Hai "ông lớn" trong lĩnh vực vận tải hàng không là Vietnam Airlines và Vietjet Air đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2019. Đáng chú ý, trong quý II, kết quả kinh doanh của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines sụt giảm nghiêm trọng, tạo điều kiện cho Vietjet tiếp tục bỏ xa khoảng cách chênh lệch về thị phần, lợi nhuận thu được.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019 của Vietjet, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của trong quý của hãng đạt 12.644 tỉ đồng, tăng trưởng đến 46% so với cùng kì năm ngoái.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Vietjet đạt 2.397 tỉ, tăng 11% so với cùng kì. (Ảnh: Tuổi Trẻ).
Doanh thu từ hoạt động tài chính cũng tăng gấp 4 lần, đạt 142 tỉ đồng. Ngoài ra, năm ngoái, nguồn thu nhập khác của Vietjet không đáng kể, chưa đến 1 tỉ đồng thì năm nay con số này đã lên thành 19 tỉ đồng. Các chi phí khác của hãng bay này cũng tăng không nhiều, trừ chi phí bán hàng tăng mạnh từ 153 tỉ của cùng kì năm ngoái lên 282 tỉ đồng.
Kết quả, lợi nhuận kế toán trước thuế quý II của Vietjet đạt 750 tỉ đồng. Cùng kì năm ngoái, hãng hàng không của tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo có lợi nhuận trước thuế 678 tỉ đồng. Như vậy, quý II/2019, lợi nhuận của Vietjet đã tăng 372 tỉ, tương ứng mức tăng 55%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Vietjet đạt 26.301 tỉ đồng. Lợi nhuận trước thuế 2.397 tỉ, cùng kì năm ngoái là 2.159 tỉ đồng. Sau khi trừ thu nhập thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi nhuận sau thuế lũy kế 6 tháng đầu năm của Vietjet đạt 2.084 tỉ đồng, tăng nhẹ 4% so với cùng kì năm ngoái.
Trái ngược với tình hình kinh doanh khả quan của Vietjet, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines lại có kết quả kinh doanh không được thuận lợi trong quý II.
Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vietnam Airlines trong quý đạt 24.140 tỉ đồng, tăng 4% so với cùng kì. Tuy nhiên, chi phí quản lí doanh nghiệp lại tăng mạnh, tăng gần 100 tỉ so với cùng kì, ở mức 683 tỉ đồng.
Lợi nhuận của Vietjet thường xuyên dẫn trước Vietnam Airlines. (Đồ hoạ: Phúc Minh).
Kết quả, tổng lợi nhuận kế toán trước thuế của Vietnam Airlines chỉ đạt 207 tỉ đồng, giảm một nửa so với cùng kì. Quý II/2018, lợi nhuận trước thuế của Vietnam Airlines đạt đến 426 tỉ đồng.
Với kết quả kinh doanh này, lợi nhuận trước thuế quý II/2019 của Vietnam Airlines thấp rất nhiều so với Vietjet Air.
Đáng chú ý, trong công bố trước đó về tình hình kinh doanh quý II, Vietnam Airlines ước tính lợi nhuận trước thuế trong quý chỉ đạt 71 tỉ đồng, thấp hơn nhiều so với con số báo cáo tài chính hợp nhất bán niên vừa công bố. Vì vậy, nếu so với con số ước tính cũ, lợi nhuận trước thuế của Vietjet Air trong quý II sẽ cao gấp 10 lần của Vietnam Airlines.
Lãi quý II giảm mạnh, nhưng lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Vietnam Airlines vẫn đạt 1.786 tỉ, chủ yếu nhờ khoản lãi quý I "gánh giúp".
Giải trình về kết quả kinh doanh "èo uột" trong quý II, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết nguyên nhân là thu tài chính từ hoạt động đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của công ty mẹ tăng gần 150 tỉ so với cùng kì nên khi hợp nhất, lợi nhuận giảm tương ứng.
Báo cáo tình hình kinh doanh nửa đầu năm 2019, đại diện Vietjet cho biết hãng đang nắm 44% thị phần vận chuyển hành khách nội địa.
6 tháng đầu năm, Vietjet Air thực hiện hơn 68.800 chuyến bay, tương đương với 45% trong tổng số chuyến bay thực hiện của các hãng hàng không nội địa, phục vụ chuyên chở cho 13,5 triệu lượt khách hàng trên toàn mạng bay.
Sau khi giữ phần lớn thị phần nội địa, Vietnam Airlines và Vietjet sẽ tranh nhau ở thị trường vận chuyển hành khách quốc tế. (Ảnh: Tuổi Trẻ).
Với con số này, Vietjet đang dẫn đầu về thị phần vận chuyển hàng không nội địa và vẫn đang vượt mặt Vietnam Airlines. Sau một thời gian dài liên tục tăng trưởng về thị phần nội địa, năm 2017, Vietjet bắt đầu tiệm cận con số thị phần của hãng hàng không quốc gia, và chính thức vượt mặt vào năm ngoái 2018.
Theo báo cáo của Cục Hàng không, Vietnam Airlines đang tạm thời xếp vị trí thứ hai về thị phần nội địa sau Vietjet, với tỉ lệ 35,9%.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Bamboo Airways vừa cất cánh hồi đầu năm 2019, và thị trường sẽ tiếp tục có nhiều tay chơi, cả Vietnam Airlines và Vietjet đang nhắm đến một hướng đi khác, là thị trường quốc tế.
Điều này đã được Vietjet xác nhận. Theo hãng, thị trường quốc tế đang có dư địa lớn để phát triển, biên lợi nhuận tốt nhờ doanh thu phụ trợ và lợi thế chi phí nhiên liệu thấp, đồng thời gia tăng nguồn ngoại tệ.
Thực tế, thời gian qua, doanh thu từ dịch vụ phụ trợ của Vietjet liên tục tăng. Chỉ riêng quý II, doanh thu từ khoản này của Vietjet đã đạt 2.812 tỉ, tăng đến 830 tỉ đồng so với cùng kì năm ngoái.
Vietjet đang dẫn đầu về thị phần nội địa, hiện tính toán tăng cường ở thị trường quốc tế. (Đồ hoạ: Phúc Minh).
Mạng đường bay quốc tế của Vietjet phủ khắp các điểm đến như Nhật Bản, Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Campuchia, Trung Quốc…
Theo dự báo của MBS:"Thị trường hành khách quốc tế sẽ tăng trưởng CAGR 11,4%/năm cho giai đoạn 2018-2025, động lực tăng trưởng từ thị trường du lịch đi và đến Việt Nam. Du lịch Việt Nam ngày càng được biết đến nhiều hơn trên thế giới, thể hiện qua sự gia tăng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam".
Với định hướng chuyển sang thị trường quốc tế, MSB cũng đánh giá Vietnam Airlines có nhiều lợi thế với thương hiệu hãng hàng không quốc gia, là thành viên của liên minh hàng không lớn thứ hai thế giới với 20 thành viên. Vì vậy, việc đẩy mạnh các mạng bay quốc tế của Vietnam Airlines được dự báo sẽ rộng mở hơn so với các hãng bay khác.
Kinh doanh 15:59 | 15/05/2020
Kinh doanh 18:08 | 07/05/2020
Kinh doanh 05:30 | 28/04/2020
Kinh doanh 20:26 | 27/04/2020
Kinh doanh 06:38 | 19/04/2020
Kinh doanh 06:39 | 18/04/2020
Kinh doanh 00:14 | 10/04/2020
Kinh doanh 18:09 | 22/03/2020