Hiện nay trên thế giới có khoảng 40 quốc gia thu phí chia tay và áp dụng không chỉ với du lịch hàng không mà còn cả đường biển, được thu kèm với vé máy bay, tàu.
Trong trường hợp quá cảnh tại đất nước có thu phí chia tay thì bạn bắt buộc phải đóng khoản phí này trước khi rời khỏi.
Phí chia tay chưa được áp dụng tại Việt Nam (Ảnh: Như Ý)
Tại Việt Nam, trong kì họp Quốc hội mới đây, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng - nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục du lịch đã đề xuất Nhà nước thu phí khi xuất cảnh hay còn gọi là phí chia tay.
Cụ thể, mức phí chia tay ở Việt Nam được đại biểu Quốc hội đề xuất là khoảng 3-5 USD mỗi người khi xuất cảnh. Tuy nhiên, đề nghị này đã gây ra nhiều tranh cãi và hiện vẫn chưa được thực thi.
Dưới đây là thống kê một số quốc gia áp dụng việc thu phí chia tay để bạn có thể tham khảo và dự trù chi phí trước khi bắt đầu hành trình khám phá nhiều quốc gia trên thế giới.
Thái Lan
Để rời khỏi Thái Lan, hành khách phải đóng mức phí chia tay là 700 THB (khoảng 17 USD). Tuy nhiên, xứ sở chùa Vàng đang nghiên cứu tăng lên 800 THB trong năm 2019.
Mặt khác tại Thái Lan, phí chia tay không chỉ áp dụng với các chuyến bay quốc tế, quốc gia này còn thu phí với các chuyến bay nội địa là 100 THB (khoảng 1,7 USD).
Nhật Bản
Cuối năm 2018, Quốc hội Nhật Bản đã ban hành đạo luật quy định mỗi công dân ra nước ngoài (bao gồm cả người bản xứ và khách du lịch quốc tế) thì phải đóng một loại phí (gọi là phí chia tay hay phí du lịch) 1.000 yên mỗi người (khoảng 9,3 USD). Nhật Bản đã bắt đầu thu khoản phí này từ ngày 7/1/2019.
(Ảnh: Japan Times)
Thuế này áp dụng cho cả du lịch hàng không và đường biển. Với trẻ em dưới 2 tuổi, hành khách quá cảnh ở Nhật trong vòng 24 giờ và những khách du lịch rời Nhật Bản vì thời tiết xấu hoặc các trường hợp bất khả kháng khác sẽ được miễn không phải đóng phí này.
Trước đây, hành khách sẽ phải chi 34 SGD Sing (khoảng 578.000 đồng) cho phí xuất cảnh tại sân bay Changi. Với du khách quá cảnh, mức phí này là 6 SGD (khoảng 102.000 đồng).
Tuy nhiên từ ngày 1/7 trở đi, khoản phí này sẽ được tăng thêm 13,30 SGD, hành khách quá cảnh sẽ phải trả thêm 3 SGD cho mỗi chuyến bay. Lí do tăng phí là nhằm mục đích hỗ trợ kinh tế cho việc mở rộng sân bay lớn hơn và xây dựng Nhà ga số 5.
Úc
Ở Úc, phí xuất cảnh còn được gọi là "phí đi lại". Theo đó, bất kì ai cũng đều phải nộp khoản phí 60 AUD (khoảng 42 USD) khi rời khỏi xứ sở chuột túi.
Tại nhiều quốc gia, phí chia tay được áp dụng cho cả chuyến bay nội địa lẫn quốc tế (Ảnh: Pháp luật TP HCM)
Malaysia
Từ ngày 1/6, Malaysia chính thức áp dụng việc thu phí chia tay với các chuyến bay quốc tế, khoản phí này được cộng vào vé máy bay.
Với những hành khách rời Malaysia để đến các nước trong khối ASEAN, mức phí khởi hành là 4,8 USD, thấp hơn so với khoản phí 9,6 USD mà hành khách đi đến những quốc gia ngoài khối ASEAN phải đóng.
Trung Quốc
Ở Trung Quốc, phí khởi hành được gọi là phí xây dựng sân bay. Khoản phí này áp dụng không đồng nhất giữa chuyến bay quốc tế và nội địa. Cụ thể, nếu bạn bay ra nước ngoài thì mức phí phải đóng là 90 nhân dân tệ. Với những người bay trong Trung Quốc, khoản phí này thấp hơn 40 nhân dân tệ, tức chỉ còn 50 nhân dân tệ.
Anh
Anh là quốc gia có phí khởi hành đắt nhất thế giới với đường bay ngắn và dài khác nhau. Du khách bay đường dài từ một sân bay của Anh sẽ phải trả 78 bảng Anh (tương đương 2,3 triệu đồng) và hạng nhất sẽ phải chi trả 156 bảng Anh (tương đương 4,6 triệu đồng).
Với các chuyến bay ngắn, bạn sẽ phải trả từ 13 đến 26 bảng Anh. Nếu sử dụng máy bay riêng thì bạn sẽ phải trả 468 bảng.