Dùng than tổ ong gây ô nhiễm không khí: Hà Nội vẫn còn chục ngàn bếp do nhận thức hạn chế

Hà Nội cho biết, đến nay mới loại bỏ được 30% số lượng bếp than tổ ong đang sử dụng so với năm 2017 do nhận thức của người dân về tác hại của bếp than tổ ong đối với sức khỏe và gây ô nhiễm không khí còn hạn chế.
Dùng than tổ ong gây ô nhiễm không khí: Hà Nội vẫn còn chục ngàn bếp do nhận thức hạn chế - Ảnh 1.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh than tổ ong ở Thủ đô vẫn diễn ra hàng ngày. (Ảnh: Di Linh).

Ngày 25/12/2019, UBND TP Hà Nội đã ban hành chỉ thị về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí trên địa bàn TP trong bối cảnh ô nhiễm không khí diễn biến phức tạp.

Trong đó, Hà Nội yêu cầu các Sở liên quan tuyên truyền, vận động người dân không đốt rác thải tự phát, đốt rơm rạ phụ phẩm nông nghiệp, không sử dụng bếp than tổ ong hoặc nhiên liệu cấp thấp.

Theo UBND TP Hà Nội, để đảm bảo mục tiêu không còn tình trạng đốt rơm rạ trên địa bàn đến năm 2020 và giám sát tình hình thực hiện công tác hạn chế đốt rơm rạ, Sở TN&MT đã làm việc với các quận, huyện của TP.

Hiện nay, UBND TP đang xem xét báo cáo và đề xuất của Sở TN&MT; Xây dựng qui định, chế tài xử lí đối với những cá nhân đốt rơm rạ sau khi thu hoạch.

Hà Nội cũng cho biết sẽ kéo dài lộ trình hạn chế tiến tới không đốt rơm rạ đến năm 2025 để người dân có thể nhận thấy sự thay đổi tích cực của chất lượng đất khi sử dụng chế phẩm sinh học để xử lí rơm rạ.

Ngoài ra, Hà Nội sẽ hỗ trợ kinh phí mua chế phẩm sinh học để người dân xử lí rơm rạ sau thu hoạch theo lộ trình.

Về việc đốt than tổ ong gây ô nhiễm không khí, theo thông tin mới nhất từ Chi cục Bảo vệ môi trường TP, tính đến cuối tháng 12/2019, số lượng bếp than tổ ong ở Hà Nội đã giảm so với năm 2017 nhưng số lượng bếp vẫn còn tới 23.000.

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường, mỗi ngày, người dân Thủ đô tiêu thụ hơn 500 tấn than, thải vào môi trường khoảng 1.800 tấn khí C02.

Bên cạnh đó, đốt than tổ ong cũng gây ô nhiễm không khí khi phát sinh bụi mịn, các khí thải khác như CO, SO2...

Dùng than tổ ong gây ô nhiễm không khí: Hà Nội vẫn còn chục ngàn bếp do nhận thức hạn chế - Ảnh 2.

Nhiều người dân ở nội thành Hà Nội vẫn sử dụng bếp than tổ ong bất chấp nguy hại với sức khỏe và môi trường. (Ảnh: Di Ling).

Đối với việc tuyên truyền không đốt than tổ ong, căn cứ các quy định HĐND Thành phố và UBND TP ban hành, từ năm 2016 đến nay, TP cho biết đã liên tục triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của bếp than tổ ong.

Tìm kiếm các giải pháp thay thế bếp than tổ ong đảm bảo an toàn, hiệu quả và thân thiện với môi trường; tiến hành nghiên cứu, đánh giá tác động của bếp than tố ong đối với sức khỏe và việc gây ô nhiễm không khí.

"Tuy nhiên, đến nay, mới loại bỏ được 30% số lượng bếp than tổ ong đang sử dụng so với năm 2017 do nhận thức của người dân về tác hại của bếp than tổ ong đối với sức khỏe và môi trường còn hạn chế, sự vào cuộc của chính quyền địa phương còn chưa quyết liệt", báo cáo của Hà Nội cho biết.

Đáng chú ý, ngày 30/10/2019, UBND TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc thay thế và loại bỏ toàn bộ bếp than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường trên địa bàn.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.