Duyệt quy hoạch tỉnh Hải Dương, dự kiến đưa TX Kinh Môn lên thành phố

Theo Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống đô thị của tỉnh này sẽ là 28 đô thị, trong đo, TX Kinh Môn là đô thị loại III (dự kiến thành lập thành phố).

Một góc TX Kinh Môn hiện nay. (Ảnh: TC Group).

Theo Báo Chính phủ, ngày 19/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa qua đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu phát triển tổng quát là phấn đấu đến năm 2030 Hải Dương là tỉnh công nghiệp hiện đại, trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, có quy mô nền kinh tế lớn trong cả nước.

Cùng với đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; hệ thống đô thị phát triển xanh, thông minh, hiện đại, giàu bản sắc; đạt một số tiêu chí cơ bản của thành phố trực thuộc Trung ương. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khoảng 9,5%/năm.

Về phương hướng phát triển ngành công nghiệp, Quyết định nêu rõ, phát triển công nghiệp theo 4 trụ cột chính, bao gồm tập trung mở rộng và nâng cao chuỗi giá trị, tận dụng liên kết vùng cho các ngành công nghiệp chủ lực; xây dựng năng lực cạnh tranh chiến lược, tiến tới phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng trong tương lai.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tái cơ cấu các ngành công nghiệp giá trị sản xuất nhỏ; xây dựng Hải Dương thành trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, gắn với khu kinh tế chuyên biệt, khu công nghiệp hiện đại.

Về phương án quy hoạch hệ thống đô thị, Quy hoạch nêu rõ, phát triển hệ thống đô thị của tỉnh với 28 đô thị, trong đó, 14 đô thị hiện hữu và thêm mới 14 đô thị, bao gồm một đô thị loại I là TP Hải Dương; một đô thị loại II là TP Chí Linh.

Một đô thị loại III là TX Kinh Môn (dự kiến thành lập thành phố); 7 đô thị loại IV; 18 đô thị loại V trong đó có 4 đô thị hiện hữu, 2 đô thị đã được công nhận mới, 12 đô thị nâng cấp trên cơ sở nâng cấp các xã nông thôn.

Đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước, Hải Dương sẽ huy động tổng hợp các nguồn vốn cho đầu tư phát triển, nhất là vốn ngân sách trung ương, vốn ODA và các nguồn vốn hỗ trợ khác để đầu tư các dự án lớn về kết cấu hạ tầng giao thông và các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội.

Đối với nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, Hải Dương tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh và tăng cường huy động vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Đồng thời, thu hút các doanh nghiệp, các dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, năng lực quản trị hiện đại.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.