Vietjet Air xin tự lo dịch vụ mặt đất tại Nội Bài và Cam Ranh

Vietjet Air xin được tự phục vụ mặt đất các chuyến bay của hãng này tại Nội Bài và Cam Ranh, khiến cho 2 công ty phục vụ mặt đất Hà Nội và Sài Gòn có văn bản ‘than’ với Cục Hàng không.
 - Ảnh 1.

Máy bay Vietjet đang sử dụng dịch vụ xe kéo của Công ty Cổ phần Phục vụ mặt đất Hà Nội (HGS) tại sân bay Nội Bài. (Ảnh: TUẤN PHÙNG)

Mới đây, Vietjet Air có văn bản xin phép Cục hàng không cho hãng này được triển khai tự phục vụ mặt đất tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Cam Ranh từ 1/1/2020.

Theo Vietjet, hiện nay tại Nội Bài, hãng này đang khai thác 18 máy bay với 15 đường bay trong nước, 16 đường bay quốc tế với trung bình 150 chuyến bay/ngày. Số lượng máy bay và chuyến bay sẽ còn tăng trong thời gian tới.

Do đó, Vietjet xin được tự phục vụ mặt đất cho các công đoạn chuẩn bị chuyến bay, như một số hãng khác thay vì thuê các đơn vị dịch vụ mặt đất. 

Phía Vietjet giải thích rằng việc này nhằm tăng tính chủ động, tăng năng lực phục vụ theo kế hoạch, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ hành khách và uy tín của ngành hàng không Việt Nam tại sân bay Nội Bài.

"Hãng tự phục vụ sẽ tránh được tình trạng máy bay hạ cánh, nhưng xe thang của đơn vị phục vụ mặt đất bận phục vụ máy bay hãng khác khiến khách phải ngồi chờ trên máy bay.

Ngoài ra, nhân viên làm các công đoạn chuẩn bị chuyến bay là quân số cơ hữu của hãng sẽ có trách nhiệm vì thương hiệu của mình hơn…" - một lãnh đạo Vietjet nêu thêm lí do với Tuổi Trẻ Online.

Sau khi Vietjet có đề xuất trên, Công ty Cổ phần Phục vụ mặt đất Hà Nội (HGS) và Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) cùng có báo cáo lên Cục Hàng không với nội dung khá giống nhau.

Theo đó, tại Nội Bài, trong 6 tháng đầu năm 2019, HGS phục vụ hơn 10.000 chuyến bay cho Vietjet, chiếm tỉ lệ 62,3% trong tổng sản lượng chuyến bay phục vụ cho tất cả khách hàng của HGS, mang về 28% tổng doanh thu phục vụ mặt đất của HGS trong 6 tháng đầu năm 2019.

Hiện tại HGS đang phân công 400-450 nhân viên chuyên phục vụ cho Vietjet, chiếm khoảng 48% nguồn nhân lực của HGS và phần lớn các trang thiết bị cũng được dùng để phục vụ hãng bay này.

 - Ảnh 2.

Cần rất nhiều phương tiện, thiết bị cung cấp các dịch vụ mặt đất để phục vụ chuyến bay. (Ảnh: TUẤN PHÙNG).

Nếu không phục vụ cho Vietjet nữa, ngoài doanh thu và lợi nhuận sụt giảm, HGS cho rằng hãng sẽ phải cắt giảm nhân lực, dôi dư thiết bị...

Tương tự, Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) cũng bày tỏ lo ngại khi Vietjet có kế hoạch tự phục vụ mặt đất tại Cảng hàng không Cam Ranh.

Theo lãnh đạo SAGS, các chuyến bay của Vietjet chiếm 70% sản lượng, chiếm 37% doanh thu phục vụ mặt đất của công ty tại sân bay này trong 6 tháng đầu năm 2019.

HIện có 240 nhân viên trong tổng số hơn 400 nhân sự phục vụ cho Vietjet tại Cam Ranh, chiếm khoảng 60% nguồn nhân lực của SAGS..., vì thế nếu Vietjet tự phục vụ, SAGS dự báo doanh thu và lợi nhuận giảm, sẽ phải cắt giảm 50% nhân sự...

Sau khi trình bày, một số tác động tiêu cực khá giống nhau, cả lãnh đạo HSG và SAGS đều "kính nhờ lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam xem xét và có ý kiến chỉ đạo".

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.