Email có được coi là chứng cứ pháp lý trong giải quyết tranh chấp?

Ngoài mục đích truyền đạt thông tin, email còn mang giá trị chứng cứ. Cần lưu ý về điều kiện, cách thu thập, hình thức và thời điểm cung cấp email để bảo vệ quyền lợi của mình.

Tôi cho bạn vay tiền nhưng không có giấy tờ vay nợ mà chỉ có xác nhận qua thư điện tử (email). Nếu tôi kiện bạn tôi về việc trốn nợ thì email đó có được coi là chứng cứ không? Có cần điều kiện gì không?

Độc giả: Thanh Hằng

Theo điều 121 Bộ luật Dân sự (BLDS) quy định: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Về hình thức của giao dịch dân sự, Điều 124 BLDS cũng khẳng định giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu được coi là giao dịch bằng văn bản.

Thông điệp dữ liệu trong giao dịch thương mại điện tử được công nhận trong BLDS có giá trị pháp lý như văn bản. Tuy nhiên, những điều này chưa thể đánh giá được đầy đủ tính pháp lý của chứng cứ giao dịch điện tử. Các nhà làm luật cần đưa ra những căn cứ chứng minh giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu.

Luật Giao dịch điện tử 2005 (GDĐT) đã quy định rõ thông tin trong thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì thông tin đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu. Chúng có giá trị như văn bản. Thông điệp dữ liệu được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, điện tín, điện báo, fax, thư điện tử và các hình thức tương đương khác. Trong trường hợp pháp luật yêu cầu thông tin phải được thể hiện bằng văn bản thì thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng yêu cầu này khi thông tin chứa trong thông điệp dữ liệu có thể truy cập và sử dụng để tham chiếu khi cần thiết.

Các trường hợp pháp luật quy định phải thực hiện bằng văn bản thường là các loại giao dịch tài sản có đăng ký. Các loại giao dịch này đòi hỏi hình thức là văn bản trên giấy và không tiến hành qua mạng. Tương tự như các văn bản trên giấy, các giao dịch thương mại điện tử khi cần phải có chữ ký điện tử để ràng buộc chủ thể với những quy định trong điều luật. Chữ ký điện tử có khả năng nhận dạng một người, giúp cho việc xác minh cho tính toàn vẹn của nội dung thông tin chứa trong văn bản, tạo tính chắc chắn về mối quan hệ của người đó và hành vi ký và cho thấy việc người đó chấp nhận tài liệu ký. Để thừa nhận giá trị chứng cứ của văn bản điện tử vấn đề xem xét và thừa nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử cũng như vấn đề bản gốc cũng phải song song đặt ra.

Tại Luật Giao dịch điện tử 2005 cũng khẳng định thông điệp (Thư điện tử là một trong các hình thức thể hiện của thông điệp dữ liệu theo Luật Giao dịch điện tử 2005) có giá trị như bản gốc khi đáp ứng được các điều kiện:

- Nội dung của thông điệp dữ liệu được đảm bảo toàn vẹn kể từ khi được khởi tạo lần đầu tiên dưới dạng một thông điệp dữ liệu hoàn chỉnh. Nội dung của thông điệp dữ liệu được coi là toàn vẹn khi nội dung đó chưa bị thay đổi, trừ những thay đổi về hình thức phát sinh trong quá trình gửi, lưu trữ hoặc hiển thị thông điệp dữ liệu.

- Nội dung của thông điệp dữ liệu có thể truy cập và sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết.

Như vậy, giá trị “bản gốc” có liên quan chặt chẽ đến vấn đề chữ ký và văn bản trong môi trường kinh doanh điện tử. Trong giao dịch điện tử vẫn có thể tạo ra được bản sao giống hệt như bản gốc một cách dễ dàng. Điều quan trọng ở đây là nội dung dữ liệu do một người khởi tạo không bị thay đổi, đảm bảo tính nguyên vẹn của dữ liệu.

Đặc biệt, thông điệp dữ liệu có thể làm chứng cứ, công nhận rằng thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị dùng làm chứng cứ chỉ vì đó là một thông điệp dữ liệu. Giá trị đánh giá thông điệp dữ liệu của thông điệp dữ liệu được dựa trên các yếu tố, bao gồm:

- Độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi thông điệp dữ liệu.

- Cách thức đảm bảo và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu.

- Cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.

Bộ luật Tố tụng dân sự có quy định chứng cứ là “những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp”.

Như vậy, chủ thể muốn cung cấp thông điệp dữ liệu làm chứng cứ cho cơ quan tài phán xem xét để giải quyết một vụ việc tranh chấp thì thông điệp dữ liệu đó cần được in ra thành văn bản. Trong trường hợp thông điệp dữ liệu được truy xuất từ các trang web thì cơ quan tài phán có thể truy cập trực tiếp vào đường dẫn do đương sự cung cấp, nếu thông điệp dữ liệu gốc được lưu trữ trong thiết bị lưu trữ ngoài phải kèm đư ờng dẫn để truy cập khi cần thiết, nếu nếu là email cá nhân thì thông điệp dữ liệu đó phải được đảm bảo nguyên vẹn trong hộp thư inbox.

Trang web chỉ được khởi tạo khi cá nhân, tổ chức chủ trang web đó đã mua tên miền và đăng ký với tư cách chủ sở hữu, còn email cá nhân cũng thể hiện tính duy nhất, vì muốn sử dụng email phải có mã khóa (password), không thể ngụy tạo được. Trường hợp cơ quan tài phán nghi ngờ có sự gian dối trong việc khởi tạo lại một tên email thông thường và thư điện tử đã gửi đi (email đăng ký trên Yahoo!, Googgle,..) thì hoàn toàn có thể gửi một công văn đến công ty cung cấp dịch vụ để xác minh. Việc kiểm tra này hoàn toàn khả thi, khi hiện nay các nhà cung cấp email như Yahoo!, Googgle,..có văn phòng đại diện hoặc trụ sở tại Việt Nam. Hơn nữa, các công ty dịch vụ này đa số được thành lập tại Mỹ, châu Âu, nên họ có thái độ tôn trọng và hợp tác với cơ quan tài phán khi có yêu cầu. Do vậy đối với một vụ tranh chấp liên quan đến giao dịch điện tử, các bên đương sự có thể mạnh dạn cung cấp thông điệp dữ liệu gốc có liên quan cho cơ quan tài phán để được phán xét.

Độc giả có vướng mắc về pháp lý xin gửi yêu cầu hoặc đề nghị tư vấn qua Email: thuandx@vietnammoi.vn

Ngoài ra độc giả tham khảo kiến thức luật tại: vietnammoi.vn

Lưu ý: Những tư vấn theo đề nghị của người gửi câu hỏi qua Email, nội dung trả lời có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Luật gia Đồng Xuân Thuận

chọn
IDJ báo lãi quý I nhờ dự án Mũi Né, sẽ hạn chế làm dự án mới và giảm vay nợ tài chính
Quý I/2024, IDJ lãi sau thuế hơn 15 tỷ đồng với doanh thu chủ yếu đến từ dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né. Trong giai đoạn tới, doanh nghiệp cho biết sẽ hạn chế phát triển các dự án bất động sản mới và đẩy tỷ trọng vay ngân hàng, vay trái phiếu xuống mức rất thấp.