Chiều 31/12, trong cuộc đối thoại giữa lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, cùng 25 doanh nghiệp vận tải có tuyến xe khách chạy tuyến Hà Nội bị điều chuyển xuống bến xe Nước Ngầm.
Nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản nếu về bến xe Nước Ngầm
Ông Trần Hữu Quảng, đại diện nhà xe chạy tuyến Thanh Hóa - Mỹ Đình (Hà Nội) cho hay, từ năm 2013, Sở GTVT Hà Nội cũng đã mời các nhà xe đến họp về nội dung phân luồng, tuyến nhưng không tìm được tiếng nói chung. Việc chuyển các nhà xe đang hoạt động ở bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm sẽ khiến cho doanh nghiệp gặp khó, không bắt được khách và có thể phá sản.
Ông Quảng cho biết, tuyến Mỹ Đình - Thanh Hoá có 62 nốt/ ngày hoạt động theo quy định của pháp luật. Trong khi đó hiện nay, cũng tuyến này có 130 chiếc xe dù, xe cóc đang chạy xuyên tâm Hà Nội (Ảnh Công Phương) |
“Việc ùn tắc giao thông ở Thủ đô Hà Nội là điều tất yếu bởi vì hiện nay mật độ dân số quá cao, phân bố dân cư không đồng đều, các khu chung cư xây dựng trên tuyến đường quá nhiều. Việc sở GTVT Hà Nội nói xe khách gây ùn tắc là không đúng. Có nhiều giải pháp để giảm ùn tắc giao thông. Tại sao Hà Nội không áp dụng?”, ông Quảng nói.
Ông Quảng dẫn chứng: “Tuyến Mỹ Đình - Thanh Hoá có 62 nốt/ngày hoạt động theo quy định của pháp luật. Trong khi đó hiện nay, cũng tuyến này có 130 chiếc xe dù, xe cóc đang chạy xuyên tâm Hà Nội. Như vậy, các xe dù này cũng là nguyên nhân gây ùn tắc. Vậy, tại sao cơ quan chức năng không đi giải quyết vấn đề đó mà đi giải quyết xe khách vốn đã có luồng tuyến ổn định”, ông Quảng cho hay.
Ông Quảng phân tích thêm, thay vì 1 xe khách 40 chỗ chạy ở đường trên cao đến bến xe Mỹ Đình thì giờ đây, sẽ có 10 xe taxi 4 chỗ hoặc 40 xe máy hoặc 1 xe buýt chạy từ bến xe Nước Ngầm đến bến xe Mỹ Đình. Do đó, ông Quảng cho rằng, Sở GTVT Hà Nội cùng các cơ quan chức năng cần xem xét lại để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cũng như đảm bảo việc đi lại cho người dân.
Bà Nga cho biết, nếu chuyển tuyến xe Ninh Bình xuống bến xe Nước Ngầm thì nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản (Ảnh Công Phương) |
Phát biểu trong cuộc họp, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải tỉnh Ninh Bình đề xuất được đối thoại với Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thay vì đến họp chỉ nhận thông báo của Sở GTVT Hà Nội về kế hoạch điều chuyển 425 nốt xe từ Mỹ Đình sang bến Nước Ngầm.
Bà Nga cho biết thêm, việc điều chỉnh luồng tuyến khiến 50 nốt xe tuyến Mỹ Đình - Ninh Bình có nguy cơ phá sản. "Tình trạng xe dù bến cóc ngang nhiên hoạt động, nấp ở các điểm để đón và trả khách tới bất cứ đâu. Như vậy, thay vì đi xe có nốt cố định, hành khách sẽ chọn xe dù vì chỉ mất tiền mua vé một lần, không phải đón xe buýt, xe ôm nữa", bà Nga bức xúc nói.
Đồng quan điểm với bà Nga, đại diện Công ty vận tải Hà Sơn Hải (tuyến Thanh Hoá - Mỹ Đình) cho biết, thời điểm bến Mỹ Đình mới hoạt động, Sở GTVT Hà Nội và Sở GTVT Thanh Hoá vận động doanh nghiệp về hoạt động ở bến Mỹ Đình, mất nhiều năm xây dựng thương hiệu thì nay lại điều chuyển sang bến Nước Ngầm.
Bà Hồ Thị Hoàng đặt câu hỏi, tại sao xe nhà bà không đi vào nội đô mà vẫn bị chuyển (Ảnh Công Phương) |
“Như vậy, việc điều chuyển này sẽ dẫn đến nguy cơ phá sản cho hàng trăm doanh nghiệp. Vì vậy chúng tôi tha thiết được đối thoại với Chủ tịch TP Hà Nội để lắng nghe, giải đáp những thắc mắc của doanh nghiệp vận tải", đại diện Công ty vận tải Xuân Hải nói.
