LTS: Trong những ngày qua, dư luận đã bày tỏ sự quan tâm đến việc một số cơ quan Nhà nước đã trả lại xe cho doanh nghiệp như Cà Mau, Đà Nẵng (trước đây Ninh Bình cũng đã từng từ chối nhận quà tương tự). Đối với những sự việc này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu kiểm tra, làm rõ.
Để có những góc nhìn đa dạng hơn trong vấn đề doanh nghiệp tặng quà (tặng xe nói riêng) cho các cơ quan Nhà nước, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, Bộ Công an.
Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, Bộ Công an (Ảnh: Võ Văn Thành) |
Đánh giá về vấn đề quà tặng của các doanh nghiệp, Thiếu tướng Lê Văn Cương nói: "Xung quanh việc này, tôi thấy có mấy vấn đề. Thời buổi này, các doanh nghiệp làm ăn có lợi nhuận là cực kỳ khó khăn. Khó khăn từ yếu tố cạnh tranh thị trường ngoài nước càng khốc liệt. Hàng Việt Nam ra nước ngoài rất khó cạnh tranh.
Hàng nước ngoài tràn vào thị trường Việt Nam nên ngay cả ở thị trường trong nước thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng cực kỳ vất vả lắm. Cho nên chuyện các doanh nghiệp có lợi nhuận lớn, lợi nhuận thực sự không nhiều.
Thứ hai, có nhiều cách để doanh nghiệp hỗ trợ. Trong hàng chục năm qua, có nhiều doanh nghiệp đã hỗ trợ các quỹ từ thiện, quỹ cho các nạn nhân chất độc màu da cam.
Việc hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng chất độc màu da cam là điều hoàn toàn chính đáng. Và còn có cả những quỹ hộ trợ biên giới, biển đảo như quyên đá để xây dựng cơ sở, ủng hộ các chiến sỹ ở Trường Sa. Các anh em chiến sỹ ở biên phòng, hải đảo vất vả lắm.
Tôi nghĩ những việc làm đó là các việc làm cao cả của các doanh nghiệp. Và tôi cũng cho rằng nên khuyến khích họ tham gia vào các vấn đề trong điều kiện Nhà nước không thể bảo đảm được".
Cũng theo ông Cương, "việc các doanh nghiệp tặng các vật phẩm như ô tô hay một thứ tương tự nào khác cho các cơ quan Nhà nước thì tôi thấy không yên tâm chút nào cả.
Tôi hoàn toàn nghi ngờ về động cơ của việc tặng dù họ có nói một trăm điều gì đi chăng nữa. Tôi không tin là động cơ trong sáng mặc dù tôi chưa đủ chứng cứ, tài liệu để nói khác đi.
Tôi cũng không tin các doanh nghiệp tặng xe cho cơ quan Nhà nước cấp tỉnh có động cơ trong sáng".
"Việc tặng ai, cho ai là quyền của người cho tặng nhưng nếu động cơ trong sáng mà muốn giúp đỡ người khác, không vụ lợi thì tại sao nói rằng việc tặng xe là để cho lãnh đạo đi đỡ vất vả mà không phải là hỗ trợ những người nghèo trong tỉnh, sao không hỗ trợ xây dựng trường học, thư viện...?
Tại sao không đầu tư để xây dựng các cơ sở hạ tầng ở các địa phương gặp khó khăn mà lại chi ra hàng tỉ đồng mua xe để tặng cơ quan Nhà nước? Tại sao không dùng tiền đó để hỗ trợ anh em chiến sỹ biên phòng, tiếp sức cho chiến sỹ ở hải đảo?", ông Cương đặt ra hàng loạt câu hỏi
"Vì thế, tôi không tin đằng sau việc tặng cho là động cơ trong sáng. Không bao giờ người ta ném tiền tỉ vào “không khí” cả. Người ta bao giờ cũng muốn cái gì đằng sau đó nữa. Cái này không chỉ Việt Nam mà cả thế giới cũng thế", Thiếu tướng Lê Văn Cương khẳng định lại.
Theo vị tướng này, đã là các cơ quan Nhà nước thì Nhà nước phải chịu trách nhiệm trang thiết bị đầy đủ cho họ làm việc.
Chiếc xe công vụ đưa đón Bí thư Đà Nẵng đã được trả lại doanh nghiệp |
"Trong điều kiện còn khó khăn nhưng tôi tin rằng Nhà nước không "hẹp hòi" gì cả. Tôi thấy Bộ nào cũng đầy đủ xe, Sở nào ở địa phương cũng đầy đủ xe, thậm chí còn rất tôt.
Tôi cho rằng Nhà nước ta còn khó khăn nhưng Đảng và Chính phủ rất quan tâm đến đội ngũ cán bộ và công chức. Trong điều kiện mặt bằng thu nhập của người dân Việt Nam hiện nay thì như vậy là tốt lắm rồi.
Ta cần phải phòng ngừa một cái "móc ngoặc" giữa doanh nhân và quan chức. Từ năm 1986 đến nay, hàng chục, hàng trăm vụ án thì rất nhiều trong số đó đều có sự móc ngoặc giữa doanh nghiệp và quan chức cả. Tất cả các vụ trọng án lớn thì đều có sự móc ngoặc này. Đó là những PMU18, Ngân hàng Nông nghiệp, Lã Thị Kim Oanh, Năm Cam...
Với những việc doanh nghiệp tặng xe vừa qua, tôi chưa kết luận có sự móc ngoặc này nhưng tôi không tin là có động cơ trong sáng", tướng Cương nói.
Thiếu tướng Lê Văn Cương cũng cho rằng từ các vụ việc về doanh nghiệp tặng xe trong thời gian qua xảy ra vấn đề đó là hệ thống luật pháp và các văn bản dưới luật còn sơ hở.
Cần tiếp tục phải có những bộ luật hoặc điều chỉnh, bổ sung các quy định rằng các cơ quan Chính phủ cũng như UBND các cấp không được nhận quà biếu của các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
"Các cụ ta có câu "há miệng mắc quai", nếu đã "ăn" của người ta rồi thì khó mà minh định, công minh được.
Vừa qua, Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết 4 của Trung ương khoá XII, tôi cho rằng đó là một nghị quyết đầy đủ, mô tả và phản ánh được tất cả các biểu hiện của sự tha hoá, tham nhũng, suy thoái, đưa ra một giải pháp đồng bộ mà Đảng ta chưa từng có.
Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã triển khai Nghị quyết này một cách quyết liệt. Bằng chứng đó là những sai trái trong vụ Trịnh Xuân Thanh và những vấn đề trong vụ Formosa Hà Tĩnh đã được đưa ra... Sẽ còn tiếp tục nữa và tôi cho đó là quyết tâm chính trị của Đảng.
Cũng từ việc này, tôi cũng cho rằng chúng ta phải thay đổi, bổ sung những điều luật về việc tặng cho quà. Làm gì có chuyện cho không", Thiếu tướng Cương kết luận.