Vị trí trạm BOT T1 và T2. (Nguồn ảnh: Google).
Liên quan đến việc người dân phản đối trạm BOT T2 ở Cần Thơ khiến trạm thu phí này phải tạm dừng hoạt động, theo đại diện Hiệp hội vận tải ô tô An Giang, phía Bộ GTVT từng có trả lời đơn vị này về vấn đề đặt trạm.
Cụ thể, theo thông tin từ Bộ GTVT, ngày 1/11/2013, đơn vị này đã tổ chức cuộc họp với đại diện lãnh đạo UBND TP Cần Thơ và UBND tỉnh An Giang về phương án đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp QL91 đoạn Km14 - Km50+889 theo hình thức BOT.
Liên quan đến cuộc họp này, tại công văn số 820/TB-BGTVT, ngày 1/11/2013 của Bộ GTVT, thông báo kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể (nay là Bộ trưởng Bộ GTVT) có nêu rõ việc "thống nhất vị trí đặt trạm thu phí tại khoảng Km14+770 (trạm số 1)".
Như vậy, với dự án BOT nêu trên, trạm thu phí chỉ có một và đặt tại Km14+770.
Theo Bộ GTVT, năm 2009, đơn vị này có quyết định phê duyệt dự án đầu xư, xây dựng QL91B đoạn Km0 đến Km15+793; tổng mức đầu tư 455,604 tỉ đồng, sử dụng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ.
Tháng 6/2010, dự án này hoàn thành đưa vào sử dụng một thời gian thì xuống cấp.
Đến năm 2014, Bộ GTVT đã làm việc với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và UBND TP Cần Thơ về phương án đầu tư QL91B.
"Phương án đầu tư mở rộng và tăng cường nền mặt đường QL91B đoạn từ Km0 - Km15+793 như một dự án độc lập theo hình thức Hợp đồng BOT là không khả thi vì vị trí tuyến quá gần với QL91 hiện nay", Bộ GTVT cho hay.
Bộ này cũng cho biết nếu đầu tư mở rộng và tăng cường nền mặt đường QL91B sử dụng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ thì khó thực hiện sớm được do điều kiện nguồn vốn ngân sách rất khó khăn.
"Nếu sử dụng nguồn vốn từ Quỹ bảo trì đường bộ thì không phù hợp qui định", Bộ này cho biết.
Với các lí do trên và "sau khi có sự đồng thuận của HĐND, UBND, Thành ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ", Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng "xem xét, chấp thuận cho phép bổ sung mở rộng và tăng cường nền mặt đường đoạn Km0 - Km15+793 QL91B" vào chung với dự án nâng cấp QL91 đoạn Km14 - Km50+889 theo hình thức BOT.
Báo cáo Thủ tướng nêu trên của Bộ GTVT cũng nêu về việc xây dựng trạm BOT số 1 tại Km16+905,83 và trạm số 2 tại Km50+050 QL91.
Không có trạm BOT nào đặt trên QL91B nơi có dự án mở rộng và tăng cường nền mặt đường QL91B đoạn từ Km0 - Km15+793. Trạm BOT T2 được cho là "sinh ra" khi có dự án trên QL91B lại cách tuyến đường này khoảng 40km. (Nguồn ảnh: Google).
Theo tìm hiểu, vị trí nêu trên của trạm số 1 được nhà đầu tư đề nghị di chuyển từ vị trí ban đầu Km14+770 QL91 và được UBND TP Cần Thơ thống nhất tại văn bản ngày 13/2/2015.
"Trạm thu phí số 2 tại Km50+050 QL91 nằm trong phạm vi dự án, thu phí theo nguyên tắc chỉ trả phí một lần khi đi qua QL91 và QL91B", Bộ GTVT cho biết.
Tiếp đó, Thủ tướng đã có văn bản số 213 chấp thuận đề nghị của Bộ GTVT và giao đơn vị này thống nhất với Bộ Tài chính, UBND TP Cần Thơ về vị trí 2 trạm BOT nêu trên.
Với vị trí 2 trạm BOT (T1 và T2) như nêu trên, Bộ GTVT cho biết đã được HĐND, UBND, Thành ủy, Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ chấp thuận.
Như vậy, với vị trí trạm BOT T2, phía tỉnh An Giang (khi chưa dịch chuyển) không hề được tham gia ý kiến.
Bộ GTVT cũng khẳng định "việc lập trạm thu phí nằm trong phạm vi dự án, phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ, được sự đồng thuận của địa phương và qui định pháp luật".
Tuy nhiên, với việc vị trí trạm BOT T2 "nằm trong phạm vi dự án" (khi đã được bổ sung thêm dự án QL91B) có thể là nguyên nhân khiến người dân phản đối thu phí tại dự án này.
"Nếu trạm BOT T1 đặt trên QL91, trạm T2 đặt trên QL91B tức là làm đường ở đâu thu phí ở đó thì có thể đã không xảy ra bức xúc", một chuyên gia giao thông nói với chúng tôi.
"Khi nghiên cứu dự án không có trạm thu giá của các dự án đầu tư trên tuyến QL91 và các tuyến lân cận như tuyến tránh Long Xuyên, tuyến Lộ Tẻ - Rạch sỏi, dự án cầu Vàm cống không có trạm thu giá.
Do đó căn cứ theo ý kiến của Bộ Tài chính, để đảm bảo tính khả thi dự án, Bộ GTVT và UBND TP Cần Thơ đã thống nhất đặt trạm thu giá hoàn vốn dự án trên QL91 (trạm số 1 tại Km16+905,83 và trạm số 2 tại Km50+050) để thu giá hoàn vốn cho dự án", đây là lí giải của Bộ GTVT.
"Rõ ràng, vị trí trạm T2 là bất hợp lí, để khắc phục sai sót thay vì truy cứu trách nhiệm của những người đã tham mưu, quyết định vị trí đặt trạm lại bắt người dân phải gánh chịu cái sai đó là điều khiến người dân và doanh nghiệp khó có thể chấp nhận", văn bản kiến nghị của Hiệp hội vận tải ô tô An Giang và Hiệp hội doanh nghiệp An Giang nêu.
Trạm BOT T2. (Ảnh: Tuổi trẻ).
Liên quan đến việc người dân phản đối thu phí tại trạm BOT T2 ở Cần Thơ, theo thông tin chúng tôi nhận được, UBND tỉnh An Giang vừa phê duyệt danh sách các phương tiện được miễn/giảm vé dịch vụ sử dụng đường bộ khi đi qua đây.
Được biết, 334 phương tiện gồm xe tải, xe hợp đồng, taxi được UBND tỉnh An Giang phê duyệt đề nghị giảm 50% khi qua trạm BOT T2.
Theo đó, các phương tiện trên thuộc các đơn vị gồm Hợp tác xã Vận tải Thủy bộ Đoàn Kết; Công ty TNHH MTV DV - VT - TM Dũng Hải Toàn; HTX vận tải KT; Công ty TNHH dịch vụ thương mại vận tải Thiên Anh - Taxi Châu Đốc; Công ty cổ phần Ánh Dương VN - Vinasun Taxi; Taxi Mai Linh; Taxi Sao Đỏ.
Ngoài ra, phía UBND tỉnh An Giang cũng giao Sở GTVT tỉnh này cung cấp danh sách các phương tiện được phê duyệt đến Công ty CP Đầu tư QL91 Cần Thơ - An Giang để làm cơ sở triển khai thực hiện miễn giảm.