Doanh nghiệp săm lốp phát tín hiệu phục hồi

Báo cáo kết quả kinh doanh quí III của các doanh nghiệp săm lốp cho thấy kết quả khả quan bất chấp những khó khăn chung của nền kinh tế gây ra bởi đại dịch Covid-19.

Dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020 và đến nay vẫn còn diễn biến phức tạp, đem lại nhiều tác động tiêu cực lên nền kinh tế. Mặc dù vậy, trong ngắn hạn vẫn có một số lĩnh vực cho thấy đã hưởng lợi nhờ giá nguyên liệu sụt giảm mạnh.

Trong quí III, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới khiến nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ và cao su thiên nhiên có sự phục hồi nhưng chưa trở lại mức tăng trưởng so với đầu năm.

Giá dầu giảm khiến giá cao su thiên nhiên và cao su tổng hợp giảm, hai nguyên liệu đầu vào chính cho sản phẩm săm lốp. Báo cáo kết quả kinh doanh quí III/2020 của 3 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất săm lốp trong nước bao gồm CTCP Cao Su Sao Vàng (Mã: SRC), CTCP Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina - Mã: CSM) và CTCP Cao su Đà Nẵng (Mã: DRC) đều cho thấy những kết quả kinh doanh khả quan trong 9 tháng đầu năm.

Các doanh nghiệp săm lốp bứt tốc trước thời cơ phục hồi - Ảnh 1.

Giá dầu lao dốc từ đầu năm 2020 đến cuối tháng 4, sau đó đã hồi phục trở lại nhưng chưa thể quay lại mức tăng trưởng so với cùng kì tháng 9/2019. (Nguồn: Tradingview).

Cao su Sao Vàng ghi nhận lãi đột biến gấp 3 lần

Với CTCP Cao su Sao Vàng (Mã: SRC), tính riêng quí III đã báo doanh thu thuần đạt 242 tỉ đồng, tăng nhẹ 4% so với cùng kì năm 2019 nhưng lãi sau thuế của công ty ghi nhận đột biến gấp 3 lần lên gần 20 tỉ đồng.

Theo lãnh đạo công ty, giá vốn ổn định trong kì góp phần giúp công ty đạt mức lợi nhuận cao. Báo cáo cũng cho thấy, biên lợi nhuận gộp của công ty đã tăng lên mức 21,9% so với mức 19,8% của cùng kì năm trước do chi phí giá vốn chỉ tăng 1,79% so với mức 4% của doanh thu. Ngoài ra, công ty cũng đã cắt giảm chi phí bán hàng hơn 11 tỉ đồng so với cùng kì.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, công ty đạt 642 tỉ đồng doanh thu thuần, giảm 9% nhưng lãi sau thuế lại gấp hơn 2 lần so với cùng kì 2019 lên gần 45 tỉ đồng. Sau 9 tháng, doanh nghiệp đã thực hiện được 70% kế hoạch doanh thu và vượt 168% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Tại ngày 30/9, tổng tài sản của Cao su Sao Vàng đạt 938 tỉ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Khoản phải thu và tồn kho chiếm gần nửa tài sản. Khoản tiền, tương đương tiền hết quí III đạt 109 tỉ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Tổng nợ đi vay của Cao su Sao Vàng tại ngày 30/9 là 242 tỉ đồng.

Các doanh nghiệp săm lốp bứt tốc trước thời cơ phục hồi - Ảnh 3.

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính quí III của các doanh nghiệp.

Hoạt động kinh doanh cốt lõi Casumina cải thiện mạnh, tập trung đầu tư sản phẩm lốp TBR

Cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực, CTCP Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina – Mã: CSM), công ty chuyên về săm lốp ô tô, xe máy, xe đạp ghi nhận doanh thu quí III đạt 1.275 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế là 28,6 tỉ đồng, lần lượt tăng trưởng 9,4% và 177,7% so với cùng kì năm trước. 

Báo cáo cho thấy, biên lợi nhuận gộp tăng mạnh từ 17,3% lên 43,7% do công ty đẩy mạnh bán hàng nhưng giá vốn hàng bán tương đương với cùng kì năm trước.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, CSM ghi nhận doanh thu đạt 3.465 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế là 60,4 tỉ đồng, lần lượt tăng trưởng 14% và 224,7% so với cùng kì năm 2019. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm doanh nghiệp hoàn thành được 69% và 50,3% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế.

