Khu vực phố đi bộ Hồ Gươm ùn ứ giao thông. (Ảnh: Di Linh).
Mới đây, Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội đã có báo cáo kết quả 3 năm triển khai thí điểm tổ chức không gian đi bộ khu vực Hồ Gươm và phụ cận theo Kế hoạch số 159/KH-UBND ngày 24/8/2016 của UBND thành phố Hà Nội (từ ngày 1/9/2016 đến ngày 1/9/2019)
Cụ thể, sau 3 năm triển khai thí điểm, Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội đánh giá việc tổ chức không gian đi bộ khu vực Hồ Gươm và phụ cận đã tạo dựng được một điểm đến, điểm nhấn của Thủ đô.
"Việc xây dựng không gian đi bộ đã góp phần hình thành thói quen đi bộ, từng bước hạn chế phương tiện giao thông cơ giới và hình thành nếp sống mới cho người dân Thủ đô", báo cáo nêu.
Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội cũng đề xuất Thành ủy kết thúc thí điểm và chính thức cho triển khai không gian đi bộ Hồ Gươm và phụ cận.
Bên cạnh đó, thống nhất giao UBND quận Hoàn Kiếm xây dựng Đề án mở rộng không gian đi bộ phía Nam khu phố cổ kết nối phía Bắc khu vực hồ Hoàn Kiếm để giảm áp lực đông người, phù hợp với thực tiễn và kết hợp 2 khu vực không gian đi bộ thành một chỉnh thể bổ trợ chức năng.
Cụ thể gồm phố Đinh Liệt, Gia Ngư, Cầu Gỗ (đoạn từ Đinh Liệt đến Nguyễn Hữu Huân), Hàng Bè, Đào Duy Từ (đoạn từ Hàng Buồm đến Hàng Chiếu), Ô Quan Chường, ngõ Cầu Gỗ, ngõ Trung Yên.
Đề xuất giao quận Hoàn Kiếm xây dựng Đề án thí điểm tổ chức không gian đi bộ khu vực Hồ Gươm và phụ cận 1 tháng liên tục làm cơ sở để UBND thành phố đánh giá, xây dựng Đề án giảm phương tiện giao thông vào khu vực trung tâm TP.
Ngoài ra, Hà Nội giao Sở GTVT chủ trì phối hợp với Công an TP khảo sát, đề xuất việc phân luồng giao thông, giảm áp lực giao thông tại phố Hai Bà Trưng, Lý Thái Tổ (khu vực Ngân hàng Nhà nước).
Sau 3 năm thí điểm, TP đã duy trì 89 điểm trông giữ xe ô tô, xe đạp xe máy xung quanh Hồ Gươm và phụ cận (với tổng diện tích là 23.190m2).
Phát hành trên 3.000 thẻ ra vào cho xe máy, xe đạp của các hộ dân, cơ quan trong khu vực và phù hiệu cho xe ô tô của các cơ quan trong không gian đi bộ được ra vào khi làm nhiệm vụ.
Phố Hai Bà Trưng ùn tắc vì người dân đổ về phố đi bộ. (Ảnh: Di Linh).
Sau 3 năm thí điểm, khu vực xung quanh Hồ Gươm và phụ cận còn một số tồn tại hạn chế như một số điểm giao thông tĩnh gần sát khu vực các chốt ra vào không gian đi bộ luôn trong tình trạng quá tải.
Hà Nội lí giải điều này do thói quen của người dân và du khách chỉ đến gửi xe tại các điểm sát khu vực đi bộ.
Trong khi những điểm khác ở xa hơn thì lại vắng người gửi như trên tuyến phố Quang Trung - Hai Bà Trưng.
Điều này cũng đã làm phát sinh việc một số hộ dân gần không gian đi bộ đã tận dụng vỉa hè trước ngõ hoặc trước cửa nhà tự ý trông giữ xe trái phép thu giá cao gây bức xúc dư luận.
Ngoài ra, tại một số nút giao thông vào giờ cao điểm vẫn còn ùn ứ; hiện tượng xe ô tô, xe máy, taxi dừng, đỗ trước và sau hàng rào an ninh các chốt ra vào.
Tình trạng người dân đi tập thể dục bằng xe đạp trong tuyến phố đi bộ vào sáng sớm còn diễn ra.
Một số đơn vị được tổ chức sự kiện tổ chức việc lắp đặt sân khấu sớm so với thời gian được cấp phép dẫn đến gây ùn tắc giao thông tại khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
Tình trạng bán hàng rong; dắt chó không có rọ mõm; trượt patanh, đi xe điện cân bằng, ô tô điện ở các khu vực chưa được phép chưa được giải quyết triệt để.
Bên cạnh đó, mặc dù có lắp camera ghi hình xả rác nhưng tình trạng vứt rác tùy tiện tại các cửa hàng kinh doanh trên vỉa hè các tuyến phố xung quanh hồ và các cửa hàng kem chưa được giải quyết triệt để.
Các nhà vệ sinh công cộng bố trí trong khu vực đi bộ chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân và du khách trong những ngày lễ, tết và các ngày có sự kiện văn hóa đặc biệt.