Những ngày này, khi vợ con tại Hà Nội sắm sửa, trang trí nhà cửa để đón Tết Canh Tý thì tại thành phố Hassi Messaoud ở Algeria, anh Đỗ Duy Khoản, 37 tuổi, vẫn làm việc đều đặn 12 tiếng một ngày, từ 7h sáng đến 7h tối. Sang Algeria công tác từ năm 2015, anh hiện là trưởng nhóm Công nghệ mỏ, phụ trách về địa chất của dự án nghiên cứu, tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí.
"Dự án của chúng tôi có tổng cộng 32 cán bộ người Việt. Do tính chất công việc vô cùng căng thẳng, mỗi đợt làm việc kéo dài liên tục 28 ngày, sau đó chúng tôi được nghỉ 28 ngày và đổi ca với các anh em khác", anh Khoản chia sẻ với VnExpress. "Năm nay có khoảng 12 anh em ở lại đây không về Tết để đảm bảo vận hành công việc".
Thành phố Hassi Messaoud nằm giữa sa mạc Sahara, cách thủ đô Algiers khoảng 700 km, có thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Mùa hè ở đây rất dài với nhiệt độ lên tới 45-50 độ C, trong khi mùa đông hiện chỉ 3-5 độ C. Anh Khoản cùng các đồng nghiệp biệt phái đã quen với cuộc sống giữa bốn bề toàn cát. Họ gần như ăn ngủ tại chỗ trong container và không được phép ra ngoài vì vùng sa mạc xa xôi tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, có thể xảy ra biến cố bất cứ lúc nào.
Nhờ sự phát triển của công nghệ mà việc kết nối với thế giới bên ngoài và liên lạc về gia đình Việt Nam thuận tiện, giúp anh Khoản cùng các đồng nghiệp vơi bớt nỗi buồn. Tuy nhiên, khi không khí Tết đã len lỏi vào mọi nhà, người người xa quê khăn gói trở về quê hương, nỗi nhớ gia đình lại trào dâng trong lòng anh.
"Tết là dịp đoàn tụ gia đình và người thân. Đôi khi nghe giai điệu của ca khúc 'Xuân này con không về' cất lên, những người đàn ông xa nhà vẫn khó tránh khỏi rơi nước mắt", anh Khoản chia sẻ.
Anh vẫn nhớ cái Tết đầu tiên giữa sa mạc năm 2017, không có nồi bánh chưng bên bếp củi đêm 30, chỉ có ngọn lửa cháy rực từ hệ thống khai thác dầu khí đồ sộ. Khi Việt Nam bước vào thời khắc giao thừa thì ở Algeria mới 6h tối, anh và các đồng nghiệp xin phép tạm gác công việc về sớm một hôm, cắm cành đào giả mang từ Việt Nam sang, ngồi lại bên nhau nâng ly tiễn năm cũ, đón năm mới. Gọi điện về cho gia đình, anh cười bảo Tết ở nơi xa xôi này vậy là "cực hoành tráng" rồi, không dám để vợ con thấy mình buồn. Sau khoảnh khắc ngắn ngủi, họ lại trở về với guồng quay công việc.
"Vợ con rất mong tôi về ăn Tết với cả nhà nhưng vì đã nhận nhiệm vụ, tôi phải ở lại và làm tốt công việc được giao", anh Khoản nói.
Cũng đón Tết ở Algeria năm nay là anh Nguyễn Minh Long, 41 tuổi, đang làm việc tại mỏ dầu cách thành phố Hassi Messaoud khoảng 100 km. Cộng đồng người Việt ở Algeria không quá đông, phần lớn tập trung ở thủ đô Algiers, còn ở những vùng sa mạc xa xôi này thì không có ai ngoài các kỹ sư dầu khí.
Khu mỏ của anh Long nằm cách nơi có dân cư sinh sống gần nhất 50-60 km, lúc cao điểm có 20 người Việt, lúc thấp điểm chỉ 3-4 người. Khi mới sang Algeria biệt phái vào năm 2014, anh cũng như các đồng nghiệp phải mất một thời gian mới thích nghi được từ môi trường sống, thời tiết, ngôn ngữ đến văn hóa và ẩm thực đều khác biệt của người bản địa.
"Ban đầu, mọi người cũng thèm đồ ăn Việt Nam lắm nhưng rồi cũng quen với các món ăn và khẩu vị địa phương", anh nói. "Cuộc sống của chúng tôi xoay quanh công việc, cách biệt với thế giới bên ngoài, luôn phải tập trung để tránh xảy ra sai sót, dẫn tới cháy nổ".
Tết năm nay có 8 kỹ sư ở lại mỏ, trong đó anh Long là người lần đầu đón Tết xa nhà. Những năm trước, anh được về Việt Nam đón Tết cùng vợ và hai con gái, nhưng đến mồng 3 lại lên đường.
Hành trình về Việt Nam của anh Long, anh Khoản cũng không dễ dàng. Họ mất tổng cộng 5 ngày để di chuyển từ mỏ đến trung tâm thành phố, sau đó bay đến thủ đô Algiers, từ đây bay tới Paris trung chuyển về Hà Nội. Những người quay lại Algeria sát Tết thường tranh thủ mua ít bánh chưng, giò chả, hạt dưa mang sang san sẻ với anh em.
"Tết đầu tiên không ở bên vợ con có chút lạ lẫm, bồi hồi", anh Long nói. "Năm nay không có tôi ở nhà nên vợ đưa con về ăn Tết ở quê cho đỡ buồn. Năm mới, tôi chỉ mong gia đình mạnh khỏe để tôi yên tâm công tác xa nhà".
Anh Khoản cũng có chung mong ước với anh Long. Để mình vợ chăm sóc hai con, trong đó bé út năm nay vào lớp một, anh cảm thấy chạnh lòng.
"Tôi chỉ biết động viên, phân tích cho vợ con hiểu và thông cảm với công việc của mình. Tôi mong vợ con luôn mạnh khỏe, là hậu phương vững chắc cho tôi", anh Khoản nói. "Hẹn vợ một tháng nữa về Việt Nam, anh sẽ tổ chức đón Tết lại với gia đình".