Các doanh nghiệp cao su bức tốc trước thời cơ phục hồi - Ảnh 3.

Trụ sở chính của Casumina tại 180 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 6, Quận 3, TP HCM. (Ảnh: Minh Hằng).

Tính tới 30/09, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 4.086,1 tỉ đồng, tăng 7,1% so với ghi nhận đầu năm. Trong đó, tài sản cố định đạt 1.498,3 tỉ đồng, chiếm 36,7% tổng tài sản; tồn kho là 1.039,7 tỉ đồng, chiếm 25,4%; các khoản phải thu ngắn hạn là 976,1 tỉ đồng, chiếm 23,9% tổng tài sản.

Trong năm 2020, công ty sẽ thực hiện đầu tư lốp TBR nâng công suất lên 600.000 chiếc/năm, tập trung cải tiến chất lượng lốp xe máy Tubeless, lốp Radial toàn thép, Radial bán thép đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

DRC gặp khó vì Covid-19 tại Đà Nẵng

Ở diễn biến khác, CTCP Cao su Đà Nẵng (Mã: DRC), doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh về các sản phẩm lốp ô tô (lốp Bias và lốp Radial cho xe thương mại), ghi nhận doanh thu thuần quí III/2020 giảm xuống mức 947 tỉ đồng, giảm 2% so với cùng kì quí III/2019; lợi nhuận sau thuế giảm 24% từ 82 tỉ đồng xuống 62 tỉ đồng.

Hàng tồn kho giảm 16% so với cùng kì, đây là mức hàng tồn kho thấp nhất tính từ quí 4/2017. Trong khi đó, tổng dư nợ vay của DRC chỉ còn chiếm 11,6% tổng nguồn vốn so với con số 30% cùng kì năm ngoái.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Cao su Đà Nẵng ghi nhận doanh thu thuần giảm đi 352 tỉ đồng còn 2.539 tỉ đồng, giảm 12% so với cùng kì năm 2019; lợi nhuận sau thuế giảm 14%, ghi nhận 147 tỉ đồng.

Tuy nhiên, theo CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), diễn biến này chỉ là ngắn hạn. VCSC nhận định, mức giảm trong lợi nhuận của DRC của chủ yếu đến từ chi phí cao hơn do đóng cửa nhà máy trong quí 3/2020 vì dịch Covid-19 xuất hiện trở lại tại Đà Nẵng và biên lợi nhuận thấp hơn trong mảng xuất khẩu từ thị trường cạnh tranh gay gắt.

Các doanh nghiệp cao su bức tốc trước thời cơ phục hồi - Ảnh 4.

DRC đang đối mặt với cạnh tranh từ sản phẩm Trung Quốc tại thị trường Việt Nam. (Ảnh: DRC).

Dẫu có nhiều khó khăn, DRC đang cho thấy sự phục hồi sản lượng bán tại thị trường trong nước lẫn xuất khẩu.

Sau giai đoạn chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 từ giữa tháng 5, sản lượng lốp radial/bias trong quí II chỉ còn giảm 19% so với con số giảm 23% cùng kì. Quí III ghi nhận doanh thu quí chỉ còn giảm nhẹ 2,5% cho thấy sản lượng bán đã gần như quay về mức ghi nhận trong quí 3/2019 trong bối cảnh giá bán giảm do cạnh tranh gia tăng tại các thị trường xuất khẩu.

Trong nghị quyết Đại hội đồng cổ đông giữa tháng 6/2020, lãnh đạo DRC cho biết công ty đã tận dụng được cơ hội chiến tranh thương mại Mỹ - Trung để sản xuất và phát triển sản phẩm phục vụ thị trường Mỹ, có giá bán cao hơn 4-7% so với các thị trường khác. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu của DRC chỉ duy trì được khoảng 30 – 40% sản lượng tiêu thụ do thị trường Mỹ và Brazil còn lấy hàng ít.

Năm 2020, công ty sẽ triển khai các sản phẩm mới là lốp TBR, TBB cho thị trường Mỹ và Brazil, triển khai qui trình sản suất lốp LTR và sản xuất đại trả cung cấp cho thị trường. Vải 840D/2-90 cũng sẽ đưa vào sử dụng sản xuất lốp xe máy giúp giảm giá thành của sản phẩm.

