Doanh nghiệp e ngại thẩm định đất đấu giá vì sợ rủi ro pháp luật, Hà Nội muốn áp khung nhà nước

Theo UBND TP Hà Nội, hiện nay, các công ty tư vấn thẩm định giá e ngại hoặc từ chối tham gia xác định giá đất khởi điểm để đấu giá vì sợ rủi ro liên quan đến pháp luật. Đây là một trong những lý do khiến công tác đấu giá đất trên địa bàn bị chậm so với kế hoạch.

Doanh nghiệp e ngại, từ chối tham gia thẩm định giá vì sợ rủi ro

Cuối tháng 6, đầu tháng 7 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có các báo cáo, báo cáo bổ sung, giải trình gửi HĐND TP Hà Nội liên quan đến công tác đấu giá đất trên địa bàn 6 tháng đầu năm.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, UBND các quận, huyện, thị xã và Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại 33 dự án với tổng diện tích khoảng 5,87 ha (là diện tích đất ở, không bao gồm đất xây dựng hạ tầng), tổng số tiền trúng đấu giá khoảng 1.955,95 tỷ đồng. 

Thành phố đã thu được khoảng 3.106 tỷ đồng từ đấu giá đất (đạt khoảng 25% chỉ tiêu thu ngân sách 2022 từ đấu giá quyền sử dụng đất). Trong đó, số thu từ năm 2021 chuyển sang là 1.991 tỷ đồng, thu năm 2022 là 1.115 tỷ đồng (theo số liệu báo cáo của Cục Thuế TP Hà Nội).

UBND TP Hà Nội đánh giá, kết quả thực hiện này đạt thấp so với chỉ tiêu đề ra, trong đó có 13 quận, huyện, thị xã (gồm: Đan Phượng, Hoài Đức, Hoàng Mai, Sơn Tây, Cầu Giấy, Hà Đông, Tây Hồ, Thạch Thất, Thanh Oai, Long Biên, Gia Lâm, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm) chưa tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trong 6 tháng đầu năm 2022.

 Ảnh tư liệu minh họa: Hạ Vũ.

Giải trình về những nguyên nhân khách quan để xảy ra tình trạng này, UBND TP Hà Nội cho biết, trước hết là do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong ba tháng đầu năm trên địa bàn thành phố (phải thực hiện biện pháp cách ly xà hội phần lớn thời gian) dẫn đến mọi hoạt động xã hội bị đình chệ, công tác đấu giá quyền sử dụng đất tại các địa phương của thành phố Hà Nội cùng không tổ chức thực hiện được.

“Ba tháng tiếp theo của quý II năm 2022, các hoạt động xã hội dân trở lại bình thường. Tuy nhiên việc Chính phủ thực hiện các biện pháp siết chặt tài chính, tín dụng đối với thị trường bất động sản làm cho thị trường trầm lắng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến kết quả thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố đạt thấp, trong đó có 13 quận, huyện, thị xã chưa tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trong 6 tháng đầu năm 2022,” văn bản của UBND TP nêu.

Bên cạnh đó, Chính phủ ban hành một số quy định mới liên quan đến việc thu tiền trúng đấu giá, hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở để bán, bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội…

Việc thực hiện các quy định mới của Chính phủ dẫn đến UBND TP phải rà soát, ban hành điều chỉnh một số quy định của thành phố đảm bảo phù hợp với các quy định của trung ương và thực tế thành phố; nhiều dự án phải điều chỉnh quy hoạch xây dựng để bố trí quỹ đất nhà ở xã hội, thực hiện bổ sung thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh quyết định giao đất theo chủ trương đầu tư và quy hoạch xây dựng điều chỉnh…

Ngoài ra, theo UBND TP Hà Nội, hiện nay, các công ty tư vấn thẩm định giá e ngại hoặc từ chối tham gia xác định giá đất (khởi điểm) vì sợ rủi ro liên quan đến pháp luật.

Phương pháp xác định giá cụ thể (giá khởi điểm đấu giá) phải thu thập thông tin nhiều tài sản so sánh trong khi thị trường bất động sản còn thiếu minh bạch, nhiều khu vực không có giao dịch dẫn đến thông tin về tài sản so sánh không chính xác; việc điều chỉnh sự khác biệt giữa tài sản so sánh, nhiều chỉ tiêu tính toán chi phí phát triển chưa được hướng dẫn chi tiết cụ thể…

Kiến nghị trung ương cho áp hệ số K để tính giá khởi điểm

Theo UBND TP Hà Nội, hiện cơ quan này đã phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của 30 quận, huyện, thị xã với 634 dự án (mục đích sử dụng đất để đấu giá quyền sử dụng đất) có tổng diện tích khoảng 1.561,42 ha (trong đó 13 quận, huyện nêu trên có 241 dự án với tông diện tích khoảng 644,37 ha) làm căn cứ thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt băng chuẩn bị quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất năm 2022 và các năm tiếp theo.

Hiện nay trên địa bàn thành phố có 143 dự án/khu đất với tổng diện tích khoảng 87,6 ha (trong đó 13 quận, huyện nêu trên có 50 dụ án với tổng diện tích khoảng 55,35 ha), đã được UBND TP quyết định giao đất, đang thực hiện thiêt lập hồ sơ, chuẩn bị điều kiện để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất.

UBND TP Hà Nội cũng cho biết sẽ thực hiện nhiều giải pháp để hoàn thành kế hoạch đấu giá đất năm nay. Trong đó, thành phố sẽ tăng cường công khai niêm yết, thông báo việc đấu giá tài sản; hồ sơ, cách thức đăng ký tham gia đâu giá và khuyến khích tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo hình thức trực tuyến; thành phố ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định điều chỉnh tăng hệ số điều chỉnh giá làm cơ sở xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp thửa đất hoặc khu đất đấu giá có giá trị (tính theo giá đất trong bảng giá đất) dưới 30 tỷ đồng thuộc đô thị, đầu mối giao thông, khu dân cư tập trung có lợi thế, khả năng sinh lợi.

Tại văn bản gửi HĐND TP Hà Nội ngày 20/6 liên quan đến vấn đề này, UBND TP Hà Nội đề xuất hoàn chỉnh các nội dung để kiến nghị với trung ương một số vấn đề. Trong đó, có đề xuất cho phép UBND TP áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất (K) để xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sự dụng đất (không phải thuê đơn vị tư vấn xác định giá đất cụ thể). 

chọn
D2D ước lãi thêm 800 tỷ từ dự án Lộc An
Năm 2024 - 2029, D2D sẽ thực hiện tiếp giai đoạn 2 khu dân cư Lộc An với tổng mức đầu tư gần 1.116 tỷ đồng. Tổng doanh thu dự kiến trong giai đoạn 2 là hơn 2.181 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 795 tỷ đồng.