Được gia đình nạn nhân bãi nại, nữ tài xế BMW gây tai nạn ở Hàng Xanh có thể thoát án tù?

Theo luật sư, khả năng bà Nga được tuyên mức án dưới khung hình phạt bị truy tố hoặc cho hưởng án treo là rất thấp, bởi hậu quả bà này gây ra vô cùng nghiêm trọng.

Sáng nay (17/6), TAND quận Bình Thạnh (TP HCM) dự kiến mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử bà Nguyễn Thị Nga (47 tuổi, ngụ quận 12, TP HCM) về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ". 

Người phụ nữ bị truy tố theo Khoản 2 Điều 260 BLHS 2015, với khung hình phạt 3-10 năm tù.

Trước khi phiên tòa diễn ra, gia đình nạn nhân đã có đơn bãi nại cho bà Nga. Trong đơn, phía bị hại xin cho bị cáo không phải đi tù, để có điều kiện ở ngoài kiếm tiền, khắc phục hậu quả.

bmw

Bà Nga thời điểm gây ra tai nạn. (Ảnh tư liệu).

Liên quan vấn đề này, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP HCM) đánh giá, dù bà Nga được gia đình bị hại làm đơn xin miễn hình phạt tù do đã khắc phục hậu quả, nhưng đó chỉ được xem xét là tình tiết giảm nhẹ để HĐXX cân nhắc khi đưa ra mức án thích hợp. 

"Để được hưởng án treo, bị cáo phải thỏa mãn các điều kiện theo điều 65 BLHS. Cụ thể, khi xử phạt tù không quá 3 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 1 đến 5 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật Thi hành án hình sự", luật sư Hùng phân tích.

Luật sư chỉ ra, hành vi của bà Nga thuộc Khoản 2 Điều 260 với mức thấp nhất là 3 năm tù. Trong khi đó, điều kiện để hưởng án treo mức án phải thấp hơn 3 năm tù. 

Từ đó, luật sư Hùng cho rằng cơ hội để người phụ nữ gây tai nạn liên hoàn ở Hàng Xanh được hưởng mức án dưới khung hình phạt bị truy tố theo điều 54 BLHS là rất thấp. Bởi, hậu quả do hành vi của bà này gây ra quá lớn: một người chết, 5 người bị thương, 5 xe máy và 2 ôtô bị hư hỏng nặng. "Việc cho bà Nga hưởng án treo là không phù hợp", luật sư Hùng nhấn mạnh.

Theo nội dung vụ án, khoảng 23h ngày 21/10/2018, sau khi uống rượu bia, bà Nga lái ôtô hiệu BMW từ nhà hàng do mình làm chủ tại quận 3 về nhà ở quận 12.

Đến vòng xoay ngã tư Hàng Xanh, ôtô của bà này đâm vào 5 xe máy dừng đèn đỏ phía trước, kéo lê người phụ nữ một đoạn dài. Ôtô tiếp tục tông vào một taxi rồi dừng lại.

Tai nạn khiến một phụ nữ tử vong tại chỗ, 5 người khác bị thương, 5 xe máy và 2 ôtô bị hư hỏng nặng.

Cơ quan điều tra xác định nồng độ cồn của bà Nga thời điểm gây tai nạn lên đến 0,94 mg/l lít khí thở. Bà này thừa nhận đã uống nhiều bia rượu nhưng cho rằng "còn rất tỉnh táo".

Theo lời người phụ nữ, khi thấy tín hiệu đèn đỏ ở ngã tư Hàng Xanh, bà đạp phanh nhưng khi di chuyển chân từ cần ga sang cần phanh, quai hậu giày cao gót bị vướng lại. Trong lúc quýnh quáng, bà rút chân lên rồi lại đạp xuống, trúng nhầm vào cần ga khiến ôtô lao về trước húc hàng loạt xe.

Điều 260: Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

Khoản 2

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm tù

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;

c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

đ) Làm chết 2 người;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%:

g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

Nghị quyết 02/2018 của hội đồng thẩm phán nhân dân tối cao, đưa các điều kiện như sau để bị cáo có thể hưởng án treo:

Người bị xử phạt tù có thể được xem xét cho hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Bị xử phạt tù không quá 3 năm.

2. Có nhân thân tốt.

Được coi là có nhân thân tốt nếu ngoài lần phạm tội này, người phạm tội luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc.

3. Có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 1 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.

4. Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục.

Nơi cư trú rõ ràng là nơi tạm trú hoặc thường trú có địa chỉ được xác định cụ thể theo quy định của Luật Cư trú mà người được hưởng án treo về cư trú, sinh sống thường xuyên sau khi được hưởng án treo.

Nơi làm việc ổn định là nơi người phạm tội làm việc có thời hạn từ 1 năm trở lên theo hợp đồng lao động hoặc theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

5. Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.