Tại ngày 30/9/2020, tổng tài sản của DRC ở mức 2.275 tỉ đồng, giảm 16% so với hồi đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho và các khoản phải thu ngắn hạn chiếm 42,2% tổng tài sản. Tổng nợ đi vay là 264 tỉ đồng, chiếm 12% tổng nguồn vốn.

Triển vọng ngành và cơ hội M&A 

Theo VCSC, thị trường lốp ô tô vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng. Dự báo tiêu thụ xe ô tô tại Việt Nam sẽ tăng trưởng 22,6%/năm trong giai đoạn 2018 - 2025.

Dự báo của TechSci Research cho biết, khi chất lượng hệ thống giao thông đường bộ Việt Nam đang ngày được cải thiện, những ưu thế của lốp Radial so với lốp Bias sẽ ngày càng rõ nét, tạo điều kiện tăng trưởng trong dài hạn cho các doanh nghiệp săm lốp có nhà máy sản xuất Radial.

Theo lãnh đạo Casumina, một trong những yếu tố làm bàn đạp cho sự phát triển của ngành săm lốp là hiệp định EVFTA có hiệu lực, mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu cho hàng Việt vào thị trường khó tính này.

Mặc dù vậy, thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu cũng đang đứng trước sức ép cạnh tranh. Việc các nhà sản xuất lốp Trung Quốc đang dịch chuyển sản xuất sang các quốc gia ASEAN trong đó có Việt Nam; thị trường săm lốp giá rẻ như Vanlock và Sobec sẽ là một trong những yếu tố khiến các doanh nghiệp săm lốp Việt Nam trở nên khó khăn.

Trong khi thị trường nguyên vật liệu cung ứng cho ngành săm lốp xe vẫn còn tiềm ẩn rủi ro về nguồn cung và giá cả. Bên cạnh đó, yếu tố phương tiện vận chuyển trong nước dự báo tăng trưởng chậm lại sẽ khiến sản lượng tiêu thụ săm lốp đối với khu vực nội địa giảm.

Nhìn thẳng vào vấn đề, lãnh đạo SRC cho rằng chất lượng lốp ô tô của công ty không thể cạnh tranh với Maxxis và Cao su Đà Nẵng và lại chịu áp lực vì Casumina có giá rẻ hơn nhiều.

Mới đây, lãnh đạo Tập đoàn Cao su Việt Nam (Mã: GVR) vừa đề xuất Ủy ban Quản lí vốn nhà nước tại doanh nghiệp với ý tưởng M&A một số doanh nghiệp săm lốp thuộc Tập đoàn Hóa chất (Vinachem) nhằm tối ưu hóa chuỗi giá trị ngành.

Các doanh nghiệp cao su bức tốc trước thời cơ phục hồi - Ảnh 5.

Tập đoàn cao su Việt nam đang tham vọng M&A doanh nghiệp săm lốp. (Ảnh: Forbes Việt Nam).

Lãnh đạo của GVR cho biết, nếu các thương hiệu này thuộc GVR sẽ giúp khép kín chuỗi giá trị sản phẩm cao su và là nòng cốt để tiếp tục phát triển sản phẩm săm, lốp của tập đoàn trong tương lai.

GVR không nhắc đến những thương hiệu thuộc Vinachem mà GVR muốn sáp nhập. Tuy nhiên, cả ba doanh nghiệp là CSM, DRC và SRC đều là những doanh nghiệp có tỉ lệ vốn nhà nước chiếm đa số.

Hiện tại, Tập đoàn Hóa chất (Vinachem) đang nắm giữ 51% cổ phần tại CSM và có kế hoạch thoái vốn xuống còn 36%. cổ phần tại DRC là 50,51% và 36% tại SRC.

chọn
Chủ dự án Vinhomes Global Gate nhận hơn 51.000 tỷ tiền người mua trả trước trong quý IV
Tại ngày 31/12/2024, khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn của VEFAC chiếm 63.261 tỷ đồng, tăng hơn 51.000 tỷ so với ngày 30/9/2024. VEFAC hiện đang hợp tác cùng Vinhomes để thực hiện dự án Vinhomes Global Gate tại Đông Anh.