Dự kiến khởi công cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành vào cuối năm

Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có chiều dài khoảng 129 km với 4 làn xe, vận tốc dự kiến 100 - 120 km/h, tổng mức đầu tư của tuyến cao tốc này là hơn 25.500 tỷ đồng.

Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành được dự kiến khởi công vào cuối năm. (Ảnh minh họa: Báo Thanh niên).

Thông tin từ Báo Chính phủ, Quốc hội vừa qua đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước.

Dự án được kỳ vọng khi đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội Bình Phước và Đăk Nông, kết nối vùng Đông Nam Bộ với Tây Nguyên trong tương lai, giảm tải cho quốc lộ 14 - tuyến đường huyết mạch nối hai tỉnh.

Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có chiều dài khoảng 129 km với 4 làn xe, vận tốc dự kiến 100 - 120 km/h, được thực hiện ngay từ năm 2024 và cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác, vận hành năm 2027.

Dự án được chia thành 5 dự án thành phần, trong đó tách riêng phần giải phóng mặt bằng. Nguồn bồi thường, hỗ trợ tái định cư và xây dựng đường gom, cầu vượt ngang đoạn qua tỉnh Đắk Nông và Bình Phước sẽ được thực hiện theo hình thức đầu tư công.

Còn dự án thành phần 1 được đầu tư theo phương thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), được áp dụng cơ chế bảo đảm đầu tư, chia sẻ phần giảm doanh thu theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là hơn 25.500 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là hơn 10.500 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương hơn 2.200 tỷ đồng bao gồm Bình Phước là hơn 1.200 tỷ đồng, tỉnh Đắk Nông 1.000 tỷ đồng. Phần vốn của nhà đầu tư là hơn 12.700 tỷ đồng.

Dự kiến, 4 dự án thành phần do địa phương là cơ quan chủ quản (2 dự án thành phần đầu tư xây dựng đường gom, cầu vượt ngang và 2 dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư) sẽ khởi công vào cuối năm 2024.

Theo Cục Đường cao tốc Việt Nam, trên thực tế, một số dự án cao tốc lớn được triển khai trong thời gian qua cho thấy, khi cơ chế đặc thù về giải phóng mặt bằng, nhiều địa phương đã đạt tỷ lệ giao mặt bằng sạch từ 90 - 95% chỉ sau khoảng 1 năm kể từ ngày Quốc hội bấm nút.

Đại diện Sở GTVT tỉnh Đắk Nông cho biết, dự án có tổng diện tích GPMB đoạn qua địa bàn tỉnh Đắk Nông là 261ha bao gồm hơn 8ha đất ở, 1,58ha đất trồng lúa, 25,1ha đất trồng hoa màu, 175,9ha đất trồng cây lâu năm và 50,2ha đất trồng cây hàng năm.

Tổng số hộ bị ảnh hưởng khoảng 408 hộ, dự kiến bố trí tái định cư khoảng 250 hộ, kinh phí 662 tỷ đồng.

Nhu cầu sử dụng cát của dự án đoạn qua địa bản khoảng 130.000 m3. Theo rà soát, tỉnh có 7 mỏ cát đang khai thác, tổng công suất hàng năm khoảng 182.000 m3/năm, đáp ứng dư nhu cầu. Nhu cầu đá của dự án khoảng 690.000 m3.

Hiện tỉnh có 9 mỏ đang hoạt động, trữ lượng khoảng 8,1 triệu m3, công suất 539.800 m3/năm, đáp ứng đủ nhu cầu. Về đất đắp, nhu cầu sử dụng khoảng 2,6 triệu m3, trên địa bàn có 19 mỏ.

Tổng mức đầu tư của dự án là 25.540 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn ngân sách địa phương là 2.233,5 tỷ đồng, riêng tỉnh Đắk Nông là 1.000 tỷ đồng thực hiện hai gói thầu GPMB (662 tỷ đồng) và xây lắp (khoảng 338 tỷ đồng). Địa phương đã có nghị quyết, thống nhất về việc bố trí.

Đại diện Sở GTVT tỉnh Bình Phước cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức rà soát kỹ khối lượng GPMB, lựa chọn các vị trí tái định cư và dự kiến các nguồn cung cấp vật liệu.

Về nguồn cung vật liệu, trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch 16 mỏ vật liệu đất đắp trữ lượng khoảng 19 triệu m3, 24 mỏ đá xây dựng trữ lượng 146,7 triệu m3, hai mỏ cát trữ lượng khoảng 1,5 triệu m3, các mỏ đất đắp trữ lượng 20 triệu m3, đáp ứng toàn bộ nhu cầu.

chọn
Bà Rịa - Vũng Tàu cấm phân lô bán nền tại 3 địa phương
Ba địa phương tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không được phân lô, bán nền bao gồm TP Vũng Tàu; TP Bà Rịa và TX Phú Mỹ.