Theo ông Hùng, mọi kết luận của thanh tra phải được thực hiện, nếu kết luận đó là đúng, là khách quan. Dù vậy, hình thức thực hiện, thời gian thực hiện, mức độ thực hiện thì phải tùy theo từng sự việc, từng vụ việc để giải quyết làm sao cho thấu lý đạt tình. Cần có đánh giá đúng tính chất của từng vi phạm, nếu công trình về lâu dài ảnh hưởng đến môi trường thì trước sau vẫn phải xử lý. Nếu công trình không ảnh hưởng đến tổng quan, môi trường sinh thái cần phải rà soát, đánh giá đúng. “Việc hỏi ý kiến nhân dân cũng rất quan trọng. Với những công trình sai phạm, nếu phá đi thì lợi hại ra sao? Nếu xử lý không chính xác thì gây hại về mặt kinh tế, ổn định xã hội” - ông Hùng nói.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Vũ Quốc Hùng.
Để những sai phạm ở Sóc Sơn, Ba Vì không lặp lại, ông Hùng cho rằng, cơ quan chức năng cần phải rút ra bài học về quy hoạch.
“Cần xây dựng một quy hoạch tổng thể, đồng bộ có tầm nhìn xa trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng. Không thể một lãnh đạo mới lên lại có quy hoạch mới, mọi thứ cần nằm trong một tổng thế. Không thể nhìn trước mắt, cần phải nghĩ về lâu dài, đặt lợi ích lâu dài của dân tộc, trách nhiệm với thế hệ sau và trách nhiệm với ông cha”, ông Hùng nói.
Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc xây dựng biệt thự, khu du lịch và nghỉ dưỡng trên đất rừng và đất nông nghiệp ở huyện Sóc Sơn và Ba Vì là vi phạm rất nghiêm trọng Luật Đất đai. “Đã quy hoạch vào mục đích này mà lại sử dụng vào mục đích khác, lại không có hành vi ngăn chặn, thiết lập lại trật tự sử dụng đất đúng mục đích thì đó là vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng” - ông Võ nói.
GS Đặng Hùng Võ.
Lý giải nguyên nhân xảy ra tình trạng trên, ông Võ cho rằng, dù không đủ chứng cứ để kết luận, nhưng theo logic, chỉ có lý do bắt nguồn từ tham nhũng.
“Chính quyền địa phương được giao nhiệm vụ mà không làm thì chỉ có sự móc ngoặc với người vi phạm pháp luật để bật đèn xanh cho hành vi sai trái. Nếu nói trình độ quản lý kém thì không chính xác hoàn toàn. Theo logic của vấn đề thì đó là việc kém về đạo đức, có gắn tham nhũng”, ông Võ bình luận.
Theo ông Võ, việc điều chỉnh quy hoạch để hợp thức hóa các sai phạm càng chứng minh có sự tham nhũng trong quá trình quản lý. “Đã quy hoạch có nghĩa là được hội đồng các cấp đánh giá, giờ lại vì vi phạm mà điều chỉnh quy hoạch thì chỉ có tham nhũng” - ông Võ nói.
Bàn về giải pháp để giải quyết thực trạng vi phạm trên, ông Võ khẳng định cần mạnh tay xử lý các công trình vi phạm, kiên quyết tháo dỡ.
“Có những ý kiến mang tính hữu khuynh, sợ phá đi sẽ thiệt hại, nhưng muốn lập lại kỷ cương phải cương quyết cưỡng chế, cần dứt khoát xử lý để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật. Lúc này, chúng ta phải đặt ra nhiệm vụ thực thi pháp luật lên trên hết, không có đồng tiền nào có thể cản trở được, có như thế mới giải quyết được vấn đề. Không xử lý nghiêm, không xử lý đúng thì các hành vi vi phạm sẽ tiếp tục”, ông Võ chia sẻ.