thu, khoản thu lớn nhất của Vietnam Airlines vẫn là vận tải hàng không, với 20.518 tỉ đồng, chiếm hơn 80%. Số còn lại là thu từ bán hàng, chiếm 13,3% và 5,5% là các dịch vụ phụ trợ. Trừ chi phí, lợi nhuận trước thuế của hãng hàng không quốc gia đạt 1.506 tỉ đồng, tăng gần 264% so với cùng kì năm trước. Hãng giải thích do tổng chi phí giảm gần 270 tỉ đồng, chủ yếu do giá nhiên liệu và chi phí lỗ tỉ giá giảm.

So với quý II, lợi nhuận trước thuế của Vietnam Airline đã tăng hơn 7,3 lần (khoảng 1.300 tỉ. Ở kì báo cáo tài chính trước, hãng hàng không quốc gia chỉ báo mức lợi nhuận trước thuế đạt 206 tỉ đồng. Khi đó, hãng đưa ra lời giải thích do thị trường hàng không đang cạnh tranh khốc liệt, giá nhiên liệu tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm, và biến động tỉ giá của một số đồng tiền chiếm tỉ trọng lớn trong thanh toán so với USD.

Ảnh chụp Màn hình 2019-11-01 lúc 11

Lợi nhuận trong quý III này là mức cao nhất tính từ năm 2015 đến nay của Vietnam Airlines. (Đồ họa: Tất Đạt).

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, Vietnam Airlines ghi nhận lãi trước thuế 3.291 tỉ đồng, hoàn thành 97,9% kế hoạch năm. Đây cũng là mức lãi cao nhất mà hãng hàng không quốc gia đạt được trong 5 năm qua.

Sau khi trừ các nghĩa vụ tài chính, hãng thu về lợi nhuận sau thuế ở mức 1.131 tỉ đồng, tăng 247,5% so với cùng kì năm trước. Con số này đạt được là do ngoài việc công ty mẹ tăng lợi nhuận, còn do các công ty con như Công ty TNHH Dịch vụ Hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS), Công ty TNHH một thành viên Nhiên liệu Hàng không Việt Nam (SKYPEC), Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO)… hoạt động có hiệu quả.

Vietjet Air thu hơn 2.800 tỉ đồng nhờ bán gấu bông, mì gói

Báo cáo tài chính quý III/2019 của hãng hàng không Vietjet Air cũng có nhiều con số đáng chú ý. Trong 3 tháng qua, hãng hàng không của bà Nguyễn Thị Phương Thảo đạt doanh thu 13.577 tỉ đồng, tăng 6,8% so với cùng kì năm trước. Lũy kế từ đầu năm đến quý III, hãng thu về 38.134 tỉ đồng doanh thu.

Vietjet Air công bố có được 7.800 tỉ đồng doanh thu ngoài nước, chiếm đến gần 57,5% tổng doanh thu. Vietjet đã duy trì sự tăng trưởng cao trong việc mở rộng các thị trường mới, đặc biệt ở các tuyến quốc tế.

Đến cuối quý III, tổng số đường bay hãng hàng không của tỉ phú Phương Thảo đạt được là 127 đường, tăng 24 đường, trong đó chủ yếu là các đường bay quốc tế, với 34.000 chuyến an toàn, chuyên chở hơn 6 triệu lượt khách hàng bay đến các điểm trong nước và phủ khắp khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Ngoài ra, trong cơ cấu doanh thu của Vietjet Air tiếp tục ghi nhận mức đóng góp lớn của doanh thu phụ trợ ,với 2.804 tỉ đồng, chiếm gần 20,7%. Hãng cho biết theo mô hình phát triển bền vững của các hãng hàng không chi phí thấp (LCC), doanh thu phụ trợ như bán gấu bông, mì gói… là một yếu tố quan trọng quyết định sự thành công, vì tỉ suất lợi nhuận đạt trên 90%. 

Theo báo cáo CarTrawler YearBook năm 2019, Vietjet đang đứng top 12 của thế giới về tỉ lệ doanh thu phụ trợ trong tổng doanh thu.

Ảnh chụp Màn hình 2019-11-01 lúc 11

Doanh thu phụ trợ từ bán gấu bông, mì gói... của Vietjet Air ngày càng tăng. (Đồ họa: Tất Đạt).

Với khả năng quản lí chi phí tốt và tỉ lệ lấp đầy luôn đạt mức 88%, lợi nhuận trước thuế của hãng ghi nhận ở mức 1.912 tỉ đồng, tăng gần 11,9% so với cùng kì năm trước. Hãng có được khoản lợi nhuận sau thuế là 1.699 tỉ đồng.

Vietjet Air tiếp tục "bỏ xa" Vietnam Airlines 

Như vậy, dù đã phục hồi mức lợi nhuận lên con số nghìn tỉ đồng, nhưng Vietnam Airlines vẫn "dưới kèo" Vietjet Air. Trong quý III, hãng hàng không của tỉ phú Phương Thảo đã vượt hãng hàng không quốc gia 1,3 lần về lợi nhuận trước thuế. Con số này trong quý II là hơn 3,6 lần.

9 tháng đầu năm nay, hãng hàng không quốc gia đã nhận thêm 2 tàu Boeing 787-10, 10 tàu A321 NEO, đồng thời mở mới nhiều đường bay nội địa, quốc tế góp phần gia tăng doanh thu và lợi nhuận.

Vietnam Airlines cho biết đang tăng cường hợp tác với các hãng thế giới như Delta Airlines, China Airlines để bay nối chuyến đi Mỹ, làm tiền đề phát triển các sản phẩm kết nối trực tiếp Việt Nam - Mỹ. Hiện hãng này nắm 51,7% thị phần vận chuyển hàng khách nội địa.

Ảnh chụp Màn hình 2019-11-01 lúc 11

Dù phục hồi lợi nhuận nghìn tỉ, nhưng Vietnam Airlines vẫn "dưới kèo" Vietjet Air. (Đồ họa: Tất Đạt).

Không thua kém, Vietjet đã bổ sung vào đội bay của mình các mẫu Airbus thế hệ mới A321neo ACF (Airbus Cabin Flex) 240 ghế đầu tiên trên thế giới. Hãng cho biết tàu bay này giúp giảm tiêu thụ nhiên liệu tối thiểu 16%, tiết giảm tiếng ồn tới 75% và lượng khí thải ra môi trường tới 50%. 

Ngoài ra, Vietjet đạt xếp hạng BBB, tiếp tục nằm trong top 50 các hãng hàng không thế giới, do tổ chức AirFinance Journal công bố. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Vietjet có tên trong bảng xếp hạng cùng với các hãng hàng không uy tín như Ryanair, Spirit Airlines, Japan Airlines, Air Canada, British Airways, Southwest Airlines...

Theo báo cáo xếp hạng, chỉ số biên lợi nhuận trước thuế, lãi vay, khấu hao và chi phí thuê (EBITDAR) của Vietjet được đánh giá cao, đạt mức xếp hạng A và ở vị trí top 3 so với các hãng khác trên thế giới. 

Ngoài ra, độ tuổi bình quân đội tàu bay của Vietjet là 2,9 năm, đạt mức AAA theo đánh giá của AirFinance, dẫn đầu trong bảng xếp hạng các hãng thế giới.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.