Doanh nghiệp địa ốc TP HCM 'than' mất cơ hội vì vướng thủ tục hành chính

Nhiều doanh nghiệp BĐS ở TP HCM cho rằng, những vấn đề liên quan đến pháp lí, chậm trễ trong việc cấp phép xây dựng, qui định giữa các luật đang có những chồng chéo... chính là nguyên nhân khiến cho doanh nghiệp khó khăn trong việc thực hiện các dự án.

Đó là thông tin mà các doanh nghiệp địa ốc nêu ra tại Hội nghị "Đối thoại với doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng, cấp phép xây dựng, phát triển dự án bất động sản", do Sở Xây dựng TP HCM phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC) tổ chức mới đây tại TP HCM.

Đây là chương trình đối thoại thường niên giữa chính quyền Thành phố với doanh nghiệp do UBND TP HCM thực hiện từ nhiều năm nay nhằm tháo gỡ vướng mắc, góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Doanh nghiệp địa ốc TP HCM 'than' mất cơ hội vì vướng thủ tục hành chính - Ảnh 1.

Chính quyền TP HCM gặp gỡ các doanh nghiệp BĐS để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.


Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp cho biết, thủ tục thực hiện một dự án phải qua 5 bước tiêu tốn mất 4-5 năm. Chính sự trì trệ về thủ tục đã làm mất cơ hội của doanh nghiệp. Nếu như vẫn cứ tái diễn, chính quyền thành phố đồng ý rồi nhưng lại hồi tố sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Đại diện Công ty CP Đầu tư Phát triển Phúc Đạt cho biết, hiện công ty đã nộp hồ sơ xin giấy phép xây dựng dự án nhưng vướng vấn đề điều chỉnh qui hoạch 1/2000 bởi Sở Qui hoạch – Kiến trúc, do đó dự án không thực hiện được, điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của đơn vị.

Về vấn đề này, ông Lê Trần Kiên - Phó giám đốc Sở Xây dựng cho hay, qui trình cấp, cấp lại, điều chỉnh và gia hạn Giấy phép xây dựng được qui định tại Điều 102, Luật xây dựng 2014, không có qui định về qui trình và thời gian cập nhật điều chỉnh qui hoạch 1/2000 (qui hoạch phân khu). Việc qui hoạch này để làm cơ sở triển khai qui hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500.

Đại diện Công ty Gree Air Conditioner hỏi về các thủ tục pháp liên quan đến qui định, mật độ xây dựng dân dụng nhà ở, khoảng lùi ở phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức.

Ông Tống Đức Tiến, Trưởng phòng cấp phép xây dựng, Sở Xây dựng trả lời: “Các qui định về mật độ xây dựng, khoảng lùi, chỉ giới xây dựng công trình trên lô đất, số tầng, chiều cao, hệ số sử dụng đất… được xác định cụ thể tại các đồ án qui hoạch chi tiết 1/500 hoặc qui chế quản qui hoạch, kiến trúc đô thị, thiết kế đô thị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, làm cơ sở để lập, triển khai thực hiện dự án đầu tư và cấp Giấy phép xây dựng đúng qui định hiện hành”.

Doanh nghiệp địa ốc TP HCM 'than' mất cơ hội vì vướng thủ tục hành chính - Ảnh 2.

Đại diện Công ty CP XD địa ốc Xanh mong muốn chính quyền hỗ trợ cho cách doanh nghiệp tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn để phát triển.

Trong khi đó, đại diện Công ty CP Xây dựng địa ốc Xanh lo lắng khi thị trường có xu thế bị sụt giảm mạnh. Vị này cho rằng, khó khăn lớn nhất của thị trường BĐS hiện nay là nhiều dự án nhà ở bị “ách tắc, đứng hình” dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung dự án, sản phẩm.

“Thông qua báo chí, tôi được biết Hiệp hội BĐS TP HCM vừa có báo cáo gửi đến cơ quan chức năng. Đáng chú ý, 9 tháng nay thị trường bất động sản TP HCM chỉ có thêm 1 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư. Tôi còn nghe một số Tập đoàn tuyên bố nếu không tháo gỡ những khó khăn được thì Tết này mệt lắm”, đại diện đại diện Công ty CP Xây dựng địa ốc Xanh chia sẻ và mong muốn Sở Xây dựng và UBND TP hỗ trợ cho cách doanh nghiệp tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn để phát triển.

Ông Lê Trần Kiên, Phó giám đốc Sở Xây dựng cho hay, về khó khăn, vướng mắc chung của thị trường bất động sản ở TP HCM đã được Hiệp hội BĐS tập hợp và báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Xây dựng. Về thủ tục khó khăn của các doanh nghiệp thì UBND đã tổ chức rất nhiều buổi họp, lắng nghe các đơn vị có liên quan để rà soát các trình tự, qui định của pháp luật.

Tuy nhiên, các qui định của pháp luật có nhiều vấn đề khác nhau. UBND TP cũng đã có thông báo gửi cho Hiệp hội Bất động sản TP HCM. Trong thông báo này, UBND TP đã định hướng cho các sở ngành nghiên cứu để làm cơ sở tập hợp báo cáo cho UBND, để UB TP có kết luận về trình tự thủ tục, gỡ vướng mắc các doanh nghiệp bất động sản.

Trước đó, Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam Long, cho biết, qui định giữa các luật đang có những chồng chéo khiến cho doanh nghiệp khó khăn trong việc thực thi. Các dự án đang ngưng trệ là nguyên nhân khiến cho nguồn cung ra thị trường ít ỏi, giá đất cao đã đẩy các nhà đầu tư ra khỏi thành phố đến các tỉnh xa để tìm kiếm cơ hội hoạt động.

"Hiện, tăng trưởng kinh doanh của các doanh nghiệp rất thấp, thậm chí có doanh nghiệp rơi vào cảnh tăng trưởng âm. Đó là tình hình chung", ông Quang cho hay.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.