(Ảnh minh họa: Di Linh).
Bộ GTVT vừa thông báo lấy ý kiến dự thảo Nghị định Qui định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt trong đó có sử đổi, bổ sung một số nội dung đáng chú ý.
Cụ thể, sửa đổi qui định về xử phạt trong trường hợp hành vi vi phạm được phát hiện thông qua sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (tại khoản 8 Điều 80 Dự thảo Nghị định) nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác tuần tra, kiểm soát, xử lí vi phạm, đáp ứng với yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm TTATGT, cụ thể:
"8. Đối với trường hợp hành vi vi phạm hành chính được phát hiện thông qua việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ mà cơ quan chức năng chưa dừng ngay được phương tiện để xử lý, cơ quan chức năng gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện và cá nhân, tổ chức có liên quan (nếu có) đến trụ sở để giải quyết vụ việc vi phạm; chủ phương tiện có nghĩa vụ phải hợp tác với cơ quan chức năng để xác định đối tượng đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm.
- Trường hợp chủ phương tiện là cá nhân, nếu không hợp tác với cơ quan chức năng, không chứng minh hoặc giải trình được mình không phải là người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm thì bị xử phạt theo quy định đối với hành vi vi phạm được phát hiện.
- Trường hợp chủ phương tiện là tổ chức, nếu không hợp tác với cơ quan chức năng, không giải trình để xác định được người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm thì bị xử phạt tiền bằng hai lần mức xử phạt quy định đối với hành vi vi phạm được phát hiện, trừ trường hợp phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép".
Bộ GTVT cho biết, việc sử dụng phương tiện, thiết bị để ghi nhận hành vi vi phạm cụ thể của người vi phạm hành chính đảm bảo nguyên tắc người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh hành vi vi phạm của Luật XLVPHC.
Để đảm bảo nguyên tắc công bằng, đúng đối tượng của Luật XLVPHC, dự thảo xây dựng theo hướng chia thành hai trường hợp chủ phương tiện là cá nhân và tổ chức để phù hợp với trách nhiệm của chủ phương tiện.
Theo đó, chủ phương tiện có quyền giải trình, chứng minh mình không vi phạm, phối hợp với người có thẩm quyền để xác định đối tượng vi phạm hành chính.
(Ảnh minh họa: Di Linh).
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng bổ sung qui định xử lí đối với trường hợp tại thời điểm kiểm tra, người điều khiển phương tiện không xuất trình được một, một số hoặc tất cả các giấy tờ theo qui định gồm: Giấy phép lái xe, Giấy đăng kí xe, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kĩ thuật và bảo vệ môi trường (tại khoản 3 Điều 82), cụ thể:
"3. Đối với trường hợp tại thời điểm kiểm tra, người điều khiển phương tiện không xuất trình được một, một số hoặc tất cả các giấy tờ (Giấy phép lái xe, Giấy đăng kí xe, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kĩ thuật và bảo vệ môi trường) theo quy định, xử lí như sau:
a) Người có thẩm quyền tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với người điều khiển phương tiện về hành vi không có giấy tờ (tương ứng với những loại giấy tờ không xuất trình được) và tạm giữ phương tiện theo qui định;
b) Trong thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, nếu người vi phạm xuất trình được các giấy tờ theo quy định thì người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt về hành vi không mang theo giấy tờ;
c) Quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, người vi phạm mới xuất trình được hoặc không xuất trình được giấy tờ theo quy định thì phải chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định đối với các hành vi vi phạm đã ghi trong biên bản vi phạm hành chính".
Với nội dung này, Bộ GTVT cho biết mức phạt tiền qui định ở đây là mức phạt đối với hành vi không có Giấy đăng kí xe; hình thức xử phạt bổ sung chỉ áp dụng khi không xuất trình được các giấy tờ của xe, nguồn gốc xe nên sẽ không phù hợp trong việc so sánh giữa mức phạt tiền và giá trị của hình thức xử phạt bổ sung nói chung.
"Mặt khác, hiện nay đối với các xe không có Giấy đăng kí xe, sau khi bị tạm giữ nếu không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ (giấy tờ của xe, chứng từ nguồn gốc xe) sẽ không có cơ sở để người có thẩm quyền trả lại phương tiện cho chủ sở hữu dẫn đến tình trạng quá thời hạn tạm giữ, bỏ lại phương tiện.
Để giải quyết tình trạng này, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số yêu cầu rà soát các hành vi tạm giữ để chuyển thành tịch thu.
Việc qui định tịch thu khi không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ (không có giấy tờ của xe, chứng từ nguồn gốc xe) đã đảm bảo cơ sở pháp lí theo qui định của Luật XLVPHC", Bộ GTVT cho hay.
Cụ thể, Dự thảo Nghị định quy định về hình phạt bổ sung đối với hành vi điều khiển xe không có Giấy đăng kí xe mà không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của phương tiện thì bị tịch thu phương tiện (điểm đ khoản 6 Điều 16, điểm d khoản 5 Điều 17, điểm c khoản 3 Điều 19, điểm b khoản 4 Điều 30).
Đối với nội dung trên, Vụ Pháp chế (Bộ GTVT) cho qui định cơ bản hướng đến hành vi điều khiển xe không có nguồn gốc rõ ràng (bất hợp pháp), tuy nhiên, nội dung này cần được nghiên cứu, xem xét đánh giá lại tính khả thi trên các phương diện.
Ví dụ, việc không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ (thông qua giấy tờ mua bán, di chúc) không có nghĩa là đó là sở hữu bất hợp pháp trong trường hợp giấy tờ bị mất, tài sản được tặng cho, được thừa kế.