Bà Hồ Thị Hoàng đặt câu hỏi: “Xe nhà tôi chạy tuyến Thanh Hóa – Hà Nội theo đường mòn Hồ Chí Minh. Xe của nhà tôi không đi vào nội đô, tại sao lại chuyển xe của tôi xuống bến xe Yên Nghĩa trong khi tuyến xe về Hòa Bình vẫn giữ nguyên?”
Điều chuyển xe nằm trong quy hoạch
Trao đổi trong cuộc họp, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, ùn tắc giao thông trên đường vành đai 3 hiện nay hết sức đáng báo động. Từ nút giao Trung Hòa lên đường vành đai 3 thường xuyên ùn tắc, ùn lắc lan tỏa đi nhiều giờ, chính vì thế nên chúng ta phải có bài toán về giảm ùn tắc giao thông. Một trong những giải pháp là phải rà soát lại, sắp xếp hợp lý, khoa học các lộ trình tuyến vận tải để giảm tối đa lưu lượng lên tuyến vành đai 3.
Ông Vũ Văn Viện trả lời thắc mắc của các doanh nghiệp vận tải bị điều chuyển (Ảnh Công Phương) |
Ông Viện cho biết thêm, quyết định 2288 của Bộ Giao thông vận tải về phân luồng tuyến vận tải năm 2015 nêu rõ, có thể điều chỉnh quy hoạch vào 2 thời điểm là 31/6 và 31/12 hàng năm để phù hợp với tình hình thực tế.
Theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, Viện chiến lược bộ Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm cùng phối hợp với các tỉnh, thành phố để xây dựng quy hoạch. Quyết định 2288 của Bộ Giao thông vận tải chính là sản phẩm của các cơ quan nghiên cứu, các cơ quan quản lý vận tải.
“Trong quy hoạch này nêu rất rõ định hướng quy hoạch, của các bến xe trên địa bàn thành phố Hà Nội, bến xe nào là bến xe tạm, bến xe nào là bến xe quy hoạch trong trung hạn, bến xe nào là bến xe duy trì theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải của thành phố Hà Nội”, ông Viện nói.
Trả lời việc tại sao lại chọn các doanh nghiệp vận tải ở bến xe Mỹ Đình để tránh ùn tắc, ông Viện cho hay, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cùng Tổng cục được bộ, Vụ vận tải thành lập một tổ công tác để rà soát lại tất cả 4.700 tuyến vận tải hành khách đi 42 tỉnh thành phố đến 5 bến xe chính ở Hà Nội.
Quang cảnh buổi trao đổi giữa Sở Giao thông vận tải Hà Nội và các doanh nghiệp (Ảnh Công Phương) |
Khi rà soát thì thấy trong tổng số hơn 1.600 doanh nghiệp, thì có đụng chạm đến một bộ phận các doanh nghiệp chúng ta phải điều chỉnh. “Chúng tôi đã đưa ra nguyên tắc điều chỉnh một cách công khai minh bạch, hoàn toàn không có lợi ích nhóm hay trên cơ sở là ưu tiên doanh nghiệp này, không ưu tiên doanh nghiệp nọ. Trên nguyên tắc đó thì chúng tôi mới rà soát được những nốt tuyến nào phải điều chuyển, một cách hết sức công khai, minh bạch trên nguyên tắc đảm bảo mục tiêu chung là giảm lưu lượng giao thông vào các tuyến hiện nay có nguy cơ ùn tắc giao thông cao”, ông Viện thông tin.
Giải thích về thời điểm công bố việc điều chuyển xe, ông Viện nói, Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo, Ủy ban an toàn giao thông quốc gia cũng có chỉ đạo các tỉnh, thành phố trong dịp cao điểm Tết Đinh Dậu 2017 nguy cơ ùn tắc giao thông rất lớn, nên đây là một khó khăn nhưng đây là một cơ hội mà chúng ta muốn giảm ùn tắc giao thông thì cần phải làm ngay. Vì thế, Sở GTVT cũng báo cáo thành phố quyết định chọn thời điểm là phải thực hiện trước Tết Nguyên đán để kịp thời phục vụ giảm ùn tắc giao thông trước, trong và sau Tết Đinh Dậu 2017.
Ông Viện chia sẻ, ông mong muốn các nhà xe ổn định luồng tuyến, phát triển lâu dài, cùng đồng hành với sự phát triển giao thông đô thị của thủ đô Hà Nội, cùng đồng hành phục vụ nhân dân các tỉnh nói chung cũng như nhân dân Hà Nội.
“Chúng tôi cũng không muốn gây khó khăn cho nhân dân, gây khó khăn cho doanh nghiệp nhưng thực hiện phải đảm bảo mục tiêu chung của thành phố. Trên cơ sở thực hiện mục tiêu chung ấy thì có thể một lúc nào đấy, một vế nào đấy ảnh hưởng đến một bộ phận doanh nghiệp, một bộ phận người dân thì rõ ràng như một bộ phận phát triển thì chắc chắn chúng ta phải chấp nhận một khó khăn nhất định”, ông Viện nói.